(PHẦN 1) HẢI PHÒNG – THIÊN ĐƯỜNG ẨM THỰC THỎA MÃN VỊ GIÁC KẺ SÀNH ĂN

1
4269
Bánh đúc tàu hp
Bánh đúc tàu hp

Các bạn ạ, đây là câu chuyện thực tế của một người con sinh ra và lớn lên nơi đất Cảng, cho đến khi cắp cặp lên thủ đô vốn nổi tiếng là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa ẩm thực khắp mọi miền, mới nhận ra mình đã may mắn thế nào khi được sống ở một nơi có thể coi là thiên đường ẩm thực hơn hai chục xuân xanh 🙂



Nếu các bạn nghĩ tôi đang nói điêu, hay tò mò muốn xem xem rốt cuộc Hải Phòng có những món ăn gì mà tôi cứ thích “tâng bốc” quá lên thế (mặc dù tôi không có tâng bốc) thì hãy đọc hết bài viết này nhé! *toe toét* Những món ăn mà tôi kể dưới đây có một số món không hẳn là các nơi khác không có, nhưng tôi khẳng định là ở Hải Phòng nó mang một hương vị, một chất lượng và một giá cả rất khác. Không nói nhiều nữa, hãy cùng bắt đầu foodtour Hải Phòng ngay thôi!!

  1. Bánh đa cua
Bánh đa cua Hải Phòng trứ danh

Đây chắc chắn là món đầu tiên trong danh sách rồi vì bánh đa cua chính là tinh hoa của ẩm thực Hải Phòng! Đây là món ăn mà người Hải Phòng có thể ăn ở bất cứ thời điểm nào trong ngày: sáng, trưa, chiều, tối…và khuya 😀

Bát bánh đa cua truyền thống có nước dùng làm từ cua đồng nên có vị ngọt thanh. Sợi bánh đa có đủ loại: đỏ to/bé, trắng to/bé. Mỗi loại bánh đa có một đặc điểm rất đặc trưng chứ chẳng sợi nào giống sợi nào. Ví dụ khi ăn với nước cua đồng thì người ta thường dùng bánh đa đỏ này (Sợi đỏ to cũng mang lại cảm giác khác so với đỏ bé) Còn khi người ta nấu nước dùng từ ngan, bò hay cá thì thường sợi trắng lại được ưa chuộng hơn.

Bát bánh đa cua truyền thống

Nói về các loại bánh đa mới thấy có nhiều loại bánh đa khác nhau chứ không chỉ có bánh đa cua. Bánh đa ngan, bánh đa bò nhừ, thậm chí bánh đa cá, bề bề. Mỗi loại có một vị ngon riêng nhưng được nhắc đến nhiều nhất và được yêu thích nhất vẫn là bánh đa cua.

Bánh đa cua cũng có rất nhiều kiểu nữa. Nào là bánh đa cua đồng, bánh đa cua bể rồi cả bánh cua nồi đất. Nhưng dù có nhiều loại như thế nào thì khi ăn bánh đa bạn nhớ ăn kèm với chả lá lốt (không thể thiếu), chả vàng, chả mọc, tôm xào mộc nhĩ, thịt và rau muống chần, rồi dặn chủ quán thêm nhiều gạch cua đã phi vàng và tóp mỡ nữa. Đấy mới chính là một bát bánh đa cua hoàn chỉnh.

Bánh đa cua nồi đất
Bát bánh đa cua chuẩn vị với các loại chả, tôm ăn kèm rau muống chần

Giá của một bát bánh đa cua trung bình dao động từ 15.000 – 25.000 đồng.

Bánh đa cua ăn ngon nhất là khi xì xụp trong những quán vỉa hè mà hầu như con phố nào cũng có: Kỳ Đồng, Cầu Đất, Lương Khánh Thiện, Mê Linh…

  1. Bánh đúc tàu
Gánh bánh đúc tàu

Lại một món ăn độc đáo lạ miệng cộp mác Hải Phòng mà gặp ai tôi phổng mũi giới thiệu. Bánh đúc chắc đã không còn xa lạ gì với mọi người rồi đúng không?

