KINH NGHIỆM LEO PỜ MA LUNG (BẠCH MỘC LƯƠNG) – Bức tường miền viễn biên

0
2612
Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung

Pờ Ma Lung hay còn có tên gọi khác là Bức Tường hay Bạch Mộc Lương (Rừng gỗ trắng). Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ với hệ thống thác nước nguyên sinh và hệ thống thảm thực vật vô cùng phong phú. Pờ Ma Lung được ví như vườn địa đàng bị lãng quên dành cho những người yêu thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên. Để chinh phục được đỉnh núi hoang sơ này, các bạn sẽ phải vượt qua những con dốc cai, men theo những con suối trơn trượt đầy khó khăn. Bài viết dưới đây là một số kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung của wecheckin, các bạn có thể tham khảo để chuẩn bị cho hành trình leo núi của mình.

Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung

1. Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung – Một số thông tin về đỉnh núi cao thứ 8 tại Việt Nam

Pờ Ma Lung có độ cao 2.967m nằm ở đường biên giới Việt – Trung thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là một ngọn núi còn khá hoang sơ, được khai phá cách đây chưa lâu.

Sở dĩ ngọn núi này còn có tên là Bức Tường vì đoàn đầu tiên chinh phục ngọn  núi này đã đặt tên là Bức Tường để tưởng nhớ đến ca sĩ Trần Lập (trưởng nhóm ban nhạc Bức Tường). Tuy nhiên, Pờ Ma Lung là tên gọi chính thức và được nhiều người sử dụng nhất của đỉnh núi cao thứ 8 ở Việt Nam này.

2. Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung – Hành trình chinh phục miền viễn biên

Nhóm chúng mình gồm mình, Sơn và anh Xuân Anh bắt xe từ Hà Nội đi tp.Lai Châu vào khoảng 21h tối. Đến Lai Châu vào lúc trời vẫn còn tối và lạnh, 3 chúng mình được anh Hùng (chủ nhà xe) cho vào văn phòng ngồi nghỉ nhờ, đợi trời sáng để di chuyển đến điểm leo. Chúng mình thuê luôn xe máy của anh với giá 150k/ngày. 

Quãng đường từ thành phố Lai Châu đến Bản Lang khoảng 50km, đường khá là dễ đi nên các bạn nữ có thể tự cầm tay lái được. 

Sau khi gặp anh Porter Phú Chỉn – người dẫn đường trong chuyến này của mình (SĐT: 0396625510, Facebook: Phú Chỉn), anh dẫn chúng mình vào làm thủ tục với xã. Các anh trong xã rất nhiệt tình, các bạn chỉ cần ghi họ tên, số điện thoại và số chứng minh nhân dân vào tờ khai là đã có thể được leo rồi.

Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung
Đây là trung tâm xã Bản Lang, nơi sẽ làm thủ tục xin phép leo núi Pờ Ma Lung

Anh Phú dẫn bọn mình đến nhà anh ở Bản Lang, cất những đồ không cần thiết và sau đó di chuyển đến điểm chân núi. Con đường offroad từ Bản Lang đến điểm trek gần chân núi khá dài, đường nhỏ, nhiều sỏi đá to gồ ghề, di chuyển cực khó khăn đối với những tay lái yếu. 

9h sáng chúng mình có mặt tại điểm trek, để xe ở một cái lán nhỏ rồi vác balo lên đường. Chúng mình tiến sâu vào trong, hai bên đường là bạt ngàn là những rừng chuối được người dân bản trồng. Men theo con suối lớn bên dưới dãy Mỏ Quạ huyền bí, mồ hôi bắt đầu tuôn ra vì những đoạn dốc. 

Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung
Dãy Mỏ Quạ đầy huyền bí

Đi được một đoạn, cả đoàn bắt gặp một con thác khổng lồ ở phía xa xa, một con thác khá lớn và đẹp khiến cho mọi người phải dừng lại để chụp ảnh. Hôm chúng mình đi là mùa khô nên con thác không được nhiều nước, nên cũng bớt đi sự hùng vĩ một phần nào đó. Rồi cả nhóm lại men theo đường ống nước bắc qua những đoạn vực, một bên là vách núi, một bên là vực sâu nên ai nấy đều rất thận trọng khi đi qua đoạn này. 

