Tháng 12 – tháng cuối năm với bao dự định cho năm mới, nhưng đây cũng là tháng của Lễ giáng sinh. Đây không phải là một ngày lễ chính thống ở Việt Nam nhưng càng ngày giáng sinh càng trở thành ngày lễ không thể thiếu. Tuy nhiên, liệu các chàng trai và cô gái có “sáng tỏ” về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này. Hãy cùng wecheckin tìm hiểu về ý nghĩa ngày Lễ giáng sinh trong bài viết sau đây.
Nội dung chính của bài
1, Lễ Giáng sinh là gì?
Lễ Giáng sinh, hay còn gọi là lễ Thiên chúa Giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas là lễ kỷ niệm ngày chúa Jesus ra đời theo các tín đồ Cơ Đốc giáo. Chữ Giáng sinh có nguồn gốc từ tiếng La ting là Natalis với ý nghĩa là “ngày sinh ra đời”. Phần lớn người Cơ Đốc giáo tin là chúa Jesus được sinh ra ở Bethlehem thuộc xứ Judea nước Do Thái (đến nay là 1 thành phố của Palestine), lúc ấy thuộc Đế quốc La Mã, khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2.
Ngoài cách gọi lễ Giáng sinh, người ta còn nghe đến cái tên Noel hay Christmas. Noel xuất phát từ danh hiệu Emmanuel, theo tiếng Hebrew nghĩa là “Thiên chúa ở cùng chúng ta”. được ghi chép trong sách Phúc âm Matthew. Còn Christmas được gọi phổ biến hơn trong tiếng anh. Theo đó, Christ là tước hiệu của chúa Jesus, còn chữ Mas nghĩa là thánh lễ. Do đó, chúng ta có thể hiểu nghĩa của Christmas là “(ngày) lễ của Đức Kitô”. Ngoài ra, Christmas còn được gọi là Xmas, nguyên do là chữ Christ được viết trong tiếng Hy Lạp là Χριστός (phiên âm theo nghĩa việt là “Ki-tô” hoặc “Cơ-đốc”). Do bắt đầu bằng chữ X nên có thể thay chữ Christ trong Christmas thành X nên ta thường viết tắt là Xmas.
Ngày lễ chính được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được tổ chức từ 24 tháng 12 vì theo lịch Do thái, thời gian bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải lúc nửa đêm. Vì thế, đến ngày nay, lễ Giáng sinh vẫn được ấn định vào tối 24 và ngày 25. Lễ vào ngày 25 tháng 12 được gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ vào tối 24 tháng 12 được gọi là “lễ vọng” sẽ thu hút nhiều người tham gia hơn.
Trước đây, lễ Giáng sinh được người theo đạo Ki tô giáo tổ chức nhằm mục đích kỷ niệm ngày sinh ra người lãnh đạo tôn giáo mình – người mà họ cho là Thiên chúa xuống thế làm người. Đến ngày nay, lễ Giáng sinh càng ngày càng được coi trọng như một ngày lễ quốc tế với những biểu tượng đặc trưng của Giáng sinh. Noel không chỉ còn là lễ hội của phương Tây mà ở Việt Nam, ngày lễ này cũng được mong chờ nhất trong những ngày cuối tháng 12 – thời điểm kết thúc của một năm.
2. Nguồn gốc ngày lễ Giáng sinh
Ngay từ thời Ki tô giáo sơ khởi, lúc ấy chưa có ngày lễ Giáng sinh nhưng ngày 25/12 hàng năm vẫn được coi là ngày sinh nhật của Đức Jesus bởi Irenaeus, Hippolytus thành Roma và Sextus Julius Africanus.
Trong nhiều thế kỷ về sau, các nhà sử học của Ki tô giáo cũng đồng tình với ngày 25/12 này. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XVIII, Isaac Newton đề xuất rằng lễ Giáng sinh được chọn vào ngày Đông chí – mà theo lịch thì rơi vào ngày 25/12. Với các tín đồ Ki tô giáo, Đức Jesus chính là “Mặt trời công chính” được tiên tri trong Malachi 4:2.
