Người ta thường nói hạnh phúc của một cuộc hành trình là cơn gió mang chúng ta đi trên chặng đường chứ không phải một điểm đến, nhưng có một điểm đến là con tim chúng tôi lạc nhịp, nơi dành cho những kẻ du mục dừng chân – The November Mộc Châu – Ngôi nhà và những câu chuyện chưa kể !
The November Mộc Châu – ngôi nhà trên thảo nguyên và câu chuyện phía sau cái tên.
Hãy dành một chút để nói về cái tên The November Mộc Châu nhé. Những kẻ du mục và đôi chân không thể dừng lại luôn lấy câu nói này làm châm ngôn “Đừng khởi đầu ngày mới với những mảnh vỡ của ngày hôm qua. Mỗi buổi sáng ta thức giấc chính là ngày đầu tiên của phần còn lại trong cuộc sống”. Ánh mặt trời mới chính là nguồn năng lượng cho những kẻ du mục niềm tin và nụ cười.Và khi tôi vươn vai đón chào ánh bình minh ở The November Mộc Châu, hít thở một hơi thật sâu mà thì thầm ” wow this is a real life”
The November”. Là câu chuyện tình yêu đẹp của hai anh chị chủ nhà. Đó là Mộc Châu nơi tình yêu bắt đầu, hai người gặp nhau vào một ngày tháng mười một hẹn hò rồi kết hôn và tình yêu thêm nồng thắm khi đón em bé cất tiếng khóc chào đời. Vậy là căn nhà có tên The November, một câu chuyện tình yêu thật đẹp vào thời điểm Mộc Châu đẹp kiêu sa như một nàng tiên nữ, những cánh hoa cải nở trắng cao nguyên trong làn sương tinh mơ đẹp mơ màng và những kẻ lang thang tìm thấy nhau…
Tháng mười một là khởi đầu đầy giản đơn và mộc mạc. Khi họ đã dành những năm tháng của tuổi trẻ để đi, để trải nghiệm và để dừng lại. Mộc châu là điểm dừng, là sự chọn lựa và được đôi vợ chồng trẻ gọi là duyên và Mộc Châu đúng là nơi tình yêu bắt đầu,là ngọn nguồn cho một khởi đâu mới.Nhà là tâm huyết, là sự chỉn chu, từng chi tiết, từng góc nhỏ bé thôi nhưng với hai vợ chồng người đã gây dựng nên The November thì đó là cả là không gian sống,là niềm cảm hứng bất tận của tuổi trẻ, là hơi thở của tình yêu.
Lưu trú tại The November Mộc Châu
Tháng 11 Mộc Châu trong cái rét “ngọt” đầu đông, con đường đến với vùng đất cao nguyện nhuốm màu trắng tinh khôi hoa cải trắng, hai bên đường hoa cải trải ngút tầm mắt, những kẻ du mục lơ lửng bên con đường dẫn đến vùng đất Mộc Châu thả hồn theo mây trời và cái lành lạnh nơi cao nguyên. Chọn dừng chân ở The November Mộc Châu căn nhà bình yên giữa lòng cao nguyên xinh đẹp. Theo chân mình khám phá những ngôi nhà thú vị này nhé
The November Mộc Châu nằm ở Số 88, Ngõ 3, Tiểu khu 34, xã Đông Sang, Mộc Châu, Mộc Châu là khu tổ hợp gồm 11 căn tương ứng với 11 tháng trong năm.Đây là những căn homestay độc đáo nhất mà mình từng đặt chân đến. Những bạn có tháng sinh từ tháng 1 đến tháng 11 có lẽ sẽ rất thích điều này, có ẽ con số 11 là con số có quá nhiều kỷ niệm với hai anh chị chủ nhà nên chỉ dừng lại ở ở con số 11 căn nhưng điều này cũng không quá quan trọng nữa bởi vì khi đã đặt chân đến The November có cảm giác như bạn đang ở nhà vậy giữa lòng Mộc Châu bình yên.
Mình sẽ để bảng giá dịch vụ ở The November ở đây nhé :
– Nhà Gỗ Bìa (Tháng 1,2,8,9):420k-520k/đêm gồm 1 giường đôi, nhà WC riêng, nhà tắm riêng.
– Nhà Gỗ Bìa (Tháng 3): 720k-820k/ đêm gồm 2 giường to, nhà WC riêng, nhà tắm riêng.
– Nhà Gỗ Bìa (Tháng 10, 11): 740k-940k/ đêm là căn to có chung vách gỗ, có cửa thông sang nhau được, nhà WC bên phòng tháng 10. Phòng này ở được 4 người và thêm tối đa 2 người (100k/người).
– Nhà Vải (Tháng 4,5,6): 320k – 420k gồm phòng 2 giường tầng, nhà WC và tắm bên ngoài.
– Nhà Dorm (Tháng 7): 100k-120k/đêm gồm phòng 2 giường tầng, nhà WC và tắm bên ngoài.
Homestay có dịch vụ cho thuê xe máy (90k/xe từ 6h-12h và 12h-19h – 180k/ cả ngày, xăng tự túc).
*Ăn uống tại The November house
Menu ở The November khá đa dạng: có lẩu ngon ngất ngây, nướng, mì tôm trứng, bánh mì trứng… trà và nước ngọt. Ở The November bạn cần lưu ý:
“Not Smoking/ Not Drunk/ Not Party after 10p.m” nhé!
Con tim của kẻ du mục bị hạ gục bởi câu chuyện tình yêu đẹp như mơ của hai con người trẻ và những hồi ức đẹp nhất của tuổi 21 xin gửi lại nơi này – The november Mộc Châu !
Cứ thỉnh thoảng tôi lại nghe bà hay mẹ tôi kêu thèm món bánh mướt. Hồi nhỏ tý mũi còn thò lò và tóc chỉ lơ thơ vài cọng, tôi cứ tự hỏi sao bà và mẹ không chạy ù ra ngõ mua lấy cân bánh cuốn về ăn cho đỡ thèm. Nhìn chúng chẳng khác gì nhau ngoại trừ cái tên! Lớn lên, vị giác tinh tế hơn một chút rồi tôi mới nhận ra sự khác biệt giữa hai loại bánh ấy.
Ừ thì tôi là một đứa mang nét đặc trưng của nhiều vùng miền: quê nội tôi ở vùng núi phía Bắc, quê ngoại thì tít bên xứ Nghệ, ấy thế mà lại chôn rau cắt rốn nơi đất Cảng, và bây giờ mon men lên thủ đô “tìm kiếm con chữ”. Thế mới tài!
Thế nhưng như thế lại hay, vì nhờ thế mà hầu như văn hóa ở vùng miền nào tôi cũng biết qua một ít. Tôi học được nhiều thứ từ gia đình “đa văn hóa” tôi, và rất nhỏ trong số đó là món bánh mướt này.
Thỉnh thoảng, khi mà cái cơn thèm lên đến đỉnh điểm thì mẹ tôi cũng mua bánh cuốn về rồi làm cho nó thật giống bánh mướt mà ăn tạm thật. Mẹ mua cả cân bánh cuốn về, bắt đầu ngồi cuộn thành những cuộn dài to bằng đốt rưỡi ngón tay rồi rắc thêm hành khô bên trên. Thì nó cũng chỉ là bánh cuốn thôi! Thế nhưng bắt đầu khác khi mẹ bắt đầu nấu nước dùng theo một cách rất khác.
