Nhắc đến Hà Nội là ta thường nghĩ đến những câu nói “Hà Nội 36 phố phường” hay “Hà Nội nghìn năm văn hiến”. Hà Nội với 36 phố chỉ một khu phố sầm uất nhất đất kinh kỳ, chứa đựng bao giá trị văn hóa – lịch sử của người Thăng Long xưa. Nhưng tại sao lại gọi là “Hà Nội 36 phố phường”, hãy cùng wecheckin tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Hà Nội 36 phố phường xưa gắn với lịch sử nghìn năm văn hiến
36 phố phường Hà Nội là khu đô thị cổ nằm ở bên trong và bên ngoài khu vực phố cổ Hà Nội. Đây là nơi sinh sống và buôn bán sầm uất nhất từ thời Lý – Trần của người dân. Đặc trưng của khu phố này là những phố làng nghề và những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc Việt Nam cổ truyền.
Vào thời Lý – Trần, dân cư ở khắp các làng đồng bằng quanh Bắc Bộ tụ tập về khu vực này sinh sống tạo thành một khu phố đông đúc nhất kinh thành. Đến đời Lê, có một số Hoa Kiều buôn bán ở đây, dần dần hình thành nên khu phố Tàu.
Vào thời Pháp thuộc, khu phố được chỉnh trang lại, người Pháp và người Ấn cũng đến đây buôn bán. Bên cạnh khu phố là nơi sinh sống của cư dân thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
Các nghề truyền thống được hình thành và phát triển mạnh, đã tập trung thành các phố nghề riêng như Hàng Mã, hàng Buồm, Hàng Thiếc,…
Là một nơi giao thương với nhiều vùng văn hóa khác nhau và các nước khác nhau nên diễn ra sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ. Nhưng không vì thế mà làm mất đi bản sắc văn hóa của người Việt ta, nơi đây vẫn còn lưu đậm những dấu ấn văn hóa Thăng Long – Kẻ Chợ xưa.
2. Tên gọi “Hà Nội 36 phố phường”
Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà
Quanh đi đến phố hàng Da
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.
Theo quan niệm của dân gian, 36 được coi là một con số tài lộc. 36 cũng là con số rất quen thuộc đã từng xuất hiện trong Binh pháp Tôn Tử với 36 kế, trong các tác phẩm văn học Việt Nam như truyện Kiều có đoạn khi sở Khanh rủ Kiều bỏ trốn: “Thừa cơ lẻn bước ra đi. Ba mươi sáu chước chước gì là hơn”; trong Tây Du ký, Trư Bát Giới có 36 phép thuật; trong quan họ Bắc Ninh cũng có 36 thứ chim,…
Tuy nhiên, theo như nghiên cứu thì “Hà Nội 36 phố phường” là một cách gọi không chính xác của khu phố cổ, đây chỉ là cách gọi ước lệ khu vực đô thị phố cổ. Vào tháng 12 năm 1748, vua Lê Hiển Tông từng chia kinh thành Thăng Long thành 36 khu vực, gọi là 36 phố phường, thuộc 2 huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức. Vào cuối thế kỉ 19, Hà Nội có hơn 50 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Theo sau đó là những cái tên khá đặc trưng như mô tả, tên gọi của một số nghề truyền thống như Hàng Thiếc, Hàng Bạc, Hàng Mây…
Nhưng tại sao lại có tên gọi Hà Nội 36 phố phường?
Chắc hẳn các bạn đã được nghe đến tác phẩm nổi tiếng “Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam. Cuốn sách có 70 trang được giới chuyên môn đánh là là một cuốn bút hồi ký dành riêng cho vẻ đẹp của Hà Nội. Với lối văn nhẹ nhàng, tươi sáng, pha chút dí dỏm, nhà văn Thạch Lam đã đưa người đọc lang thang trong một Hà Nội vừa thanh lịch vừa hiện đại lại cổ kính.
Tác phẩm của Thạch Lam đã khắc sâu vào tiềm thức của người đọc về vẻ đẹp của một Hà Nội rất riêng biệt. Hẳn là vì thế mà 36 phố phường Hà Nội dù có thật hay không thì người ta cũng quen với cách gọi đó thông qua tựa đề của tác phẩm.
3. Hà Nội 36 phố phường ngày nay hiện đại nhưng vẫn cổ kính
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, phố phường Hà Nội đã có những thay đổi nhiều về tên gọi, số lượng, diện tích nhưng một số vẫn còn giữ nguyên tên cũ để gợi nhắc cho những tâm hồn hoài niệm về một Hà Nội xưa.
Các con phố bây giờ không còn sản xuất những mặt hàng như tên gọi của nó nữa như phố hàng Khoai không bán khoai mà thay vào đó là bán bát đĩa, phố hàng Đường thì nổi tiếng với ô mai, phố Hàng Gà thì in thiệp cưới,…Tuy nhiên vẫn còn một số các con phố vẫn bán mặt hàng như trước đây như phố Hàng Thiếc vẫn bán các mặt hàng liên quan đến thiếc, phố Hàng Chiếu vẫn bán chiếu.
Xã hội phát triển, nhiều phong tục tập quán thay đổi, lối sống truyền thống của người phố cổ cũng dần bị mai một, thay vào đó là lối sống hiện đại. Giờ đây, vào những ngày cuối tuần, con phố trở nên đông vui, náo nhiệt với sự có mặt của rất nhiều khách du lịch.Về đêm, con phố diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, nghệ thuật đường phố đầy hấp dẫn .
Mặc dù không còn giữ được những nét nguyên vẹn như xưa nhưng những dấu tích như căn nhà cổ kính, những mái ngói phủ rêu phong vẫn được lưu giữ. Tất cả đã trở thành niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và của người Việt nói chung.
Hy vọng với bài về Hà Nội 36 phố phường sẽ giúp bạn hiểu thêm về lịch sử, nét đẹp của Hà Nội xưa. Hãy đi và khám phá những điều hay ho về Hà Nội nhé.
Xem thêm:
- TOP 8 QUÁN BÚN BÒ HUẾ HÀ NỘI, NGON CHUẨN VỊ HUẾ
- (Hà Nội) Tổng hợp những quán dồi sụn nướng ngon nhất
- Đưa nhau đi trốn với 5+ homestay ngoại thành Hà Nội cực chất
- Điểm danh top 10 quán cafe trứng ở Hà Nội ngon xuất sắc
[…] Tại sao lại gọi “Hà Nội 36 phố phường” – Ý nghĩa của con số 36 […]
[…] mấy ai còn xa lạ với cây cầu lịch sử này, nếu bạn sinh ra là người con của Hà Nội, bạn đã hoặc đang sinh sống nơi đây hay đơn giản chỉ là một chuyến du lịch […]