Đã bao giờ bạn nghe kể về Tả Liên Sơn – ngọn núi cao vời vợi kiêu hãnh như sống lưng của loài trâu mộng giữa đất trời Lai Châu?
Một lần chinh phục được đỉnh cao ấy chính là được sống với mây trời, tự do, thoáng đãng. Là cảm giác khi trở về với công việc, tấp nập nơi thị thành sẽ mang trong mình nỗi nhớ da diết và thêm mến thương mảnh đất Lai Châu nguyên sơ của một vùng Tây Bắc.
Cũng bởi vẻ đẹp đa màu sắc và những điều bí ẩn mà Tả Liên mang trên mình nên dãy núi này trở thành một địa điểm rất đáng để trekking một lần trong đời.
Cùng Wecheckin lên chuyến hành trình lạc bước vào “khu vườn cổ tích” trekking Tả Liên Sơn – một trong Top 10 ngọn núi cao nhất tại Việt Nam nhé!
Nội dung chính của bài
1. Một vài thông tin cần thiết trước khi trekking Tả Liên Sơn?
1. Vị trí:
Tả Liên Sơn còn có tên gọi khác là Cổ Trâu nằm tại bản Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Với độ cao 2.996 m, đây được xem là ngọn núi cao thứ 6 tại Việt Nam với nhiều điều thú vị hấp dẫn rất đáng để chinh phục.
Khi đứng trên đỉnh Tả Liên, bạn có thể quan sát được cả thành phố Lai Châu nằm nhỏ bé, khuất mờ dưới phía chân núi.
Khung cảnh hùng vĩ, bạt ngàn như mở ra một khung trời mới bởi người ta có thể lặng ngắm được cả dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, Nhìu Cồ San bảng lảng trong biển mây.
2. Thời gian thích hợp để trekking Tả Liên Sơn:
Nhắc tới Tả Liên Sơn là nhắc đến khu rừng nguyên sinh cùng thảm thực vật vô cùng đa dạng và phong phú. Mỗi mùa nơi đây lại mang một màu sắc rất riêng, có lúc hoa trà rụng trắng lối đi, lá phong đỏ rực cả một con đường, cũng có lúc khu rừng nhuộm thắm một màu xanh tươi mới của cây cối, rêu phong và dương xỉ.
Lạc vào con đường lên tới đỉnh Cổ Trâu mà ngỡ như đang sống giữa cánh rừng cổ tích, trong lành, tinh khôi và chân nguyên đến diệu kỳ.
Nhưng có lẽ khoảng thời gian đẹp nhất để bắt đầu chuyến hành trình trekking Tả Liên Sơn là chừng độ cuối tháng 9, đầu tháng 10 – mùa phong chuyển màu như thay màu áo mới cho cả cánh rừng.
Những ngày sắc đỏ vàng xen kẽ ẩn sau cái mát lạnh, phảng phất mùi nắng, hương dịu của lá rừng tạo một bầu không khí đầy thoáng đãng, bình yên và nhuốm màu hạnh phúc.
Ngoài ra mùa xuân cũng là một thời điểm “khu vườn thực vật khổng lồ” may mắn được điểm xuyết bởi vẻ đẹp của loài hoa đỗ quyên đầy tình tứ và màu sắc.
3. Cách di chuyển từ Hà Nội đến Tả Liên Sơn:
Để có thể bắt đầu hành trình trekking dãy Tả Liên, bạn sẽ phải di chuyển tới xã Tả Lèng. Quãng đường từ Hà Nội đến Tả Lèng tầm 380km, bạn có thể sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển. Ngoài ra để tiết kiệm sức lực, xe khách giường nằm chính là sự lựa chọn an toàn và thuận tiện nhất.
Bên cạnh đó, cung đường Hà Nội – Sapa – Tả Lèng cũng là một cung đường phổ biến và tiện lợi nếu bạn đi bằng xe khách.
Lựa chọn 1: Hà Nội – Thành phố Lai Châu – Bản Tả Lèng
Để thuận tiện về giờ khởi hành, bạn có thể liên hệ tới các nhà xe chạy thẳng từ Hà Nội tới thành phố Lai Châu. Thời gian di chuyển mất khoảng 7 tiếng.
- Nhà xe Ngân Hà: Khởi hành từ bến xe Mỹ Đình theo nhiều khung giờ, giá vé: 300.000 đồng.
- Số điện thoại đặt vé: 1900 7070
Lựa chọn 2: Hà Nội – Sapa – Bản Tả Lèng
Từ thành phố Lai Châu tới bản Tả Lèng, bạn có thể thuê xe ôm hoặc yêu cầu xe khách cho dừng xuống ngã ba vào Tả Lèng trên đường Quốc lộ 4D.
Khoảng cách từ Hà Nội lên Sapa là 310km và có rất nhiều xe khách giường nằm để bạn lựa chọn.