Tôi nhớ là tôi đã từng ăn nhiều thứ nước dùng khác nhau mà mẹ nấu để ăn với món bánh mướt. Nhưng thường thì mẹ nấu nước xáo lòng, thêm một miếng tiết và thật nhiều rau thơm. Nhiều lúc mẹ lại mua một ít thịt bò, ninh thật nhừ với cà chua, nêm nếm cho thật đậm đà làm nước dùng. Đôi khi không có thời gian thì chỉ cần một bát mắm nguyên chất thêm vài lát ớt là thỏa mãn cơn thèm.
Mọi người khoái nhất là ăn bánh mướt với nước xáo lòng nóng. Cảm giác chấm thật đẫm bánh trong nước dùng ngọt thanh, cắn một miếng ngập chân răng thì đúng là khoái.
À nhưng cái “bánh mướt” mà tôi đang nói mới chỉ là bánh cuốn dùng tạm để tưởng tượng ra cái bánh mướt thật sự thôi.
Chả là trong một lần về quê ngoại, tôi có được thử món bánh mướt chuẩn mới ngớ người “Đúng là khác thật!”
Thật ra thì cách làm bánh mướt giống y sì chả khác gì bánh cuốn. Nhưng khi ăn bánh mướt Nghệ An lại nhận ra được một hương vị rất riêng không tìm thấy được ở bánh cuốn mà tôi gọi là “vị xứ Nghệ”. Hương vị ấy chắc là do gạo mà người ta dùng để làm bánh là loại gạo đặc trưng của vùng, lại được ngâm trong 2 tiếng rồi mới đem xay, rồi lại được đem đi ủ vài giờ trước khi chế biến. Túm gọn lại để làm ra món bánh mướt có hương vị riêng như vậy, người xứ Nghệ phải bỏ ra biết bao nhiêu là công sức chứ không phải đơn giản.
Quê ngoại tôi ngoài ăn bánh mướt với nước xáo lòng hay mắm thì còn ăn ram mướt. Nghe lạ tai nhưng thật ra là lấy bánh mướt cuộn bên ngoài ram rồi ăn. Ram là gì? Ram có nhân giống như chả nem ngoài Bắc, nhưng được gói bằng một loại lá nem có màu vàng cánh gián, dày hơn lá đa nem bình thường và đặc biệt rất thơm, giòn. Để dễ hình dung ra món ram mướt thì tôi sẽ gọi nó là bánh cuốn cuộn chả nem cho dễ hình dung. Đây là một món rất dễ ăn, phù hợp với mọi thời tiết và mọi thời điểm trong ngày.
Bánh mướt chính là như thế, như người ta thường nói là “nhỏ mà có võ”. Là một món ăn nhưng có hương vị mãnh liệt đối với những người xa xứ như bà, như mẹ. Nó là hương vị quê hương không chỉ gây thương nhớ mà còn là hồn túy của quê hương xứ Nghệ.
Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã lọt vào top 10 bãi biển hoang sơ lý tưởng do độc giả CN Traveler bởi vẻ đẹp hoang sơ.
Phú Quốc được gọi là Đảo Ngọc cũng dễ hiểu, vì đây là một thiên đường biển đã được bạn bè quốc tế công nhận. Những bãi biển đẹp mê hồn, những resort sang trọng, những khách sạn mang đẳng cấp quốc tế khiến Phú Quốc trở thành điểm đến trong mơ. Không ít người đã quay trở lại đây nhiều hơn hai lần bởi phải lòng vẻ đẹp thiên nhiên Phú Quốc.
Nhưng ẩn sau một Phú Quốc thiên đường ấy là một bức tranh sinh động về cuộc sống và con người trên hòn đảo xinh đẹp này mà ít ai biết tới. Bức tranh được tô điểm bởi cảnh sắc thiên nhiên trù phú của Phú Quốc và những con người tảo tần, hối hả mưu sinh trên hòn đảo xinh đẹp.Phú Quốc được biết đến với tên gọi đảo ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam cũng như quần thể 22 đảo tại đây nằm trong vịnh Thái Lan. Đặt chân đến Phú Quốc chính là đang lạc bước ở một thiên đường biển đẹp nhất của Việt Nam.
Những bức hình sống động về thiên nhiên, con người và cuộc sống trên đảo Phú Quốc
Dưới góc nhìn của của một backpacker du lịch bụi khám phá những khoảnh khắc chân thực nhất của cuộc sống, hãy cùng Wecheckin.vn thưởng thức Phú Quốc qua những bức ảnh rất đẹp và ý nghĩa dưới đây :
Cuộc sống mưu sinh, mò từng con ốc, con nghêu giữa biển cả của một ngư dân nghèo trên đảo. Bức hình tình cảm người mẹ dành cho con dù cuộc sống khó khăn khiến tôi cảm động. Trước khi đến đảo Phú Quốc, tôi luôn nghĩ rằng ở một nơi vốn nổi tiếng với những bãi tắm đẹp mê li, những resort, khách sạn năm sao mang đẳng cấp quốc tế, cuộc sống của người dân trên đảo ngọc cũng vì thế mà khá giả. Nhưng, khi đưa ống kính máy ảnh lên và trông thấy khoảnh khắc vui đùa của tình mẫu tử trên biển cả, tôi như lặng người lại một chút.
Những người dân miền biển cũng giống như những người dân miền núi Tây Bắc mà tôi đã tiếp xúc. Con người nơi đây chất phác, chân chất, thật thà. Dẫu cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, họ vẫn cười. Nụ cười và hơi thở của biển cả cho họ niềm tin về cuộc sống. Nếu đã một lần lắng lòng trước biển hẳn bạn cũng nhận thấy rằng, khi đến đảo Phú Quốc biển làm cho con tim bạn thổn thức, còn những khoảnh khắc về con người và cuộc sống khiến tâm hồn bạn xao xuyến.
Hà Nội trong suy nghĩ của nhiều người là thành phố chật chội, bon chen và đôi khi cảm thấy mệt mỏi với những ồn ào và tiếng còi xe inh ỏi. Trong cuộc sống ở Hà Nội, một không gian yên tĩnh cùng ly cà phê sữa nóng, nép mình vào trong góc phố tạm rời xa nhịp sống xô bồ đôi khi là thứ chúng ta kiếm tìm trong cuộc sống.
Wecheckin biết một nơi như thế, một quán cafe có không gian yên tĩnh để bạn thả tâm hồn bên góc cửa kính lặng ngắm phố phường bên những giọt nắng thu trong vắt. Mình muốn nhắc tới Lau Cafe.Những ngày này Hà Nội đang vào thu, có cảm giác như nhịp sống hối hả của thành phố dường như chậm lại một chút. Hà Nội vào thu như thay chiếc áo mới, cơn gió heo may đi ngang qua khiến lòng người như bâng khuâng lạ thường. Người Hà Nội thích tìm về những quán cafe yên tĩnh, mang chút vẻ hoài cổ để nhớ về một Hà Nội xưa kia vì Hà Nội bây giờ xô bồ, ồn ào quá. Lau Cafe là nơi có thể giúp bạn tìm về những khoảng lặng trong ngày dài. Lau Cafe 86 Trần Quốc Hoàn
Lau Cafe có 2 cơ sở, một cơ sở ở 115 Xã Đàn và trong bài viết này tôi đã ghé thăm và trải nghiệm buổi sáng chủ nhật ở cơ sở Trần Quốc Hoàn.
