“Răng mà thèm bánh mướt rứa hề?”
Cứ thỉnh thoảng tôi lại nghe bà hay mẹ tôi kêu thèm món bánh mướt. Hồi nhỏ tý mũi còn thò lò và tóc chỉ lơ thơ vài cọng, tôi cứ tự hỏi sao bà và mẹ không chạy ù ra ngõ mua lấy cân bánh cuốn về ăn cho đỡ thèm. Nhìn chúng chẳng khác gì nhau ngoại trừ cái tên! Lớn lên, vị giác tinh tế hơn một chút rồi tôi mới nhận ra sự khác biệt giữa hai loại bánh ấy.
Ừ thì tôi là một đứa mang nét đặc trưng của nhiều vùng miền: quê nội tôi ở vùng núi phía Bắc, quê ngoại thì tít bên xứ Nghệ, ấy thế mà lại chôn rau cắt rốn nơi đất Cảng, và bây giờ mon men lên thủ đô “tìm kiếm con chữ”. Thế mới tài!
Thế nhưng như thế lại hay, vì nhờ thế mà hầu như văn hóa ở vùng miền nào tôi cũng biết qua một ít. Tôi học được nhiều thứ từ gia đình “đa văn hóa” tôi, và rất nhỏ trong số đó là món bánh mướt này.
Thỉnh thoảng, khi mà cái cơn thèm lên đến đỉnh điểm thì mẹ tôi cũng mua bánh cuốn về rồi làm cho nó thật giống bánh mướt mà ăn tạm thật. Mẹ mua cả cân bánh cuốn về, bắt đầu ngồi cuộn thành những cuộn dài to bằng đốt rưỡi ngón tay rồi rắc thêm hành khô bên trên. Thì nó cũng chỉ là bánh cuốn thôi! Thế nhưng bắt đầu khác khi mẹ bắt đầu nấu nước dùng theo một cách rất khác.
Tôi nhớ là tôi đã từng ăn nhiều thứ nước dùng khác nhau mà mẹ nấu để ăn với món bánh mướt. Nhưng thường thì mẹ nấu nước xáo lòng, thêm một miếng tiết và thật nhiều rau thơm. Nhiều lúc mẹ lại mua một ít thịt bò, ninh thật nhừ với cà chua, nêm nếm cho thật đậm đà làm nước dùng. Đôi khi không có thời gian thì chỉ cần một bát mắm nguyên chất thêm vài lát ớt là thỏa mãn cơn thèm.
Mọi người khoái nhất là ăn bánh mướt với nước xáo lòng nóng. Cảm giác chấm thật đẫm bánh trong nước dùng ngọt thanh, cắn một miếng ngập chân răng thì đúng là khoái.
À nhưng cái “bánh mướt” mà tôi đang nói mới chỉ là bánh cuốn dùng tạm để tưởng tượng ra cái bánh mướt thật sự thôi.
Chả là trong một lần về quê ngoại, tôi có được thử món bánh mướt chuẩn mới ngớ người “Đúng là khác thật!”
Thật ra thì cách làm bánh mướt giống y sì chả khác gì bánh cuốn. Nhưng khi ăn bánh mướt Nghệ An lại nhận ra được một hương vị rất riêng không tìm thấy được ở bánh cuốn mà tôi gọi là “vị xứ Nghệ”. Hương vị ấy chắc là do gạo mà người ta dùng để làm bánh là loại gạo đặc trưng của vùng, lại được ngâm trong 2 tiếng rồi mới đem xay, rồi lại được đem đi ủ vài giờ trước khi chế biến. Túm gọn lại để làm ra món bánh mướt có hương vị riêng như vậy, người xứ Nghệ phải bỏ ra biết bao nhiêu là công sức chứ không phải đơn giản.
Quê ngoại tôi ngoài ăn bánh mướt với nước xáo lòng hay mắm thì còn ăn ram mướt. Nghe lạ tai nhưng thật ra là lấy bánh mướt cuộn bên ngoài ram rồi ăn. Ram là gì? Ram có nhân giống như chả nem ngoài Bắc, nhưng được gói bằng một loại lá nem có màu vàng cánh gián, dày hơn lá đa nem bình thường và đặc biệt rất thơm, giòn. Để dễ hình dung ra món ram mướt thì tôi sẽ gọi nó là bánh cuốn cuộn chả nem cho dễ hình dung. Đây là một món rất dễ ăn, phù hợp với mọi thời tiết và mọi thời điểm trong ngày.
Bánh mướt chính là như thế, như người ta thường nói là “nhỏ mà có võ”. Là một món ăn nhưng có hương vị mãnh liệt đối với những người xa xứ như bà, như mẹ. Nó là hương vị quê hương không chỉ gây thương nhớ mà còn là hồn túy của quê hương xứ Nghệ.
Có thể bạn quan tâm:
(PHẦN 1) HẢI PHÒNG – THIÊN ĐƯỜNG ẨM THỰC THỎA MÃN VỊ GIÁC KẺ SÀNH ĂN
(PHẦN 2) HẢI PHÒNG – THIÊN ĐƯỜNG ẨM THỰC THỎA MÃN VỊ GIÁC KẺ SÀNH ĂN
Mách Bạn 3 Địa Điểm Du Lịch Xinh Đẹp Tháng 11