Bánh đúc tàu là món bánh đúc được chế biến theo công thức của người Hoa khác hoàn toàn với món bánh đúc của người Việt mình. Bánh đúc trắng tinh, không chắc như bánh đúc thường mà có độ mềm và đàn hồi, được đặt trong một cái khay tròn lớn cùng nhân. Khách gọi đến đâu bác chủ quán sẽ thoăn thoắt tay cắt bánh đến đấy, xúc nhân rồi chan nước mắm lên là xong.

Nhân ở đây bao gồm đu đủ cắt hạt lựu đã ngấm màu hạt điều, tôm và thịt mỡ rán kỹ thêm mộc nhĩ thái sợi. Nước mắm là loại mắm giấm được nêm nếm vừa vặn, có thể điều chỉnh độ cay theo khẩu vị của mỗi người. Khi ăn bánh đúc sẽ mềm tan trong miệng, tôm thịt giòn giòn, mộc nhĩ sần sật, thêm vị chua chua ngọt ngọt của mắm giấm nữa thì chuẩn hương vị khiến người ta mê mẩn.

Một bát bánh đúc tàu thơm ngon có giá là 10.000 đồng, quá quá rẻ. Lúc nào ăn mình cũng phải chén liền 2,3 bát.

Có 3-4 hàng bán bánh đúc tàu ở Hải Phòng nhưng mình thấy ngon nhất và lâu đời nhất chỉ có hai địa chỉ: Đoạn gần 186 Cát Dài (Hai Bà Trưng) và ngã tư chợ Cột Đèn.

  1. Bún cá cay
Bún cá cay Hải Phòng

Bún cá chẳng phải chỉ Hải Phòng mới có. Nhưng món bún cá cay Hải Phòng vẫn nổi tiếng vì vị nước dùng ngon độc đáo chẳng lẫn được vào đâu.

Trong bát bún cá cay vẫn có bún (tất nhiên), cá rô chiên vàng ruộm, chả cá thu, lòng và đặc biệt là chả lòng.

Bún cá cay Hải Phòng

Điều làm nên sự khác biệt của bún cá cay chính là nằm ở nước dùng. Húp một thìa có thể cảm nhận được hương vị đậm đà của gia vị, vị ngọt và mùi tanh đặc trưng từ cá và lòng kèm vị cay nhẹ. Ăn bún cá cay thường không dùng chanh hay quất mà rưới nước me để tạo nên vị chua thanh thanh cực kỳ khác lạ. Thêm vào đó là cà chua, dọc mùng giòn giòn và hành thì là để át vị tanh và làm bát bún dậy mùi hơn.

Giá trung bình cho một bát bún đầy ú ụ và chất lượng là 25.000 – 30.000 đồng.

Địa chỉ những quán bún cá cay ngon: 66 Lê Lợi, 10 Trần Phú, 153 Lê Lai.

  1. Bánh mỳ cay, chè thái

Đây là món mà mọi người thường xuyên đòi mình mang lên Hà Nội mỗi dịp mình về quê.

Bánh mỳ cay

Bánh mỳ cay Hải Phòng thực chất chỉ là bánh mỳ que dài hơn gang tay một chút, kẹp pate. Nhưng không hiểu sao mình ăn ở khắp nơi mọi chốn mà chẳng chỗ nào ngon được như ở quê mình.

Người ta bảo bánh mỳ cay Hải Phòng đặc biệt ở cái tương ớt rưới lên. Nó là tương ớt rất đặc biệt, dạng lỏng chứ không sánh, được pha theo một công thức rất riêng.

Bát tương ớt đặc biệt

Ở Hải Phòng ăn bánh mỳ cay phải kèm với chè thái. Cốc chè thái chỉ cần đơn giản có bột xanh mà bọn mình vẫn hay gọi là “giun” và nước cốt dừa pha loãng mà lại thơm kinh khủng. Là thức uống thần thánh mát lạnh xoa dịu chiếc lưỡi đang bỏng rát vì cay.