Tên nhà xe | Giá vé | SĐT liên hệ |
Nhà xe Hưng Thành | 200.000 đồng/1 chiều đi | 0243 9900 333 / 090 225 2200 |
Nhà xe Hà Sơn Hải Vân | 250.000 đồng /1 chiều đi | 19006776 |
Sau khi tới Sapa bạn có thể thuê xe máy trực tiếp tại đây rồi di chuyển chừng 80km theo cung đường đèo Ô Quy Hồ qua Bình Lư rồi tới Tam Đường và Tả Lèng.
Đặt chân tới xã Tả Lèng, việc của bạn là cần di chuyển tới chân núi Tả Liên cách đó tầm 10km. Tuy nhiên cung đường này chênh vênh và dốc, không dễ dàng để di chuyển những ngày thời tiết mưa vì thế hãy xem thời tiết trước khi lên đường nhé! Dù biết thời tiết vùng cao là không thể đoán trước nhưng có vẫn hơn không phải không nào?
2. Lịch trình trekking dãy Tả Liên 3 ngày 2 đêm
Tùy vào thể lực, thời gian và điều kiện thời tiết mà bạn có thể rút ngắn thời gian trekking 3 ngày 2 đêm xuống chỉ còn 2 ngày. Nếu đi theo đường mòn thì đoạn đường leo núi Tả Liên cũng không hề có độ khó cao, tuy nhiên để giữ sức và có một chuyến đi an toàn, nhiều trải nghiệm hơn thì lịch trình 3 ngày 2 đêm là tương đối thích hợp và vừa sức.
NGÀY 1: Khởi hành từ trưa ngày thứ nhất và bắt đầu leo, đoạn đường này hoàn toàn là lối mòn mà dân bản thường đi rừng vì thế khoảng tầm 3-4 tiếng là bạn có thể leo đến độ cao 1.900 m. Trên tuyến đường này không có lán trại để nghỉ ngơi, sau khi đạt tới độ cao 1.900m bạn có thể nghỉ đêm tại hang đá mà người dân đi rừng thường trú. Nếu chưa có kinh nghiệm leo núi, để đảm bảo an toàn nhất thì việc thuê Porter dẫn đường là thật sự cần thiết.
Trên cung đường trekking càng vào sâu và lên cao thì cánh rừng già càng trở nên đa dạng và bí ẩn hơn. Trong rừng có hàng trăm, hàng vạn cây cổ thụ xum xuê và xanh mát. Những cây phong chen nhau mọc vươn mình chỉ chờ tới ngày thay lá tô thêm màu sắc cho cánh rừng nguyên sinh.
Đêm ngày thứ nhất này bạn có thể mang sẵn những vật dụng thiết yếu để tránh côn trùng, sự thay đổi của thời tiết và đảm bảo sức khỏe cũng như thể lực để cho ngày hôm sau.
NGÀY 2: Vào sáng ngày thứ 2, để có thể phân bổ tốt thời gian, bạn nên thức dậy sớm từ 5h và ăn sáng đầy đủ cho hành trình chinh phục mốc 2.993m. Những đồ đạc có giá trị không cao bạn có thể để tại điểm nghỉ và chỉ mang theo nước uống, đồ ăn trưa.
Khoảng thời gian thích hợp nhất cho việc lên đỉnh là trước 14h, để khi leo xuống chúng mình quay lại điểm nghỉ trước khi trời tối. Vì thời tiết trên cao tùy địa hình lúc mưa lúc nắng nên mang theo áo mưa cũng là một điều vô cùng cần thiết đó nha!!!
NGÀY 3: Sau 2 ngày 2 đêm chinh phục đỉnh cao thì vào ngày thứ 3 – bạn chỉ mất tầm nửa ngày để trở về điểm di chuyển ban đầu. Thế là chuyến trek của chúng mình hoàn thành trọn vẹn và cũng đầy những kỷ niệm khi được lạc vào khu rừng cổ tích với nhiều điều kỳ thú và xinh đẹp rồi đó!
Bài viết tương tự mà bạn có thể tham khảo:
3. Vẻ đẹp và những điều khi khám phá dãy Tả Liên
Vì địa hình là rừng già nguyên sinh nên chính cái hoang sơ của Tả Liên lại kích thích bao trái tim mê những cung đường trek còn vắng và chưa được biết tới nhiều.
1. Trekking Tả Liên Sơn – khám phá khu rừng “già” phủ xanh màu lá
Nếu đã sống quá lâu giữa thành phố chật hẹp chỉ toàn khói bụi, còi xe,… thì tới với nơi đây, bạn hoàn toàn có thể được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, bầu không khí tươi mát của cỏ cây, hoa lá.
Những cây cổ thụ chen nhau mọc, sinh sôi và thân phủ màu rêu bạc phếch theo từng năm tháng. Thực vật rừng Tả Liên thì vô cùng đa dạng, từ cây già, cây leo cho tới những loài dương xỉ nhỏ bé cũng tự tin mà khoe mình. Là bầu không khí mát lạnh khiến mỗi người lữ hành ngang qua không thể nào mà không nán lại tìm tòi, ngắm nghía lâu thêm chút nữa.