Nằm ở 86 phố Trần Quốc Hoàn, Lau là một quán cafe có không gian rộng rãi với decor hoàn toàn bằng gỗ cùng sofa khá đơn giản nhưng rất tinh tế mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái. Mình cực kì thích không gian yên tĩnh của quán, nơi lí tưởng để trốn sau những giây phút bạn làm việc mệt mỏi. Như mình đã nói ở trên, không gian rộng chính là điểm cộng cho Lau cafe vậy nên đây là một địa điểm ”đủ rộng” để bạn nhóm họp bạn bè, cùng nhau tổ chức bữa tiệc sinh nhật ấm cúng. Không gian phía trong của Lau rất đơn giản giống mà tinh như chính căn nhà của bạn vậy.
Đồ uống của Lau cafe
giá đồ uống của Lau cafe khá hợp lí từ 30.000Đ – 60.000Đ. Theo mình cảm giận thì đồ uống khá ngon. Mình là một con nghiện cafe sữa nên mình thích nhất Vietnamese coffee dùng với sữa ở Lau có lẽ bởi vì đối với người Việt sự hòa quyện của sữa vị đắng của cafe và vị ngọt của sữa là thứ hương vị đặc trưng có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.
Một ly capuchino cho một ngày Hà Nội có mưa ngồi bên ô cửa kính của Lau ngắm dòng người đang đi ngược xuôi trên phố.Một Ly sinh tố dâu tây cho một ngày căng tràn sức sống.Có đôi khi chúng ta cần một góc không gian yên tĩnh để trốn và thư thái đọc những trang sách bỏ lại phía sau tất cả những mêt mỏi của cuộc sống. Hãy ghé Lau Cafe và tận hưởng những phút giây bình yên nhất…
Một ly trà chanh sả bên những tia nắng ấm áp mùa thu.
Iced Mocha Iced Mocha, sự kết hợp hoàn hảo của vị cà phê hạt arabica chua dịu cùng chocolate nồng nàn thơm thương. Tất cả cùng hoà quyện để tạo nên một món đồ uống hấp dẫn khó có thể chối từ.Mời bạn cùng Wecheckin khám phá không gian của Lau Cafe
Decor đơn giản hoàn toàn bằng sofa và gỗ mộc rất đơn giản nhưng tinh tếGóc nhỏ bình yên bên ô cửa sổ ngắm dòng người hối hả ngược xuôi.
Lau cafe cũng là một địa điểm hẹn hò lí tưởng cho các cặp đôi đang yêu nhau đấy !
Nhạc điệu của thiên nhiên luôn khiến người ta lặng yên, nhưng chưa bao giờ tạo cảm giác nhàm chán. Màu hoàng hôn cùng em đón gió biển khi mặt trời buông xuống, cảm giác chơi vơi len lỏi vào trong những ngóc ngách nhỏ của tâm hồn bởi thời khắc hoàng hôn mang gam màu buồn.
Có những ngày cảm thấy chơi vơi như con gió cô đơn, lang thang khắp nơi mà không tìm kiếm được điểm dừng để rồi khi bắt gặp ánh hoàng hôn, những tia nắng yếu ớt rọi chiếu bên làn tóc em những con sóng ào ạt xô bờ như đang muốn nói điều gì tha thiết. Biển Phú Quốc hôm nay vào lúc hoàng hôn với những vệt nắng trải dài nơi cuối chân trời khiến em thấy bình yên quá, màu hoàng hôn chạm ngõ điểm dừng cho tâm hồn. Em yêu hoàng hôn Phú Quốc !
Có đôi khi nhìn về phía ấy em cũng không biết đó là sự khởi đầu hay là sự kết thúc cho những chuyến đi dài của cuộc đời mình. Những chuyến đi thật sự rất dài…
Nơi em đón hoàng hôn là sunset beach club, nơi có lẽ là đẹp nhất Phú Quốc. Phú Quốc nổi tiếng nhất có lẽ là những cảng tàu, những bè nuôi trồng hải sản và những hồ tiêu bạt ngàn. Em bảo Phú Quốc đẹp nhất là khi em một mình ngồi lặng im ngắm cùng ánh hoàng hôn bên em. Em nói khoảnh khắc hoàng hôn Phú Quốc em như được sống chậm lại, được là chính mình bởi em nói khi ánh nắng cuối cùng sắp tắt là dấu hiệu của một sự kết thúc hoặc đến lúc tàn cuộc nhưng nó vẫn mang đến cho em cảm giác tốt lành và nhẹ nhõm.
Những ngày mùa thu Phú Quốc mang vẻ đẹp bình yên như mùa thu Hà Nội. Tháng 10 biển Phú Quốc trong xanh, những giọt nắng vàng thu không còn gắt nữa đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu.
SUNSET SANATO BEACH CLUB Nơi em trót dành tình yêu cho ánh hoàng hôn Phú Quốc
Nơi em đứng ở đây là sunset sanoto beach club nơi em luôn ngóng chờ những ánh nắng cuối cùng trong một ngày. Chẳng hiểu vì sao em luôn có được cảm giác bình yên khi em đến đây. Em có ngồi hàng giờ đồng hồ ở đây mà không biết chán,vì sao thế? vì em trót yêu nơi này mất rồi.
Em bảo em thích câu nói “Mặt Trời đã luôn dùng toàn bộ năng lượng của mình để sưởi ấm và tỏa sáng cho mọi thứ trên Trái Đất. Và dù có bất cứ chuyện gì dù tốt hay xấu xảy ra, Mặt Trời cũng chưa từng nói với Trái Đất câu “Bạn đã nợ tôi rất nhiều điều”. Vì thế cho dù màu hoàng hôn thường rất buồn nhưng em đón nhận thời khắc hoàng hôn đến bên em một cách bình yên nhất, lúc này tâm hồn em hòa cùng biển khơi với gió, với những hạt nắng cuối cùng, em thấy em không còn giống cơn gió cô đơn nữa. Hoàng hôn Phú Quốc đẹp lắm !
Hãy cùng wecheckin tiếp tục cuộc hành trình khám phá ẩm thực xứ Cảng đánh thức vị giác với những món ăn vặt tủ của tụi học sinh trong những ngày gió lạnh đầu mùa như thế này nhé!
6. Sủi dìn, chè vừng
Khi con người ta bắt đầu thu mình vào những chiếc áo dài tay mà xuýt xoa vì cái lạnh đầu mùa cũng chính là lúc mà hai món: sủi dìn và chè vừng được ưa chuộng.
Thoạt nghe tên sủi dìn khá lạ tai nhưng thực chất nó là món bánh trôi tàu có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn có tên gọi khác là Chè thang viên.
Sủi dìn vỏ làm từ bột nếp, nhân bao gồm vừng đen rang chín cho dậy mùi thơm, sau đó giã nhuyễn cùng dừa nạo lại thêm vị béo ngậy. Nước làm sủi dìn có vị đặc trưng riêng bởi dậy mùi cay nồng của gừng tươi giã nhỏ nấu với nước đường mía tạo ra màu vàng cánh gián.
Chè vừng (hay còn gọi là chè vừng đen, chè mè đen) cũng là món ăn xuất phát từ ẩm thực Trung Hoa hợp với tiết lạnh, có màu đen tuyền.
