Khác với Tà Xùa thiên đường mây ở Bắc Yên – Sơn La có thể dễ dàng chinh phục bằng xe máy, thì leo Tà Xùa Yên Bái sẽ khó khăn hơn nhiều. Hành trình 3 ngày 2 đêm băng rừng, vượt qua sống khủng long hùng vĩ và những khu rừng ma mị phủ đầy rong rêu với ngọn núi nằm trong top 15 Việt Nam.
Nội dung chính của bài
1. Thông tin về leo núi Tà Xùa Yên Bái
Tà Xùa là một ngọn núi cao 2.865m so với mực nước biển, ngọn núi này xếp thứ 13 trong tổng 15 núi cao nhất ở Việt Nam (xét về độ cao).
Đỉnh Tà Xùa thuộc Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, là một đỉnh săn mây cực kỳ nổi tiếng được các bạn trẻ biết đến. Tà Xùa có ba đỉnh: đỉnh 1, đỉnh 2 và đỉnh 3, trong đó đỉnh cao nhất là đỉnh 3 (độ cao 2.865m). Đỉnh 2 có độ cao cũng xấp xỉ đỉnh 3 nhưng hiện nay rất ít người leo vì trước đây đỉnh 2 bị cháy rừng nên thảm thực vật không còn phong phú và chóp trên đỉnh 2 cũng bị nhổ mất nên hiện nay đa số mọi người chỉ leo đỉnh 1 và đỉnh 3 với thời gian leo là 2 ngày 1 đêm. Nếu bạn quan tâm và muốn chinh phục cả 3 đỉnh Tà Xùa thì hãy theo dõi bài viết đây của mình nhé.
- Porter dẫn đường lần này của mình: anh Phàng A Ga, nhà ở ngay bản Công (SĐT: 0822427710). Theo mình thấy thì anh là một người nhiệt tình, nhẹ nhàng và rất ít nói.
2. Hành trình leo núi Tà Xùa Yên Bái
Ngày 1: Trạm Tấu – Bản Công – Lán nghỉ
Nhóm chúng mình gồm 7 người: anh Sáng, anh Xuân Anh, anh Nghĩa, anh Giang, chị Ngọc, chị Trang và mình (Hằng Bắp) cùng hẹn nhau tập trung ở bến xe Mỹ Đình để di chuyển đến Nghĩa Lộ (Yên Bái). Đến đêm thì chúng mình đã có mặt ở bến xe Nghĩa Lộ, sau đó lên xe bán tải đã thuê từ trước đó về Trạm Tấu nghỉ ngơi qua đêm để sáng mai bắt đầu cuộc hành trình.
Mới tờ mờ sáng, tất cả mọi người đã lục đục dậy chuẩn bị đồ đạc, ăn sáng và đi chợ mua đồ ăn, thức uống cần thiết cho 3 ngày ở trên núi. Thông thường mọi người đi leo núi đều giao cho poster đi mua đồ ăn đúng không, nhưng mình có một lời khuyên là nếu các bạn có thời gian thì hãy tự tay chuẩn bị mua đồ ăn, hoa quả, mình thấy đồ do mình mua sẽ ngon hơn khi để cho poster mua rất nhiều.
Sau khi mua đủ đồ và những thứ cần thiết, chúng mình lên xe bán tải đi đến điểm leo gặp anh poster. Đường lên bản vừa nhỏ vừa dốc, chúng mình phải đi bộ một đoạn khá xa từ đường bê tông đẹp cho đến đoạn đường đất giữa trời nắng nóng, băng qua những thửa ruộng bậc thang của người Mông, cuối cùng cũng đến được bản Công. Chúng mình vào nhà anh A Ga ngồi nghỉ, đợi anh sắp xếp đồ đạc. Hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa chính thức bắt đầu.
Vẫn là những con dốc liên tiếp không có điểm bằng, nó không khác gì con dốc 3 giờ huyền thoại ở Pờ Ma Lung là mấy. 10h sáng, mặt trời lên quá đỉnh đầu, từng tia nắng mặt trời chiếu xuống khiến cho hơi nóng từ đất tỏa ra khắp nơi, dường như muốn thiêu đốt da thịt con nhà người ta. Chúng mình ai nấy mồ hôi nhễ nhại, thở không ra hơi và không buồn cả nói với nhau một câu nào. Cuối cùng cũng đến điểm cây táo mèo để nghỉ ăn trưa.