Một biểu tượng không thể thiếu trong lễ Giáng sinh đó là hình ảnh ông già Noel trong bộ quần áo màu đỏ. Hình tượng này xuất phát từ Santa Claus là Đức Tổng giám mục – Thánh Nicholas của Myra, Lycia thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Thánh Nicholas là một thiên chúa giáo sống vào khoảng thế kỷ 3 sau công nguyên. Theo nhiều truyền thuyết kể lại, ông là người chặn bão dữ cho thủy thủ, hồi sinh cho những đứa trẻ bị giết hại dã man bởi bọn đồ tể bất lương. Danh tiếng của ông nhanh chóng lan rộng khắp Châu Âu thời Trung Cổ. Hình tượng về người đàn ông cao lớn, râu tóc bạc trắng, mặc quần áo tu sĩ màu đỏ, thường đến và để lại quà tặng hoặc cục than ở nhà của mọi đứa trẻ. Đó chính là nguyên mẫu về hình tượng ông già Noel trong lễ Giáng sinh ngày nay.
Cây thông Noel có nguồn gốc từ thế kỷ 16 từ nước Đức. Loài cây này tuy sống trong vùng khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn giữ được dáng vẻ mạnh mẽ, vững chãi với màu xanh vĩnh cửu. Dần dần, người ta coi nó là biểu tượng, là trung tâm của các lễ hội, đặc biệt là ngày lễ Giáng sinh. Đến Giáng sinh, các gia đình thường trang hoàng nhà cửa với cây thông và nhiều món đồ trang trí xinh xắn. Đôi khi, chỉ cần nhìn thấy cây thông là đã thấy không khí ngày Giáng sinh cận kề rồi đó.
3. Ý nghĩa ngày lễ Giáng sinh
Ngoài ý nghĩa của đạo Thiên chúa giáo, ngày lễ Giáng sinh từ lâu đã trở thành ngày lễ của gia đình – ngày để mọi người cùng đoàn tụ, quây quần bên bữa ăn đêm Giáng sinh. Đây cũng là ngày để các thành viên thể hiện tình cảm với nhau thông qua những món quà giáng sinh, lời chúc hay đơn giản là một bữa tối đêm Giáng sinh. Ngày này dần trở thành ngày lễ quốc tế được công nhận, ngay cả ở Việt Nam.
4. Những hoạt động truyền thống vào ngày lễ Giáng sinh
Mua sắm đồ trang trí
Đối với các nước phương Tây, Noel là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của họ. Vì thế, họ thường chuẩn bị và lên kế hoạch trang trí nhà cửa từ trước đó khá sớm. Với những biểu tượng không thể thiếu trong ngày Giáng sinh như cây thông, đôi bít tất,…họ sẽ trang trí thêm bằng đèn nháy, quả chuông nhỏ hay vài vật trang trí xinh xinh.
Ở Việt Nam, việc trang trí Noel chưa thật sự phổ biến và chỉ có một số ít gia đình mua sắm và trang trí Noel. Một địa chỉ mua sắm đồ trang trí Noel khá quen thuộc đó là phố Hàng Mã – địa điểm tấp nập vào mỗi mùa cuối năm. Vào những ngày này, dù bạn đặt chân tới đâu cũng thấy hình ảnh không khí Noel tràn ngập với sắc đỏ là tông chủ đạo.
Mua quà tặng bạn bè, người thân
Lễ Giáng sinh theo đúng như ý nghĩa của nó là ngày để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, quây quần bên bữa ăn truyền thống. Tranh thủ dịp này, các thành viên trong gia đình có thể lựa chọn cho người thân của mình những món quà giáng sinh nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Quà Giáng sinh cũng dần trở thành một biểu tượng mỗi khi nhắc tới Noel
Nấu ăn đêm Giáng sinh
Bữa tối ngày Giáng sinh là dịp quan trọng để các thành viên trong gia đình quây quần ngày cuối năm. Tùy mỗi nước mà có những món ăn truyền thống vào lễ Giáng sinh khác nhau. Vào ngày này, bạn và các thành viên trong gia đình có thể vừa nhâm nhi ly rượu, thưởng thức đồ ăn, trò chuyện. Một buổi tối Noel tràn ngập ấm áp và yêu thương sẽ trải qua như vậy bên những ngọn nến bàn tiệc ngày lễ Giáng sinh.
Lên phố cảm nhận không khí Giáng sinh
Đối với nhiều gia đình khác, đặc biệt là ở Việt Nam, khi Noel không phải là một ngày lễ truyền thống, mọi người thường ra phố vào tối 24/12 để cảm nhận không khí. Có bạn đi với gia đình, có bạn đi với người thương, đi với bố mẹ và thường tập trung ở những khu vực có nhà thờ hoặc quảng trường lớn. Không khí Noel ở Việt Nam cũng là báo hiệu cho những ngày cuối năm đang cận kề, sắp bước sang một năm mới. Ngày này cũng như dịp để bạn giải tỏa stress sau cả năm dài làm việc áp lực, dịp để ra ngoài tận hưởng không khí cùng người mình yêu thương.