Chè vừng đen có vị thơm thơm của vừng, ngọt nhẹ, thoảng mùi lá dứa quyến rũ. Vừng được xay nhuyễn trước khi nấu nên vô cùng thơm ngon, đậm đà, độ ngọt cân bằng vừa phải. Một điểm đặc làm bạn bè tôi ngạc nhiên chính là người Hải Phòng ăn chè vừng ngoài kèm với dừa nạo còn kèm với quẩy. Bình thường quẩy được dùng để ăn kèm với phở, với cháo. Tuy vậy, khi kết hợp với chè vừng lại tạo nên một vị thơm ngậy bất ngờ.
Trời trở lạnh làm con người lại thèm da diết cái cảm giác ngồi bên vỉa hè, vừa thổi vừa húp sùm sụp bát sủi dìn nồng vị gừng và cơ thể bắt đầu ấm áp, sảng khoái. Hay múc từng miếng chè vừng thơm ngậy. Chẳng những thỏa mãn được vị giác, mà còn làm ấm cơ thể, thông khí áp, tránh cảm lạnh tốt cho sức khỏe.
Đến Hải Phòng vào tầm này thì không thiếu những quán sủi dìn, chè vừng hoạt động chủ yếu vào tầm chiều tối. Nhưng địa chỉ lâu đời mà mình vẫn thường hay lui tới vẫn là quán Cô Út trên đường Cầu Đất. Ngoài ra trên đường Đinh Tiên Hoàng, Lương Khánh Thiện, chợ Cố Đạo hay đoạn đường Lạch Tray đều có bán hai món ăn này với giá 10.000 – 20.000 đồng/bát.
7. Ốc
Ốc là món ăn xứng đáng nhận danh hiệu vua của thế giới đồ vặt vì chiếm được cảm tình của hầu hết người dân Việt Nam từ lớn đến nhỏ. Cứ mỗi lần hẹn hò với hội bạn mà muốn ngồi lê la đâu đó lai rai thì quán ốc chính là lựa chọn hàng đầu.
Người ta hay biết đến thế giới Ốc Sài Gòn vì sự đa dạng và phong phú. Thế nhưng ốc ở miền đất Cảng cũng nhiều loại không kém. Đặc biệt là ốc TƯƠI, cực kỳ tươi và có nhiều cách chế biến: luộc, luộc mắm, xào, hấp…
Lần nào bước vào những quán ốc ở Hải Phòng tôi cũng bị choáng ngợp bởi hơn chục rổ ốc, hàu, bề bề các loại cứ bày la liệt trước mặt.
Điều làm nên một món ốc ngon không chỉ là độ tươi mà còn nằm ở cách chế biến và cách pha nước mắm chấm. Nước mắm chấm ốc ở Hải Phòng đặc biệt được chăm chút, đậm đà và hòa quyện mùi thơm của gừng, sả, nước dừa tạo nên một hương vị đặc biệt hấp dẫn. Đảm bảo rằng những món ốc ở Hải Phòng sẽ khiến bạn thòm thèm mà mút chùn chụt đến khi hết sạch cái thứ nước sốt dính trên vỏ nữa!!
Ở Hải Phòng chẳng cần suy nghĩ hay lựa chọn nhiều vì hầu như cứ nhắm mắt đưa chân vào đại một quán ốc nào đó cũng có thể hài lòng về chất lượng ở đó. Nhưng nếu bạn muốn khám phá thiên đường ốc đúng nghĩa theo kiểu “chanh sả” thì nổi bật nhất có quán ốc Thủy Dương là một gợi ý cho bạn.
Ăn ốc ở đây, các bạn nên đi theo nhóm khoảng 5 – 6 người, vừa được thưởng thức nhiều món hơn, mà giá thành cũng rẻ hơn rất nhiều. Chỉ với khoảng hơn 100k/người là có thể ăn được rất nhiều món như: càng cù kỳ xào me (120k), sò nướng mỡ hành (60 – 100k), ốc móng tay xào me (130k), ốc hương xào phô mai trứng mặn (150k), ốc len xào nước cốt dừa (80k), hàu nướng phô mai (60k)…
8. Giá bể
Cái tên giá bể chắc hẳn sẽ khiến nhiều người tò mò vì đây là tên một loài nhuyễn thể chỉ có ở Hải Phòng.
Giá bể có hai mảnh vỏ màu xanh, to bằng ngón tay, cùng với những cọng chân khoằn khoèo như giá đỗ. Bên trong mỗi con giá bể là một lớp thịt ngọt và được chế biến thành món ăn độc đáo: giá bể xào chua ngọt hoặc gỏi giá bể. Mỗi món có vị hấp dẫn riêng và đều đậm bùi hương vị của con giá.
Giá bể đánh cắp vị giác người mới thưởng thức lần đầu nhờ cái vị giòn giòn sật sật. Gỏi giá bể ăn giòn, ngọt thịt và hơi cay vị ớt, riềng, thêm vị thơm của thính giã từ bánh đa nướng, lạc rang, lá chanh thái chỉ. Còn giá bể xào me dễ ăn nhờ vị chua chua ngọt ngọt.
Thưởng thức giá bể xào phải nhấm nháp từng chút một để cảm nhận, nhằn từng con một để bỏ vỏ lấy nhân. Đây là món ăn mà người ta tình nguyện mất thời gian để thưởng thức mà không một lời kêu ca cảm thán.
Bạn có thể tìm món giá bể này ở khu chợ Chu Văn An, chợ Lương Văn Can hoặc ngã tư đầu Hai Bà Trưng giao với Cầu Đất. Một bát giá bể xào có giá 20.000 đồng.
9. Cháo khoái
Lại một món ăn tên lạ hoắc nhưng là một trong những lựa chọn hàng đầu của người dân đất Cảng vào mỗi độ đông về. Cháo khoái gợi nhớ về ký ức ẩm thực đường phố Hải Phòng những tháng ngày xưa cũ.
Trong cái thời tiết lành lạnh, người ta lại thèm một bát cháo khoái nóng hổi xanh mịn bắt mắt, thơm phức mùi đậu xanh và hành phi.
Theo như người ta nói, sở dĩ cháo có màu xanh là do được “nhuộm” từ nước rau ngót hay lá dứa. Cháo có độ sánh như cháo sườn, có vị ngọt của nước xương ninh hòa quyện vị thơm của hành, vị béo của đỗ xanh.
Cháo khoái được bán với giá 10 nghìn/bát. Theo các tín đồ ầm thực Hải Phòng, quán cháo khoái đông khách nhất đất Cảng là ở chợ Cột Đèn (Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng) và thường được bán vào buổi chiều.
10. Lẩu cua đồng
Tuy là thành phố biển, nhưng Hải Phòng lại có món lẩu cua đồng rất nổi tiếng, với nước dùng giống như nước dùng trong món bánh đa cua. Món lẩu cua đồng có thể dễ dàng “bỏ bùa” vị giác của thực khách bởi hương vị đậm đà rất riêng.
Húp một miếng nước lẩu, bạn sẽ bất ngờ bởi vị ngọt thanh tự nhiên của nó. Nước lẩu cua đồng không chỉ ngọt từ nước lọc cua mà còn nhờ được ninh từ xương ống và nõn tôm khô. Ngọt vì thịt cua nhiều, thêm vài quả trứng vịt lộn, lại thơm nức mùi gạch cua phi hành. Riêu cua đóng bánh nổi vàng ruộm béo ngậy, lẫn trong màu đỏ của cà chua, màu xanh của hành lá, được đánh chua bằng giấm bỗng thanh thanh, sôi lục bục trên bếp lẩu và tỏa mùi thơm phưng phức, nức cả mũi.