Có một lời khuyên cực kỳ đáng giá dành cho bạn nào sắp có ý định đi leo Tà Xùa đó là: hãy thuê xe ôm trở từ Trạm Tấu vào chỗ cây táo mèo luôn, như vậy sẽ đỡ mất sức rất nhiều. Do đoàn mình nghĩ không đi được xe máy vào nên tất cả mọi người đều đi bộ, chúng ơn, mình mất rất nhiều sức ở đoạn đi bộ đó.
Ngồi ăn trưa và ngủ khoảng 30p, chúng mình lại lên đường. Từ đoạn này trở đi là ít dốc hơn, anh porter bảo vậy nhưng mình thấy vẫn là con dốc liên tiếp nhưng nó thoải hơn dốc lúc sáng mình leo. Chẳng mấy chốc nhóm chúng mình đến mỏm đá đầu rùa sống ảo, nơi mà dân trekking nào cũng mong muốn có một bức ảnh ở đây.
Từ mỏm đá đầu rùa đến lán nghỉ của chúng mình cách nhau chẳng bao lâu, đường đi cũng dễ dàng hơn rất nhiều, chủ yếu là khu rừng trúc lùn khá rộng và thoáng. Chỉ 3 giờ kém là chúng mình đã có mặt ở lán rồi. Kết thúc một ngày leo theo mình là vừa sức, không quá mệt. Chúng mình nghỉ ngơi một lúc rồi đi ra đầu sống lưng khủng long săn hoàng hôn.
Mình phải công nhận ngắm hoàng hôn trên đỉnh sống lưng khủng long cực kỳ đẹp. Ngày mình đi không mây, nhưng nó là một ngày đẹp trời, đứng từ đỉnh mình có thể nhìn toàn bộ khung cảnh núi rừng hùng vĩ. Từng vệt nắng nhuốm màu toàn bộ khung rừng của đỉnh núi ngay trước mặt, lúc đó cũng chỉ biết lặng người và ngắm nhìn, cố ghi nhớ từng khoảnh khắc đẹp đẽ này mà mình nghĩ khi sẽ rất hiếm khi thấy được. Đầu mỏn sống lưng cũng chính là đỉnh 1 Tà Xùa, trên này có cả chiếc xích đu sống ảo nữa nhé, ngồi đu đưa cực thích luôn.
Từng cơn gió thổi, khiến mình khẽ run người vì lạnh, trên đỉnh sống lưng gió cực to. Trời cũng gần tối rồi, chúng mình bèn quay lại lán để chuẩn bị ăn cơm tối và nghỉ ngơi.
Lán ở đây rộng rãi, có đủ chăn chiếu, miếng cách nhiệt nên tối không sợ lạnh. Mọi thứ đều thoải mái, suối cách lán khoảng 500m nên phải mấy anh porter phải chia nhau đi xách nước về nấu ăn và rửa đồ.
Lán nghỉ nằm ở giữa khu rừng trúc lùn, bên trong lán được bao bọc sơ sài bởi miếng bạt mỏng. Mỗi khi có gió thổi đều kêu sột soạt khiến ai cũng trằn trọc khó ngủ trong đêm.
Ngày 2: Lán nghỉ – đỉnh 1 – đỉnh 3 – đỉnh 2 – lán nghỉ
Sáng hôm sau dậy sớm, ăn sáng rồi lấy những đồ cần thiết để lên đường chinh phục đỉnh 3 và đỉnh 2 Tà Xùa. Hôm nay là một ngày vất vả đây, một ngày bọn mình phải đi tận 2 đỉnh.
