Vườn quốc gia Ba Vì cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 60km, đây là một điểm đến lý tưởng dành cho những ai yêu thích vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Vậy Vườn Quốc gia Ba Vì nằm ở đâu, nơi đây có gì thú vị? Hãy cùng theo chân wecheckin tìm hiểu qua bài viết Kinh nghiệm đi Vườn Quốc gia Ba Vì nhé!
Nội dung chính của bài
1. Kinh nghiệm đi Vườn Quốc gia Ba Vì – cách di chuyển
Ba vì cách thủ đô Hà Nội chưa đến 60km, theo kinh nghiệm đi Vườn quốc gia Ba Vì thì bạn có thể di chuyển bằng xe bus, ô tô hoặc xe máy rất thuận tiện cho chuyến đi này.
Di chuyển bằng xe bus
Từ trung tâm Hà Nội, các bạn bắt các tuyến xe: 20B (Cầu Giấy – BX. Sơn Tây), 77 (BX. Yên Nghĩa – Sơn Tây), 71 (BX. Mỹ Đình – BX. Sơn Tây), từ BX. Sơn Tây các bạn bắt tuyến bus số 110 theo lộ trình: BX. Sơn Tây – VQG Ba Vì – Đá Chông.
Ngoài ra, bạn có thể bắt tuyến bus số 74 xuất phát từ bến xe Mỹ Đình đến Xuân Khanh (Sơn Tây), sau đó di chuyển bằng xe ôm hoặc taxi thêm khoảng 10km nữa là đến VQG Ba Vì.
Di chuyển bằng xe máy, ô tô
Đây là phương tiện thuận lợi nhất để đi du lịch Ba Vì. Tuy nhiên, đường trong vườn quốc gia chủ yếu là đèo dốc khá dài, khó đi nên bạn cần phải đảm bảo chắc tay lái và đổ xăng đầy bình nhé.
Các bạn có thể lựa chọn 1 trong hai cung đường sau nếu di chuyển bằng ô tô cá nhân hoặc xe máy.
- Cung đường thứ nhất: Xuất phát từ Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Hà Nội), đi theo đại lộ Thăng Long khoảng 30km, cầu vượt Hòa Lạc, đi thẳng vào khu vực Làng văn hóa theo biển chỉ dẫn đến xã Yên Bài, núi Ba Vì.
- Cung đường thứ 2: Xuất phát từ khu vực Cầu Giấy, theo đường Quốc lộ 32 khoảng 37 km tới ngã tư bến xe Sơn Tây, rẽ trái tiếp 3,5 km đến ngã tư Viện 105, đi thẳng tiếp 9 km tới ngã ba Tản Lĩnh, rẽ trái đi tiếp 3,5 km đến ngã 5 hình sao, phía trước bên tay phải là trạm bán vé tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì.
2. Kinh nghiệm đi Vườn Quốc gia Ba Vì – Nên đi vào thời gian nào?
Ba Vì nằm ngay sát Hà Nội nên bạn có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm. Tuy nhiên, nếu nắm bắt một chút thì bạn sẽ có thể thưởng thức được hết vẻ đẹp tuyệt vời ở nơi đây.
- Tháng 4 – tháng 10: Đi để tránh nóng, đây là khoảng thời gian đẹp nhất để đi Ba Vì. Dưới cái nắng gắt của Hà Nội chỉ cần lên Ba Vì là có thể cảm nhận được sự dịu mát của nơi đây rồi.
- Tháng 10 – tháng 12: Mùa hoa dã quỳ nở vàng rộ. Khoảng cuối tháng 10 là thời điểm hoa bắt đầu nở rộ khắp cả một đồi. Hoa nở đẹp nhất trong khoảng 10 đến 14 ngày thôi, nên bạn phải căn chỉnh thời gian hợp lý để bắt được khoảnh khắc đẹp của nơi đây nhé.