2. Trekking Tả Liên Sơn – chìm đắm trong những mùa hoa cỏ ngạt ngào tinh khôi
Bởi lẽ thảm thực vật ở đây đa dạng nên mùa nào bạn cũng có thể tìm kiếm những điều nhỏ xinh giữa khu rừng hoang vu rộng lớn.
Có khi là màu lá phong tràn trong đáy mắt một màu vàng cam, rực khắp các con đường.
Cũng có khi phải dùng khứu giác mà cảm nhận độ thơm dịu, ngọt ngào của hoa trà giăng đầy khắp lối. Rồi dùng xúc giác mà cảm nhận cái chạm mình của thiên nhiên khi băng qua rừng trúc, từng lá trúc non chạm thật khẽ vào da thịt như muốn níu giữ đôi chân của những vị khách ngang qua chốn này.
3. Một sớm thức dậy ở Tả Liên thấy lòng bình yên đến lạ
Hãy tưởng tượng một sớm tinh khôi tỉnh giấc được lắng nghe âm thanh líu lo của chim muông, tiếng rừng đang vẫy gọi. Chúng mình chào đón ngày mới trong những tia nắng vàng dịu ngọt chiếu xuyên qua từng kẽ lá, ngọn cỏ, nhành cây.
Chúng mình tỉnh giấc thì khu rừng cũng đang bừng sắc căng tràn nhựa sống. Khi ấy hãy hít hà mùi của ngày mới, giữ lại những xúc cảm đặc biệt và bạn biết đấy! Một Tả Liên Sơn mang những điều thú vị đang chờ bạn lên đường và khám phá.
4. Đồ đạc cần chuẩn bị và những lưu ý khi trekking Tả Liên Sơn
Vì độ khó của Tả Liên nằm ở mức ⅘ và điểm cắm trại cũng như nguồn nước còn hiếm và nhỏ hẹp, nên rất cần thiết để chuẩn bị đầy đủ và có những lưu ý cho chuyến trekking Tả Liên Sơn này!
1. Đồ đạc cần chuẩn bị:
- Lều trại, túi ngủ
- Quần áo cá nhân (ưu tiên các loại trang phục thấm mồ hôi và nên mang quần áo ấm vào mùa thu và đông vì nhiệt độ trong rừng thường thấp hơn so với đồng bằng), mũ nón khăn,…
- Giày – bạn nên lựa chọn những đôi giày chuyên để trekking và có độ bám cao để đảm bảo an toàn trong quá trình leo núi.
- Áo mưa, đồ bọc balo, đèn pin,…
- Đồ y tế, các loại thuốc.
- Xịt chống muỗi, côn trùng.
2. Đồ ăn:
- Có thể mang mì gói, lương khô và các loại bánh để ăn sáng, ăn khi mệt,…
- Bữa tối bạn có thể ăn khoai, rau củ quả khó dập, thịt hoặc thịt nguội để bổ sung thể lực,…
- Những thiết bị đun nấu bạn có thể hỏi mượn Porter và bát, đũa, cốc nên mua loại dùng một lần để dễ sử dụng và tránh gây ô nhiễm môi trường.
3. Lưu ý:
Ngoài ra, có một số lưu ý là bạn nên tìm địa điểm gần suối để dễ dàng sinh hoạt, nấu ăn và dựng lều hơn.
Trên đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm trekking Tả Liên Sơn dành cho bạn, hi vọng các bạn sẽ có chuyến đi bổ ích và sớm chinh phục một trong những ngọn núi thuộc Top 10 tại Việt Nam này nhé!
Xem thêm những cung đường trekking thú vị tại Việt Nam:
- Kinh nghiệm trekking Fansipan
- Tour Trekking săn mây trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử
- Trekking Lảo Thẩn – trải nghiệm nên có một lần trong đời
[…] Kinh nghiệm Trekking Tả Liên Sơn (Lai Châu) đầy đủ từ A-Z năm 2019 […]
[…] Kinh nghiệm Trekking Tả Liên Sơn (Lai Châu) đầy đủ từ A-Z năm 2019 […]
[…] Kinh nghiệm Trekking Tả Liên Sơn (Lai Châu) đầy đủ từ A-Z năm 2019TOP 6 địa điểm săn mây ở Sapa cực đẹp mà bạn không nên bỏ quaĐi du lịch Sapa tháng 10 – Mùa săn mây, mùa của những ngày bồng lai tiên cảnh.Phượt Tà Xùa (Bắc Yên) – Địa điểm săn mây lý tưởng cho giới trẻEm Ơi Nếu Mệt Mỏi Quá, Về “Mường Than” Mùa Gặt Bắt Cá Với Anh! var td_screen_width = window.innerWidth; if ( td_screen_width >= 1140 ) { /* large monitors */ document.write(''); (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({}); } if ( td_screen_width >= 1019 && td_screen_width < 1140 ) { /* landscape tablets */ document.write(''); (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({}); } if ( td_screen_width >= 768 && td_screen_width < 1019 ) { /* portrait tablets */ document.write(''); (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({}); } if ( td_screen_width < 768 ) { /* Phones */ document.write(''); (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({}); } […]