Bánh mỳ cay – chè thái: sự kết hợp hoàn hảo

Mùa thu Hải Phòng là khi lá trên cây ngả vàng rụng xuống, gió bắt đầu thổi và trong cái se lạnh ấy cầm trên tay những chiếc bánh mỳ que nóng hổi, vừa tán dóc với lũ bạn vừa xuýt xoa vì cái vị cay tê đầu lưỡi nhưng gây nghiện của loại tương ớt đặc biệt.

Bánh mỳ cay Bà Già – 57 Lê Lợi

Bánh mỳ cay 2.000 đồng/cái và một cốc chè thái là 10.000 đồng. Cứ ăn thỏa thích đến khi đứng dậy cũng chỉ 25.000 đồng một người là cùng. Siêu siêu rẻ.

Các bạn có thể tìm đến địa chỉ: Bánh mỳ cay Bà Già (57 Lê Lợi) và 37 Đinh Tiên Hoàng

  1. Bánh bèo, bánh gio

Ôi đây là món ăn tuổi thơ nên khi lên Hà Nội bị sốc vì ít người biết đến món ăn thần thánh này.

Nhiều người bảo bánh bèo Hải Phòng giống bánh giò. Xin thưa là nó khác hoàn toàn!

Bánh bèo có phần bánh màu trắng đục như nước gạo, vẫn mềm nhưng chắc chứ không bị nát, lại mang một mùi thơm do được gói bằng lá chuối. Phần nhân là thịt băm xào mộc nhĩ  không được để bên trong bánh mà được phủ một lớp phía bên trên.

Bánh bèo được dùng với một thứ nước mắm ninh với xương ống nên có vị ngọt rất tự nhiên. Khi ăn bạn nhớ vắt thêm quả quất, rắc ít bột ớt và tiêu, cuối cùng đừng quên là rau thơm mà người ta đã thái nhỏ sẵn. Khi đó thứ nước chấm thần thánh mới phát huy hết sức mạnh của nó.

Ngoài bánh bèo, bạn có thể thưởng thức thêm món bánh gio mát lạnh chấm mật mía cực đã cực bắt miệng.

Bánh gio chấm mật mía

Tôi hồi nhỏ thích được bà hay mẹ dẫn đi ăn bánh bèo, bánh gio ở những gánh hàng rong thơm phức trong những con phố nhỏ. Ngồi khép nép trên chiếc ghế gỗ tý hon, tay bưng bát nước chấm mà mắt nhìn ngắm đường xá phố phường. Trong miệng miếng bánh đang tan chảy, ngậy và thơm hòa quyện với vị nước mắm thì thật là thi vị. Đấy, tuổi thơ của tôi là như thế đấy.

Giá của một cặp bánh bèo tùy chỗ cũng khác nhau, dao động từ 8.000 – 25.000 đồng.

Nếu các bạn chăm tìm tòi thì có thể thử bánh bèo gánh ở trong những con ngõ nhỏ như ngõ Lý Tiêm, hoặc ra những địa chỉ nổi tiếng ở Lê Đại Hành, Chu Văn An, chợ Cố Đạo,… rất nhiều.

Tạm thời đến đây đã, còn rất nhiều rất nhiều món ăn ngon – độc – rẻ ở Hải Phòng mà mình muốn giới thiệu. Nếu các bạn có hứng thú thì đừng quên chờ đón phần 2 của foodtour Hải Phòng nhé!


Có thể bạn quan tâm:

Nhâm nhi vị đồ uống Moroc độc đáo lạ miệng tại Rand Moroc & Coffee

Tổng hợp những quán bún chả ngon nhất nhì Hà Nội

[ẨM THỰC CAO BẰNG] – NHỮNG MÓN NGON KHÔNG THỂ BỎ LỠ KHI ĐẾN CAO BẰNG!!

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here