3. Giá vé tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì
- Giá vé người lớn: 60.000đ/người
- Giá vé sinh viên: 20.000đ/người
- Giá vé học sinh: 10.000đ/người
- Giá vé ưu tiên cho người cao tuổi, người tàn tật: 30.000đ/người
- Giá vé gửi ô tô dưới 10 chỗ: 20.000đ/xe
- Giá vé gửi ô tô trên 10 chỗ: 25.000đ/xe
- Giá vé gửi xe máy: 3.000đ/xe
- Giá vé gửi xe đạp: 2.000đ/xe
Lưu ý: Bạn nhớ cầm theo thẻ sinh viên, học sinh để được giảm giá vé nhé.
4. Kinh nghiệm đi Vườn Quốc gia Ba Vì – Địa điểm tham quan
4.1. Vườn cây xương rồng
Vườn cây xương rồng là địa điểm được giới trẻ check-in nhiều nhất. Qua khỏi cổng vườn Quốc gia Ba Vì khoảng 1km là sẽ đến vườn xương rồng. Ở đây có tới hơn 1.200 giống cây xương rồng khác nhau đến từ khắp nơi trên thế giới, được xem như là vườn xương rồng lớn nhất Đông Nam Á.
Ngoài tham quan, chụp ảnh vườn xương rồng, bạn còn được tìm hiểu thêm về các giống cây, cách chăm sóc và đặc tính riêng của từng loại xương rồng.
4.2. Rừng thông
Rừng thông nằm trong vườn Quốc gia Ba Vì, đối diện khu nghỉ dưỡng. Với vẻ đẹp thơ mộng, nơi đây thường được du khách chọn làm điểm cắm trại, nghỉ ngơi.
Dạo quanh vườn thông sẽ mang lại cảm giác giống như bạn đang ở Đà Lạt, bạt ngàn rừng thông chắc chắn sẽ đem đến cho bạn những bức hình tất tuyệt.
4.3. Nhà thờ cổ
Nhà thờ cổ Ba Vì là tàn tích của một nhà thờ cổ mang kiến trúc Pháp đặc trưng đầy ma mị, cổ kính. Bị bỏ hoang hàng chục năm, phần mái nhà của nhà thờ đã không còn nữa, âm u giữa cây lá um tùm. Nhưng càng hoang phế thì vẻ đẹp của nhà thờ đổ lại hút hồn du khách.
Vẻ đẹp loang lổ, phong rêu tạo nên sự kỳ bí, xung quanh nhà thờ lúc nào cũng hơi sương tạo nên một không gian hư ảo, bí ẩn.
4.4. Tháp Báo Thiên
Tháp Báo Thiên nằm ở độ cao 1.269m, để lên được trên đỉnh thì bạn sẽ phải đi độ 15km đường rừng núi quanh co. Đứng từ trên đỉnh núi, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh dòng Đà Giang huyền thoại, cả thành phố Hà Nội trước vẻ hùng vĩ của thiên nhiên.
Tháp Báo Thiên có 13 tầng, cao 26.9m, xung quanh tháp gồm 88 pho tượng lớn nhỏ và 8 vị Kim cương được quay về 8 hướng.
4.5. Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Ba Vì
Đền thờ Bác Hồ được xây dựng trên đỉnh Vua, núi cao nhất của dãy núi Ba Vì. Để có thể lên được đỉnh Ba Vì, du khách phải đi bộ hơn 1.320 bậc đá bên vách núi. Trên đường đi, bạn sẽ đi xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ mang những tên gọi độc đáo, mốc và rêu bám phủ lấy thân cây, dây leo chằng chịt, sương mù phủ giăng.
Trên đây là tất cả những kinh nghiệm đi vườn Quốc gia Ba Vì của mình. Hy vọng với bài viết này, các bạn sẽ có một chuyến đi Ba Vì thật là nhiều thú vị nhé.
Xem thêm:
- Thu sang rồi! Note ngay những địa điểm chụp cúc họa mi “cực đẹp” tại Hà Nội dưới đây nhé!
- Tháng 8 mùa thu chạm ngõ – Hàng Phong đầu tiên của đường phố Hà Nội đang chuyển màu lá đỏ !
- [Hà Nội] Những “đặc sản” của mùa đông lạnh không thể bỏ lỡ
[…] không cần phải đi quá xa tới hồ Đại Lải, Ba Vì hay Tam Đảo để được trải nghiệm đa dạng các loại hình vui chơi vì tại […]