Đi hết đoạn ống nước này là bắt đầu đến những đoạn suối. Pờ Ma Lung có rất nhiều suối, chúng mình không đếm được mình đã đi bao qua bao nhiêu con suối, chủ yếu trên đường đi chỉ men theo những con suối lớn, suối nhỏ. Vừa đi vừa nghe tiếng suối chảy róc rách thật là thích.

À, có một điều lưu ý nhỏ là những tảng đá ở những con suối rất là trơn, nên các bạn hãy để cho porter đi trước, còn mình thì đi theo sau nhé. Mình là một người cực thích suối, cứ thấy suối là mình sẽ chạy ra nghịch nước, xém tí nữa mình bị trượt ngã vì những tảng đá to nhìn đầy hấp dẫn. Những tảng đá ở cạnh suối nhìn vậy mà không phải vậy, anh porter có bảo mình là những tảng đá đó rất trơn, không cẩn thận là sẽ bị trượt ngã ngay.

Những con suối cứ nối tiếp nhau trên đoạn đường đi
Những con suối cứ nối tiếp nhau trên đoạn đường đi

Chẳng mấy chốc đã đến trưa, chúng mình dừng lại ăn trưa ngay bên một con suối to. Bữa trưa vẫn là xôi ruốc ăn lót dạ. Ngồi ăn một lúc là cơ thể bắt đầu run lên vì lạnh, mọi người lại thu dọn đồ đạc và bắt đầu hành trình.

3. Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung – Vượt qua con dốc 3 giờ huyền thoại

Chắc hẳn ai là dân leo núi đều nghe đến con dốc 3 giờ huyền thoại ở Pờ Ma Lung. Tại sao nó lại có tên là dốc 3 giờ?

Theo mình được biết, đây là một con dốc rất dài, chỉ có dốc và dốc, không có đoạn bằng phẳng để cho người leo núi ngồi nghỉ. Đối với những người sức khỏe trung bình sẽ mất 3 tiếng đồng hồ để vượt qua đoạn dốc này. Nói đến đây chắc các bạn đã tưởng tượng được con dốc kinh khủng đến cỡ nào. Mình là một người đã từng leo khá nhiều núi, mà khi leo con dốc này cũng phải sợ. Nó lấy đi rất nhiều sức lực của mình, leo liên tục mà không gặp một đoạn nào bằng phẳng để ngồi nghỉ, mệt quá cũng chỉ đứng bám lấy thân tre để cho người đỡ bị trôi xuống dốc. May thay, do đã có kinh nghiệm leo núi nên chúng mình chỉ mất khoảng hơn 2 giờ là đi hết đoạn dốc 3 giờ.

Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung
Để leo được con dốc 3 giờ, chúng mình mất khoảng hơn 2 tiếng leo liên tục

Từ đoạn dốc 3 giờ trở đi là đường đi dễ hơn, có nhiều cây hoa đỗ quyên nở rộ cho bạn thỏa sức ngắm và chụp hình. Đặc biệt là từ đỉnh dốc 3 giờ đến lán chỉ mất khoảng 20p – 30p. Nghe thấy sắp đến lán là mừng rồi, vì lúc đó được vứt balo và có thể nghỉ ngơi sau một hành trình leo đầy mệt mỏi.

Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung
Có rất nhiều hoa đỗ quyên đỏ, nở rộ trên đường đi
Ở Pờ Ma Lung có rất nhiều hoa đỗ quyên đỏ
Ở Pờ Ma Lung có rất nhiều hoa đỗ quyên đỏ

Điều ấn tượng nhất của mình khi đến lán đó là lán ở Pờ Ma Lung cực xịn, có hẳn 2 tầng, lại có nhiều view tha hồ sống ảo nữa. Chụp choẹt một lúc chẳng mấy mà đến tối, chúng mình lại quây quần bên mâm cơm đã được anh porter dọn ra, vừa ăn vừa nói chuyện. Sau đó vệ sinh cá nhân rồi lên lán đắp chăn đi ngủ thật sớm, chuẩn bị cho sáng mai lên đỉnh check chóp.