Chúng mình sẽ đi lên đỉnh 3 trước để check chóp, sau đó quay lại và lên đỉnh 2. Từ lán lên đỉnh 3 phải vượt qua sống lưng khủng long hiểm trở, đường đi nhỏ và nhiều đá. Những năm gần đây, chỗ sống lưng đã được làm lan can để giảm đi sự nguy hiểm của nó. Vừa gió to, vừa dốc, đường đi toàn là đá, bên dưới là vực sâu khiến ai cũng cẩn trọng từng bước một. Mình và chị Trang đi với nhau, 2 chị em vừa đi vừa ngắm mặt trời mọc trên đoạn sống lưng. Cứ một lúc lại nhô lên rồi mất đi, mỗi lần mặt trời xuất hiện cả 2 chị em đều hét lên vì phấn khích, cảnh tượng đó đẹp lắm.
Đi hết đoạn sống lưng, chúng mình tiến vào khu rừng già, nơi cây có rất nhiều cây hoa đỗ quyên đang ra nụ, những cây cổ thụ già xung quanh toàn là rêu bám vào trông rất ma quái. Đặc biệt, khu rừng gần đỉnh được mọi người gọi là “khu rừng ma mị” trông rất tuyệt. Mình rất ấn tượng với những cây mọc lên ngoằn ngoèo rồi phủ đầy rêu trông thật kì bí.
Chúng mình đã lên đến đỉnh, chạm tay vào chóp Tà Xùa. Quang cảnh trên đỉnh không có gì đặc biệt, nên mọi người chụp ảnh kỷ niệm cùng với chóp, ăn nhẹ rồi di chuyển sang đỉnh 2.
Chỉ có mình, anh Giang, anh Nghĩa và anh Xuân Anh đi đỉnh 2; chị Ngọc, chị Trang và anh Sáng cùng 1 porter khác sẽ xuống lán nghỉ vì lý do sức khỏe.
Để từ đỉnh 3 sang đỉnh 2, chúng mình phải quay ngược lại chỗ lán nghỉ gần đỉnh 3 đã bị bỏ hoang, ngồi nghỉ ăn trưa một lúc rồi lại lên đường lúc. Đường lên đỉnh 2 khó khăn hơn nhiều khi vì chúng mình vừa leo vừa phải mở đường mới có lối. Anh A Phang bảo từ khi đỉnh 2 bị cháy nên không còn nhóm nào leo nữa nên lối đi bị cỏ cây mọc um tùm. Nếu bạn nào có ý định đi đỉnh 2 thì nhớ hãy mặc áo che kín chân tay nhé, đường đi chủ yếu là băng qua rừng trúc rậm rạp che khuất tầm nhìn. Chúng mình cứ đi hết quả núi này đến quả núi nọ, cảnh vật ở bên đây cũng ma mị và đẹp không kém đường bên đỉnh 3, nhưng do mọi người đều mệt và sợ xuống núi muộn nên không có chụp ảnh.
Chúng mình mất khoảng 3 tiếng để có mặt tại đỉnh 2, tính từ chỗ lán bỏ hoang. Đúng là trên đỉnh 2 làm chúng mình có chút thất vọng, mốc đỉnh 2 đã bị nhỏ chỉ còn sót lại mấy miếng sắt bị hoen rỉ. Trên đỉnh cây cối bị cháy đang đâm chồi, chỗ ngồi đủ khoảng 6 người ngồi và đỉnh này nó không hề quang. Lúc này thì tất cả mọi người đều đói, mệt, kể cả anh porter. Ngồi ăn những đồ còn sót lại trên người rồi di chuyển xuống núi, chúng mình sẽ đi đường khác chứ không quay lại đường ban đầu. Đi đường này các bạn không phải di chuyển nhiều trong rừng rậm, chủ yếu là đi trên đoạn sống lưng của núi.
Về đến đoạn sống lưng khủng long cũng là lúc trời bắt đầu tối, chúng mình phải soi đèn để băng được qua đoạn này. Đi trời tối cực kỳ nguy hiểm, nếu sơ xuất có thể sảy chân ngã bất cứ lúc nào. Vượt qua hết đoạn sống lưng về đỉnh 1 là hơn 6h tối, mình và một anh nữa nán lại trên đỉnh 1 để ngắm sao. Các bạn biết không, một bầu trời đầy sao lung linh thỏa thích ngắm nhìn mà không chị che khuất bởi bất cứ thứ gì. Những con người nhỏ bé giữa dải ngân hà rộng lớn, mình tiếc là không có một thứ gì để thu lại khoảnh khắc tuyệt vời đó.