Đồ ăn kèm cho món lẩu này gồm có: thịt bò, chả cá, lòng non, đậu phụ, giò sống, tôm, ngao, mực… mỗi thứ một đĩa nhỏ xinh xinh.
Thả chút một vào nồi lẩu sôi sùng sục, đợi một chút rồi vớt ra chấm muối tiêu chanh ớt hoặc tương ớt cay xè.
Đặc biệt khiến người ta mê mệt là món chả cá. Vừa giòn, dai, lại vừa miệng lạ lùng.
Ăn lẩu cua đồng phải kèm với hoa chuối thái sợi mỏng mới chuẩn vị. Ngoài ra có thêm đĩa rau sống gồm xà lách, mùi tàu, húng các loại, rau ngổ… Rau mồng tơi cũng là loại thường được dùng nhúng trong món lẩu này.
Điều đặc biệt nữa ở đây là nếu như ăn lẩu ở nhiều nơi, bạn thường được phục vụ mì tôm, bún, bánh đa trắng thì đến với lẩu cua đồng Hải Phòng, nhất định phải ăn kèm với bánh đa đỏ. Thế là tiện đấy, bạn đã được thưởng thức món bánh đa cua chuẩn vị ngay trên bàn lẩu rồi.
Đến Hải Phòng, nhất là vào thời tiết như thế này đừng quên ghé qua phố Văn Cao để cùng bạn bè, gia đình xì xụp bên nồi lẩu vừa ngon, vừa rẻ lại no ú ụ.
Những món ăn trên liệu đã đủ để đưa bước chân của những con nghiện ẩm thực đến với Hải Phòng chưa? Thực ra ở Hải Phòng còn vô số những cái tên nổi tiếng khác như xôi thịt Lãn Ông, mỳ chờ Kỳ Đồng,… những thôi bài viết này xin dừng lại tại đây thôi nhé! Hãy trực tiếp về đất Cảng mà càn quét thiên đường ẩm thực này ngay thôi!!
Tôi cứ ngỡ mình đang đón gió Đà Lạt cho đến khi nhận ra đang ở giữa lòng Phú Yên, một sự lạc đường, một trải nghiệm đáng yêu.
Tôi không phải kiểu người luôn đi trên những con đường đã được lập trình sẵn. Lạc đường để trải nghiệm, lạc để tìm được lối đi. Và tôi may mắn được lạc vào một nơi được được gọi là Đà Lạt thứ hai giữa lòng xứ Nẫu – Cao nguyên Vân Hòa.
Một nơi không khí trong lành mát mẻ như Đà Lạ và những vườn cây trái xum xuê như ở miệt vườn Miền Tây. Cao nguyên Vân Hòa sở hữu cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người.
Vùng cao nguyên này với đất đỏ bazan vốn có cùng với điều kiện tự nhiên khí hậu mát mẻ quanh năm rất phù hợp để cây ăn quả phát triển. Đến đây bạn sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp những cây trái mọc một cách tự nhiên không có bất kì tác động nào từ bạn tay con người nhưng chúng vẫn sinh sôi đơm hoa, kết trái sai trĩu cành.
Cao nguyên Vân Hòa vì nằm cách xa thành phố nên không khí trên này rất trong lành quanh năm.
Nằm ở độ cao trên 400m, cao nguyên đầy nắng và gió, thi thoảng có có sương mờ. Vào mùa thu khí hậu ở đây luôn thấp hơn thành phố Tuy Hòa khiến mọi người có cảm giác se se lạnh như khí hậu ở Đà Lạt vậy.
Cao nguyên Vân Hòa cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km theo hướng bắc. Từ Thành phố Tuy Hòa đi men theo quốc lộ 1A lên phía bắc đến thôn Hòa Đa, sau đó rẽ trái đi theo đường ĐT 643 ngược lên hướng Tây khoảng 25 km sẽ đến cao nguyên Vân Hòa. Đây là điều được rút ra từ trải nghiệm lạc đường của mình. Đến Phú Yên bốn ngày và ngày thứ hai mình quyết định thuê xe chạy ra cầu gỗ Ông Cọp. Trên đường đi điện thoại hết pin và mình rẽ nhầm đường. Mình phóng tít chạy thằng lên tới di tích nhà thờ Bác Hồ đến đây mình hỏi người dân địa phương mới biết bị lạc đường.
Thật may rằng người ta hay nói cứ đi đi rồi sẽ đến, và tôi đã được “lạc trôi” vào thiên đường xanh ngút ngàn mang tên Cao nguyên Vân Hòa. Bây giờ, có nhắm mắt tôi cũng nhớ được con đường chạy tới cao nguyên đầy nắng và gió xinh đẹp này.
Cao nguyên Vân Hòa không chỉ nổi tiếng vì phong cảnh hữu tình mà còn là một di tích lịch sử. Di tích như nhà thờ Bác Hồ nằm ở thôn Hòa Bình – Xã Sơn Định – huyện Sơn Hòa. Hội trường Mùa Xuân: Được xây dựng năm 1973 tại một khu rừng thuộc địa bàn thôn Phong Hậu, xã Sơn Long. Hội trường có diện tích khoảng 160m2, là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (9/1973) và nhiều cuộc đại hội, hội nghị và một số hoạt động của cán bộ và các lực lượng vũ trang trong khu căn cứ.vào năm 2008 khu di tích nhà lịch sử đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cao nguyên Vân hòa như một vẻ đẹp lạ kỳ của thiên nhiên Phú Yên. Khi tất cả đều mơ về Phú Yên với biển xanh và nắng vàng thì cao nguyên Vân Hòa như một hòn ngọc xanh giữa lòng Phú Yên xinh đẹp. Nếu bạn như có lạc như tôi hãy dành chút thời gian ghé nơi này mà tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao Vân Hòa được gọi là Đà Lạt giữa lòng xứ Nẫu?
“Lối về quanh co chẳng níu bước chân tôi về, có còn hôm qua ở đó Hết ngày âu lo rồi bỗng mãi hôm nay về thấy hoa vàng ở trên cỏ xanh Thấy yên bình giấc mơ trong lành”
Chợt nghe những giai điệu dịu dàng, da diết này tôi nhớ Phú Yên. Mặc dù đã ba tháng kể từ chuyến đi tới xứ Nẫu, tôi cứ ngỡ rằng như chỉ vừa mới hôm qua. Tôi nhớ như in cảm giác đó, cái cảm giác một mình đi dạo đón hoàng hôn ở Bãi Xép, cảm giác một mình phóng chiếc xe wave lúc 4H30 sáng để được là người đầu tiên đón bình minh sớm nhất Việt Nam. Hôm nay tôi viết về Phú Yên, về hành trình 4 ngày 3 đêm và viết về những tháng năm không biết bao giờ mới trở lại nhưng trong khoảng lặng của tâm hồn nó vẫn sống mãi.