Lán 2 tầng
Lán 2 tầng “cực xịn” ở Pờ Ma Lung

4. Kinh nghiệm leo Pờ Ma Lung – chạm tay vào chóp 2.967m

Mới tờ mờ sáng, khi sương còn nặng hạt, màn đêm vẫn bủa vây cả khu rừng một cách lạnh lẽo. Mình, Sơn và anh Xuân Anh thức dậy sửa soạn đồ đạc, ăn sáng và di chuyển khi trời vẫn còn tối. 

Lúc này chúng mình không phải vác theo balo to đùng nữa mà đi người không lên đỉnh, sau đó mới quay trở lại lán lán đồ. Vì bọn mình đi thêm cả đỉnh Chung Nhía Vũ ngay gần đó nên mới phải thức dậy sớm và di chuyển sớm thì mới có thể kịp được xuống núi lúc trời tối.

Chi tiết leo combo 2 đỉnh Pờ Ma Lung và Chung Nhía Vũ mình sẽ viết vào bài tới, các bạn nhớ theo dõi nhé.

Vượt qua hết khu rừng thảo quả, rồi lại đến những con suối trơn trượt, phải trèo qua những tảng đá to đùng đầy khó khăn, chúng mình đã đến một bãi đất bằng có cột mốc được xây dựng đã từ rất lâu, ghi bằng 3 thứ tiếng Việt – Trung – Anh “Vành đai biên giới”.

Vành đai biên giới
Vành đai biên giới được viết bằng chữ tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh

Chụp ảnh với nó xong, mọi người lại vội vã lên đường. Đến gần đỉnh, địa hình bắt đầu thay đổi, đã hết suối, chủ yếu là rừng trúc. Đường đi vừa dài vừa dốc, nhưng chả mấy chốc mà chúng mình đặt chân được lên đỉnh. Chạy tay vào chóp cảm thấy mọi mệt mỏi đều tan biến hết. Đúng lúc nắng lên làm cho khủng cảnh trên đỉnh càng trở lên đẹp hơn lạ thường.

Đỉnh cắm chóp Pờ Ma Lung
Đỉnh cắm chóp Pờ Ma Lung

Chúng mình lại vội vã chụp ảnh với chóp rồi chạy xuống lán, nếu không đi nhanh là sẽ xuống núi muộn. Cả 3 người chúng mình đã cố gắng đi thật nhanh, nhiều lúc còn chạy đua cả với mặt trời mà vẫn không đuổi theo kịp. Kết quả là phải soi đèn pin để đi. Khoảng 7h30 tối là chúng mình đã có mặt ở nhà anh porter Phú Chỉn. Nếu các bạn chỉ đi mỗi Pờ Ma Lung thôi thì không cần phải vội vã xuống núi như bọn mình đâu, cứ thong dong mà đi thôi. Do bọn mình đi Chung Nhía Vũ sau đó mới lên đỉnh Pờ Ma Lung nên mất khá nhiều thời gian.

Thật hạnh phúc khi trong một ngày chúng mình đã chinh phục được 2 đỉnh Pờ Ma Lung và Chung Nhía Vũ. Mặc dù ai nấy đều mỏi, chân đều đau và đi tập tễnh nhưng lại rất tự hào vì những gì mình đã làm được. Do xe máy của anh Xuân Anh bị thủng xăm nên chúng mình đã quyết định ở lại nhà anh Phú Chỉn, sáng mai dậy sớm và di chuyển về tp. Lai Châu.

Hành trình băng rừng vượt suối của chúng mình đã kết thúc, 2 ngày ở trong núi là 2 ngày tuy thiếu thốn về vật chất nhưng lại là lúc tinh thần được thoải mái nhất. Trở về Hà Nội nhìn lại hành trình qua những bức ảnh làm mình lại thấy nhớ. Nhớ về những lúc mệt mỏi nhất khi phải leo dốc, những lúc run lên vì lạnh hay những núi choáng ngợp trước sự hùng vĩ của thiên nhiên mang lại. Bài viết trên là những kinh nghiệm Leo Pờ Ma Lung của mình, hy vọng sẽ giúp ích cho chuyến đi của các bạn.

Có thể bạn quan tâm:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here