Ngày 3: Lán nghỉ – Trạm Tấu – Nghĩa Lộ – Hà Nội
Sáng hôm nay thời tiết không được đẹp lắm, anh porter bảo vậy. Mình nhìn ra ngoài thấy trời có vẻ bị mù, ở dưới Trạm Tấu có lẽ đang mưa.
Sương mỗi lúc một dày đặc, đoạn đường đất ngày hôm trước đi khô ráo bao nhiêu thì hôm nay trơn trượt bấy nhiêu. Cũng rất khó khăn để chúng mình có thể xuống được dưới chân núi vì đoạn đường bị lầy và trơn do mưa. Xe đón đã đợi sẵn để đưa chúng mình về nhà nghỉ tắm và thay quần áo. Liên hoa chúc mừng chuyến đi đầy ắp niềm vui bằng một quán lẩu ngay trung tâm Trạm Tấu. Chúng mình lên xe di chuyển về Nghĩa Lộ để bắt xe về Hà Nội.
Thật buồn khi phải xa nơi này, trong lòng có một chút luyến tiếc không nỡ rời xa. Vì mình biết rằng khi đặt chân xuống núi là sẽ lại quay trở về cuộc sống hiện tại, quay cuồng trong công việc, những mối quan hệ.
Tuy có trải qua những khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng leo Tà Xùa Yên Bái vẫn có một sức hút kinh người, bởi có lẽ với những bạn yêu thích trekking, chinh phục những cung đường như vậy mới “đã”, mới mãn nguyện.
3. Một số điều cần lưu ý khi leo núi Tà Xùa Yên Bái
- Xe máy có thể chạy được đến đoạn cây táo mèo, gần mỏm đầu rùa. Các bạn có thể nhờ porter gọi xe ôm đèo từ Trạm Tấu vào để không phải đi bộ nhiều.
- Nếu các bạn muốn leo Tà Xùa Yên Bái đủ cả 3 đỉnh thì hãy rèn thể thực thật tốt hoặc bố trí ngày đi từng đỉnh cho hợp lý. Vì ngày đầu lên lán khá sớm nên các bạn có thể đi đỉnh 2 hoặc đỉnh 3 trước, ngày thứ 2 sẽ đi đỉnh còn lại.
- Đỉnh 2 cây cối rậm rạp, nhóm mình là nhóm mới đi lại trong 2 năm không có đoàn nào đi. Việc vừa đi vừa phát cây ven đường mất nhiều sức, luồn cúi nhiều. Nên mặc áo che chắn tay chân và mặt để đỡ bị lá cây tre, trúc cứa vào người.
- Không xả rác bừa bãi, hãy leo núi với tôn chỉ: “Không lấy đi gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.
- Đoạn đường đất nếu đi vào trời khô ráo không sao nhưng đi vào hôm trời mưa thì sẽ rất khổ. Ai chạy xe máy không thông thạo cũng khó đi lại, đi bộ thì trơn trượt nhưng biết làm sao khi các bạn vẫn phải đi thôi.
Đọc thêm về những ngọn núi mà mình đã leo:
- KINH NGHIỆM LEO PỜ MA LUNG (BẠCH MỘC LƯƠNG) – Bức tường miền viễn biên
- KINH NGHIỆM LEO NHÌU CỒ SAN – ĐỈNH NÚI CAO THỨ 9 Ở VIỆT NAM
- Tháng 10 Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, nơi có đồi hoa tím phủ kín cả núi rừng
- TOP 10 NGỌN NÚI CAO NHẤT VIỆT NAM ĐANG CHỜ BẠN CHINH PHỤC
- TOP 6 ĐỈNH NÚI SĂN MÂY MIỀN BẮC DÀNH CHO DÂN MÊ TREKKING NĂM 2019
- TREKKING NGŨ CHỈ SƠN trong ngày – Ngọn núi không dành cho những “kẻ” yếu đuối