Ngày đầu tiên Tuy Hòa bình yên bên dòng sông Chùa hiền hòa
Sau một hành trình dài từ Hà Nội, tôi đặt chân xuống Tuy Hòa khi thành phố sắp đón hoàng hôn. Tuy Hòa hiền hòa với núi nhạn xanh thẫm bên dòng sông Chùa uốn lượn, Tuy Hòa không ồn ào như thành phố láng giềng của nó (Nha Trang). Thành phố xinh đẹp dọc bờ biển Phú Yên mang lại cảm giác bình yên. Con người ở đây không vội vã, xô bồ. Có cảm giác thành phố này yên tĩnh tới mức khi 8h tối âm thanh duy nhất tôi nghe được là tiếng gió biển thổi ù ù thành phố đang phát triển chuyển mình theo hướng Nha Trang, nhưng Tuy Hòa bình yên hơn nhiều…
Cảm thấy một chút đói bụng, tôi ghé thăm vào quán Cô Mai dưới chân tháp Nhạn. Đây là quán bánh canh hẹ và bánh bèo ngon và nức tiếng ở Tuy Hòa, lúc nào cũng tập nập khách ra vào. Trong cơn đói thưởng thức một bát canh hẹ, húp nước dùng ngọt lịm từ cá, hương thơm của hành lá và hẹ, một hương vị ngon không thể nào diễn tả được.
Tháp Nhạn trong tiếng Ê-Đê và Jarai gọi là tháp KơHmeng – là một tháp Champa nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, tỉnh lị của Phú Yên.
Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 12. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao khoảng 23,5m. Mỗi cạnh chân tháp dài 10m.
Tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn, soi bóng trên Đà giang vĩ đại tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình: Núi Nhạn – Sông Đà Rằng. Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm và cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của Phú Yên.
Ngày thứ hai Phú Yên đâu chỉ có biển xanh nắng vàng !
Ngày thứ hai Phú Yên có chút mưa.
Sau ngày đầu tiên dạo một vòng quanh thành phố đã có chút thấm mệt, tôi liền đặt lưng xuống ngủ ngon lành. Sáng hôm sau thức dậy ở một nơi xa với không khí trong lành, một nơi được ví von là Đà Lạt thứ hai giữa lòng Phú Yên – Cao nguyên Vân Hòa.
Cao nguyên Vân Hòa ở đâu – là một trong 3 cao nguyên của Phú Yên ở độ cao trên 400m. Nơi đây được biết đến với đầy nắng và gió cùng với cảnh quan đẹp. Khí hậu nơi đây được thiên nhiên ban tặng gần giống như Đà Lạt nên được nhiều du khách chọn làm điểm dừng chân.
Ngày thứ ba Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,yên bình lắm Phú Yên…
Tôi chạy xe thẳng đến bãi Xép. Bãi cát vàng óng trải trải ra trước mắt, nước biển trong xanh. Hôm nay biển lặng quá! Ai đã xem bộ phim tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì chắc hẳn đều sẽ phải lòng với khung cảnh bình yên của Bãi Xép.
Và đây không phải trên film của Victor Vũ, tôi đã được in dấu chân của mình ở đây nơi các cô cậu nhỏ trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thả diều. Cái khung cảnh yên bình ấy bình yên đến nao lòng. Tôi cứ thế một mình ngồi ngắm biển Phú Yên.
Men theo cung đường biển phía Bắc, tôi chạy thẳng tới Hải Đăng gành Đèn. Hải Đăng Gành Đèn là một trong mười ngọn Hải Đăng đẹp nhất Việt Nam. Từ ngọn Hải Đăng tôi phóng tầm mắt ra xa mà chiêm ngưỡng biển cả mênh mông,nhắm mắt lại hít một hơi thật sâu, tôi cảm nhận hơi thở của biển cả.
Cách ngọn hải đăng không xa là là Gềnh Đá Dĩa, một trong những cảnh quan ấn tượng và độc đáo nhất ở Phú Yên. Ghềnh Đá Dĩa là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát dĩa nên có tên gọi là Ghềnh Đá Dĩa. Nhìn từ xa, Ghềnh Đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ. Thắng cảnh Gành Đá Dĩa Liền kề với Ghềnh Đá Dĩa là Bãi Bãng tĩnh lặng với bãi cát trải mịn màng.
Tôi cực kì khoái đón hoàng hôn ở gành Đá Dĩa. Một trải nghiệm thật tuyệt vời! Bên ánh hoàng hôn chiều tà, con người ta như có một khoảng lặng. Màu hoàng hôn là sắc màu buồn vậy cớ sao khoảnh khắc ấy luôn khiến ta ngóng chờ nhất? Chẳng phải vì ta cô đơn mà là vì hoàng hôn đem lại bình yên cho tâm hồn. Hãy ngồi trước ánh hoàng hôn và chút nỗi lòng của mình ra…
Ngày thứ tư, ngày cuối cùng Tôi gọi đây là hành trình đi theo ánh mặt trời !
Thức dậy lúc 4h sáng khi trời còn nhá nhem, chuẩn bị chiếc balo và chiếc máy ảnh đầy pin đúng 4h30 phút tôi xuất phát đi Mũi Điện – nơi đầu tiên đón ánh nắng mặt trời về trên lãnh thổ Việt Nam.
Thời khắc đất trời đón ánh bình minh cùng nắng sớm luôn đánh thức trong tôi sự háo hức được khám phá. Tôi luôn thích cái cảm giác được đứng trước không gian rộng lớn nhắm mắt lại, hít một hơi thở thật sâu mà đón ánh bình minh đang dần đến bên cạnh mình.
Khi chút khoảnh khắc bình minh kết thúc, ánh sáng soi chiếu khung cảnh hùng vĩ của Mũi Điện. Vẻ đẹp hoang sơ, bình yên biết biết bao khi tôi vừa là người đầu tiên đón ánh bình minh của tổ quốc. Tôi ví von cho hành trình của mình là hành trình “đi theo bóng mặt trời”. Với tôi những kỷ niệm đó như chỉ mới đây thôi, còn quẩn quanh đâu đó trong khoảng lặng bình yên nhất của tâm hồn.
Trong lúc đang ngồi ở trên giảng đường tiếng chuông reo lên bọn mình có 5 phút break sau một tiết học chẳng lấy gì làm thú vị cả. Bỗng nhiên mình nhận được một câu hỏi của cô bạn đại học “này đi phượt thì cần chuẩn bị những gì?”.
Thành thực mà nói mình là người không quá chu đáo cho việc gói gém đồ đạc để chuẩn bị cho những chuyến đi chơi xa bởi mình thường đi chơi mà không có kế hoạch trước hay hiểu theo đúng nghĩa mình hay tắt 3G và phóng xe rong ruổi khắp các cung đường với chỉ chiếc xe máy và một ít tiền mà chẳng chuẩn bị gì cả. tuy vậy hôm nay mình sẽ chia sẻ những kinh nghiệm chuẩn bị đồ đạc khi đi phượt những thứ theo mình là cẩn thiết cho một chuyến đi phượt.
Nội dung chính của bài
Đi phượt không được quên giấy tờ tùy thân
Có một kỷ niệm làm mình nhớ mãi đó là trong chuyến đi du lịch Phú Yên 5 ngày 4 đêm của mình, trong lần thuê xe máy đi thăm Bãi Xép mình đã bị công an giao thông yêu cầu dừng xe kiểm trả giấy tờ thật không may mình để quên bằng lái xe máy A1 của mình ở Hà Nội và mình đã bị phạt tiền, cũng thật may mình không bị giữ xe vì đó là xe thuê của homestay. Thật là đáng nhớ nên điều đầu tiên mình khuyên các bạn đó là QUÊN GÌ THÌ QUÊN ĐỪNG QUÊN GIẤY TỜ TÙY THÂN nếu không muốn bị làm khó nhé.