5. Món ăn truyền thống ngày lễ Giáng sinh trên thế giới
Ở các nước phương Tây, lễ Giáng sinh là ngày lễ truyền thống tương tự như Tết cổ truyền ở Việt Nam. Vì thế, trong ngày này mỗi đất nước sẽ có một vài món ăn truyền thống đặc trưng của mùa giáng sinh giống như bánh chưng của Việt Nam vậy. Hãy cùng tham khảo 5 món ăn truyền thống quen thuộc tại 5 vùng đất khác nhau sau đây nhé:
Iceland
Ở đất nước Iceland, món ăn truyền thống mỗi mùa Noel của họ là thịt chân cừu nướng. Tên gọi của bữa ăn này là Yule meal – có nguồn gốc từ lịch sử Đức. Ngoài ra, ở Iceland còn có thêm món bánh mì lá – được tạo ra từ những miếng bột mì được cán thật mỏng. Chúng sẽ được tạo hình tùy ý và chiên giòn lên trước khi phục vụ.
Canada
Bánh quy nướng là món ăn truyền thống của người Canada. Món ăn này không có công thức nào cụ thể, tùy thuộc vào cách làm riêng của mỗi người. Một điểm chung là chúng đều sẽ được tạo hình theo những biểu tượng của lễ Giáng sinh như cây thông Noel, người tuyết, con tuần lộc,…Trong bàn tiệc của người Canada vào đêm Noel, bánh quy là món không thể thiếu bên cạnh những món chính khác.
Mỹ
Nhắc đến món ăn trên bàn tiệc lễ Giáng sinh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến gà tây. Món ăn này là món ăn truyền thống của Mỹ. Gà để cả con, có thể bỏ vào bên trong rau củ tùy ý, bọc giấy nướng lò hoặc chế biến theo công thức của từng gia đình. Món ăn này thường được người Mỹ dùng chung với sốt nam việt quất, đây được coi là cặp đôi hoàn hảo của bàn tiệc đêm Giáng sinh.
Đức
Loại bánh truyền thống này của người Đức có tên gọi là bánh Stollen. Bánh là sự kết hợp của bánh bông lan hạnh nhân với quả nho khô, việt quất khô hoặc loại quả khô nào đó khác. Món ăn này được ăn trong lễ Giáng sinh của người Đức với ý nghĩa xua tan thời tiết lạnh lẽo ngày cuối năm. Ngoài cái tên Stollen, bánh này còn được gọi là “Weihnachtsstollen” hoặc “Christstollen”.
Úc (Australia)
Vào ngày lễ Giáng sinh ở Úc, cả gia đình thường quây quần bên nhau và tổ chức tiệc BBQ ngoài trời. Ngoài những món thịt nướng quen thuộc trong các bữa tiệc BBQ thì món tôm nướng sốt chanh dây cũng được lựa chọn nhiều. Món ăn được trang trí với cây xô thơm và tỏi cay nồng, ngoài ra cách chế biến sẽ tùy vào công thức riêng của mỗi nhà.
Những ngày tháng cuối năm, trước thời khắc chuyển giao sang năm mới, ngày lễ Giáng sinh cũng được nhiều người chờ đợi. Không khí Noel và những bài hát Giáng sinh tràn ngập đường phố. Tất cả những điều ấy tạo nên khung cảnh mùa lễ hội thật đáng chờ đợi. Bạn đã có dự định gì cho lễ Giáng sinh sắp tới chưa? Về nhà tận hưởng cảm giác ra đình hay lên phố cùng bạn bè, người thương để cảm nhận không khí. Hãy lên kế hoạch ngay để có một lễ Giáng sinh thật ý nghĩa nhé!
Có thể bạn quan tâm:
1. Đi chơi Noel ở Hà Nội – [TOP 7+] quán cafe dành cho các cặp đôi vào đêm Giáng sinh
2. Tổng hợp những lời chúc Giáng sinh năm 2019 ý nghĩa và ấm áp nhất
3. “Bỏ túi” kinh nghiệm du lịch Mộc Châu 2019