Giấy phép lái xe :Như mình đã chia sẻ ở trên thứ bắt buộc phải có nếu chuyến đi của bạn có một hành trình bất kỳ sử dụng xe máy, đây cũng là giấy tờ bạn có thể sử dụng thay thế CMND khi lên máy bay.
Đăng ký xe, bảo hiểm xe, giấy chứng nhận nộp phí đường bộ : Những thứ cần thiết để tránh gặp rắc rối với CSGT khi đi trên đường
Hộ chiếu + CMND : Khi vào khu vực biên giới như các cửa khẩu như Lóng Sập ở Mộc Châu chẳng hạn bạn sẽ phải xuất trình giấy tờ tùy thân với đồn biên phòng quản lý khu vực đó chính vì vậy bạn nên mang theo CMND, trong trường hợp ở một số cửa khẩu các bạn muốn sang phía bên kia biên giới du lịch thì bạn cần phải có thêm hộ chiếu.
Nếu bạn không muốn mang theo tiền nhiều thì nhớ mang theo thẻ ATM, thường ở trung tâm các huyện sẽ có ATM của ngân hàng Agribank nên các bạn nhớ mang theo loại thẻ có thể rút được ở ngân hàng ngày (hệ thống Smartlink là okie).
Bộ bọc khuỷu tay và đầu gối để giảm chấn thương khi chẳng may có bị ngã xe, 2 thứ này bạn có thể dễ dàng mua ở những cửa hàng chuyên bán đồ đi phượt. Nếu có điều kiện, hãy sắm thêm một bộ áo giáp toàn thân
Hãy chuẩn bị một chiếc xe đủ tốt đi đi phượt nhé !
Tùy theo những cung đường phượt bạn chọn, nếu đi cung đường biển đường thằng tắp thì loại xe nào cũng sẽ đáp ứng được nhu cầu di chuyển. Nhưng nếu lựa chọn các cung đường phượt ẩn chửa nguy hiểm như khi đi chinh phục tứ đại đỉnh đèo huyền thoại ở Tây Bắc thì bạn nên chọn cho mình một chiếc xe số hoặc xe côn tay thay vì xe ga để xử lí các khúc cua tốt hơn.Về loại xe, có 3 loại phổ biến nhất là xe ga, xe số và xe côn tay.
+ Xe gas : Với xe gas, bạn sẽ thuận tiện trong việc sắp xếp hành lý vì loại xe này có kích thước lớn. Tuy nhiên, điểm trừ là khả năng leo đèo dốc thấp, không chủ động được trong việc tăng giảm số xe. Vì thế không nhiều người chọn xe gas khi đi phượt bụi.
+ xe số : Loại xe này giúp bạn linh hoạt trong việc tăng giảm số xe khi cần thiết, sữa chữa đơn giản hơn.Khả năng linh hoạt của nó giúp chúng ta xử lí những cung đường đèo mạo hiểm tốt hơn nhiều so với xe gas và chi phí mua 1 chiếc xe số rẻ hơn rất nhiều so với số tiền mà bạn phải bỏ ra để mua một chiếc xe gas. Vì thế ở Việt Nam đây là loại xe phổ biển nhất kể cả khi đi phượt hay di chuyển trong đời sống hằng ngày.
+ xe côn tay : đúng như cái tên, việc tăng giảm số xe đều được điều khiển bởi tay côn. Ưu điểm có xe côn tay là bình xăng lớn, chứa được lượng xăng nhiều hơn các loại xe khác. Tuy nhiên, thay vào đó, xe côn tay lại tiêu thụ xăng nhiều nên tính ra có thể tương đương nhau.
Đi phượt đừng bỏ quên máy ảnh ở nhà nhé !
Nếu ai đó có hỏi tại sao phải vác theo cục sắt nặng vài cân theo để làm gì? chụp ảnh bằng điện thoại đẹp rồi, không cần thiết để mang máy ảnh theo. Mình xin đáp đó là có những thứ điện thoại không thể thay thể được máy ảnh và còn rất rất lâu nữa điện thoại mới bắt kịp được chất lượng ảnh chụp từ một chiếc máy DSLR.Nên vì thế mình đưa máy ảnh vào danh sách phải có khi đi phượt của mình.
Một ống kính góc rộng để bạn giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ
Đối với mình, khi đi phượt mình thường mang theo ống kính góc rộng hoặc thậm chí siêu rộng để chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Đơn giản thôi vì đi phượt là đi khám phá những chiếc ống kính góc rộng sẽ giúp chúng ta bắt trọn những khung hình về những miền đất hứa nơi chúng ta chưa từng đặt chân tới. Tùy theo hãng máy ảnh bạn sử dụng mà chọn ống kính phù hợp. Nếu sử dụng Canon các bạn hãy đem theo những ống kính như Canon 17-40F4L, Canon 11-24f2.8L , canon 16-35mm F2.8…nếu kinh phí có hạn các bạn có thể sử dụng ống kính của bên thứ ba như Sigam, tamron, tokina cho chất lượng ảnh chụp rất tốt nhé.
Một chiếc Tripod sẽ giúp ích cho bạn lắm đấy khi đi phượt chỉ có một mình.
Nếu phải đi một mình mà không có bạn đồng hành, không có ai chụp ảnh cho mình đừng lo bởi một chiếc chân máy sẽ giúp bạn làm điều này, ngày nay những hãng máy ảnh hiện đại rất nhiều nhiều hãng đã trang bị giao tiếp thông minh cho máy ảnh như giao wifi, bluetooth, NFC và điều chỉnh máy ảnh trên chính chiếc smartphone của các bạn. Với chiếc chân máy việc làm duy nhất của bạn là cố định khung hình, lấy nét cho tấm ảnh định chụp và bấm hẹn giờ máy ảnh sẽ tự động chụp lại khoảnh khắc đó.
Các đồ dùng cần thiết khác
1 Chiếc điện thoại có kết nói 3G : để làm gì thì bạn chăc cũng biết rồi đúng không, nhất là đối với những bạn đi du lịch bụi một mình, nó sẽ là công cụ chỉ đường để tránh bị lạc.
+ Đồ dùng sinh hoạt hằng ngày theo thói của các bạn nên ưu tiên gọn nhẹ nhất có thể nhé.Những đồ nên có trong balo đó là
+ Những dụng cụ ý tế thuốc đau bụng berberline, thuốc cảm cúm, bông băng, viên sủi giảm sốt, thuốc giảm đau, salonpas….
+ nếu đi vào mùa lạnh thì nhớ đem theo miếng dán giữ nhiệt và bình nước giữ nhiệt nhé
+ Đồ dùng công nghệ : sạc điện thoại, sạc dự phòng đối với bạn nào hay nghe nhạc thì đem theo tai nghe
+ Quần áo : bạn nên cân nhắc xem sẽ đi mấy ngày để mang theo quần áo cho gọn nhẹ điều này đặc biệt quan trong nếu bạn tham gia đi trekking leo núi nếu mang nhiều quá sẽ không có sức để hoàn thành chặng đường.
*Đối với mùa đông : phải mang theo áo khoác dày ưu tiên loại áo từ 2 lớp dày trở lên. Nếu mua được loái áo chống nước thì tốt hơn.
áo giữ nhiệt
khăn len
áo len
bịt tai giữ ấm nếu trời quá lạnh
găng tay chống nước nếu đi leo núi
túi ngủ nếu cắm trại ngoài trời
2-3 đôi tất loại dày để giữ âm cho bàn chân
túi sưởi nếu bàn tay quá lạnh
* Đối với mùa hè
áo khoác gió mỏng giữ ấm khi đêm lạnh ở những nơi cao như Tam Đảo, Ba Vì, Sapa….
quần dài
áo phông rộng rãi thoáng
bình đựng nước
Cuối cùng là vấn đề tài chính?
đây là câu hỏi không có câu trả lời chính xác được. Nó phụ thuộc vào chuyến đi của bạn,đi dài ngày hay ngắn ngày đi xe máy hay xe khách các bạn dựng lều trại hay ở homestay… Mình xin lấy ví dụ từ bản thân chuyến đi Sapa 4 ngày 3 đêm của mình vừa rổi mình tiêu hết 2800K đó là chuyến đi mình đi một mình và không có ai đồng hành cả. Hãy lên lịch trình trước và ước tính số tiền sẽ sử dụng và cộng thêm một chút để phòng thân. Wecheckin.vn hi vọng những chia sẻ của bản thân mình sẽ giúp cho các bạn có một chuyến đi vui vẻ ! Nhớ theo dõi blog wecheckin.vn của bọn mình để cập nhất những bài viết về du lịch trải nghiệm mới nhất nhé !
Nếu đã đến với Nhật Bản hay có tình yêu với xứ sở mặt trời mọc này thì tỉnh Ibaraki sẽ là một điểm dừng chân mà bạn không thể lỡ.
Ngoài những quốc sản của Nhật Bản như “vị vua” của các loài dưa lưới của Nhật thì Ibaraki còn sở hữu Công viên hoa đẹp nhất thế giới. Đó chính là Công viên Quốc gia Hitachi Seaside. Công viên rộng 350 ha với 200 ha bao phủ bởi những loài hoa nở suốt bốn mùa
1. Cách di chuyển đến Ibaraki: Nếu bạn xuất phát từ thành phố Tokyo thì có các phương án : *Với tàu nhanh: 72 phút di chuyển *Với tàu thường: 75 phút di chuyển Còn nếu bạn đi ô tô từ sân bay Narita thì hết 75 phút.
2. Hoa Kochia tại Công viên Quốc gia Hitachi Seaside:
“Công viên Quốc gia Hitachi Seaside” là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Cho dù là mùa hè hay mùa thu, ngọn đồi Miharashi được phủ kín bởi khoảng 32000 cây Kochia, đem lại quang cảnh ngọn đồi đỏ rực rỡ. Và tại đây bạn có thể ngắm khoảnh khắc cây đổi mới, đó cũng là lí do đồi Miharashi là khu vực được yêu thích nhất. Địa chỉ: 605-4 Azaonuma, Mawatari, thành phố Hitachi-naka, tỉnh Ibaraki
Kochia là loài cây thuộc họ Dền, tuy vậy nó có nguồn gốc từ phía nam Châu Âu. Những tưởng Kochia là tên tiếng Nhật của nó nhưng lại không phải. Tên tiếng Nhật của nó là Hokiguse. Loại cây này trước đây được người ta sấy khô và sử dụng làm chổi. Nhưng tại Hitachi Seaside, cây này chỉ là loại cây cảnh thôi nhé.
Tháng 10 là tháng của Kochia, trong khoảng từ đầu đến cuối tháng 10 nó sẽ đổi thành những màu khác nhau. Đó cũng là lí do mà ngọn đồi Miharashi được yêu thích. Bạn có thể ngắm Kochia với lịch trình sau:
Đầu tháng 10 đến giữa tháng 10: Vào thời điểm đầu tháng 10, Kochia mang sắc xanh tươi của mùa hè gợi nhớ bạn đến những ngày hè vui vẻ, đầy hứng khởi.
Giữa tháng 10:
Thế nhưng, đến giữa tháng 10, cây lại chuyển sang sắc đỏ của mùa thu rực rỡ, làm nao nức lòng người. Vào thời gian này, không thể quên ngắm hoa Cosmo nữa nhé. Vẻ đẹp của hai loài hoa kết hợp với nhau tạo nên một phong cảnh hữu tình của mùa thu tại Hitachi Seaside.
Sự hòa quyện của màu hồng, tím, trắng của 2 triệu cành hoa Cosmo, cùng với sắc đỏ của Kochia tạo nên một màu sắc đậm chất thu.
Cuối tháng 10:
Sau màu đỏ rực của sắc thu, Kochia thay sắc mới, chuyển sang màu vàng đồng dịu nhẹ. Dưới ánh nắng của hoàng hôn, ta có thể cảm tưởng cả ngọn đồi Miharashi tỏa sắc vàng vậy.
Không chỉ ban ngày mà vảo buổi tối, khi ánh đèn được thắp sáng cùng với sắc màu của cây cỏ Kochia, du khách cho thể chìm đắm trong khung cảnh lung linh, lãng mạn của Công viên Quốc gia Hitachi Seaside đấy.
3. Tại Ibaraki, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp và ngắm mọi loại hoa quanh năm.
Chào mùa xuân với sắc hồng của hoa Ume phủ khắp mọinơi.
Thời gian: Cuối tháng 2- tháng 3 Địa điểm: Kairakuen 1 chrom, Tokiwa cho, thành phố Mito, tỉnh Ibaraki Khu vườn Kairakuen- một trong ba khu vườn nổi tiếng nhất tại Nhật Bản. Đây cũng là một chốn dừng chân ngắm hoa nổi tiếng, đặc biệt là vào mùa hoa mận nở phủ hồng khắp khu vườn.
Sự hòa quyện giữa Nemophilla cùng sắc xanh của bầu trời
Thời gian: Giữa tháng 4 – đầu tháng 5 Địa chỉ: 605-4 Azaonuma, Mawatari, thành phố Hitachi-naka, tỉnh Ibaraki Vào hè, đến với Hitachi Seaside Park bạn sẽ cảm nhận một sự mát mẻ, trong lành bởi sắc xanh của hoa Nemophilla hòa quyện với sắc trời.
Lễ hội hoa diên vỹ Suigoitako
Thời gian: Cuối tháng 5- đầu tháng 6 Địa điểm: Công viên Suigoitako Ayame, 1-5 Ayame, thành phố Itako, tỉnh Ibaraki Diên vỹ được mệnh danh là loài hoa được mệnh danh cho cảm xúc của Nhật Bản. Khi nhìn thấy hoa diên vỹ cũng là lúc bắt đầu thấy mùa hè tại xứ sở mặt trời mọc này. Lễ hội được tổ chức tại công viên Suigoitako Ayame, với hơn 500 loài cùng với 1 triệu cánh hoa đầy màu sắc. Đây sẽ là một trong những điểm đến tuyệt vời nên đến vào hè.
Nếu bạn là người yêu thích cảnh đẹp hay là người yêu hoa thì đây sẽ là địa điểm không nên bỏ qua. Đã đến với xứ sở mặt trời mọc thì càng không thể không ghé đến. Tỉnh Ibaraki xinh đẹp luôn chào đón các bạn, không chỉ những vườn hoa rực rỡ mà những người dân thân thiện nữa nhé! Cùng Wecheckin đến với Ibaraki thôi!!