Hoàng Thành Thăng Long – Nơi lưu trữ những giá trị văn hóa độc đáo ở Hà Nội

3
7813
Hoàng Thành Thăng Long

Hoàng Thành Thăng Long là khu di tích lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều đại xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử, trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Việt Nam. Hãy cùng Wecheckin tìm hiểu về khu di tích lịch sử này nhé!

Hoàng Thành Thăng Long

1. Hoàng Thành Thăng Long nằm ở đâu?

Hoàng thành là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, kéo dài liên tục qua 13 thế kỷ các vương triều Lý – Trần – Lê – Nguyễn. Nơi đây là minh chứng cho sự giao thoa đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán qua từng thời kỳ.  

Nằm trên địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội, các mặt giáp với những tuyến đường trung tâm thành phố và tòa nhà Quốc Hội. 

Hoàng Thành Thăng Long nằm ở quận Ba Đình

2. Hoàng Thành Thăng Long – Dấu xưa thành Hà Nội

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long có tổng diện tích 18,395ha, bao gồm: Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội: Đoan Môn, Cột cờ Hà Nội, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn.

Trong từng ấy năm lịch sử, Hoàng thành trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng riêng Tử Cấm Thành thì gần như giữ được vẻ nguyên vẹn, chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần tu sửa, xây dựng. 

Các giá trị nổi bật của Hoàng thành không chỉ thể hiện ở những di tích, di vật mà còn lắng đọng ở chiều sâu văn hóa phi vật thể, những giá trị tinh thần vô giá, được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.

Khu di tích lịch sử là minh chứng rõ nhất về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới bao gồm hai cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất của Việt Nam.

3. Các địa điểm thăm quan Hoàng Thành Thăng Long

Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Di tích này bao gồm 2 tầng: tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường; tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần. Khu khai quật cổ học được viện khảo cổ học phân tích chia thành 4 khu có tên: A, B, C, D.

Sinh viên đại học nghe nhà khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông giới thiệu những di tích thời Lý - Trần (Khu A).
Sinh viên đại học nghe nhà khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông giới thiệu những di tích thời Lý – Trần (Khu A). Ảnh: Viện Khảo cổ học (2004).

Tại các khu vực này đều đã phát hiện được rất nhiều các loại hình di tích kiến trúc và di vật có niên đại xen lẫn nhau, chồng xếp lên nhau qua suốt 1300 năm, bắt đầu từ thời Đại La (thế kỷ 7 – 9), qua các thời Đinh – Tiền Lê (thế kỉ 10), thời Lý (1009 – 1225), Trần (1226 – 1400), Hồ (1400 – 1407), Lê sơ (1428 – 1527), Mạc (1527 – 1592), Lê Trung Hưng (1592 – 1789) và Nguyễn (1802 – 1945). 

Trên thế giới rất hiếm khi ở trong thủ đô của một nước mà trong lòng đất còn bảo tồn được một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử, văn hóa dài lâu. Đây là điểm nổi bật, góp phần tạo nên giá trị to lớn của khu di tích.

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội  được xây dựng vào năm 1812 dưới triều Gia Long, có chiều cao 60 mét. Cột cờ gồm có chân đế, thân cột và vọng canh. Chân đế có diện tích là 2007m²,  hình vuông bao gồm 3 cấp thóp dần lên.

Cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội – Biểu tượng hùng thiêng của dân tộc

Mỗi cấp đều có tường hoa với hoa văn bao quanh. Từ mặt đất lên tới chân cấp thứ 2 phải leo 18 bậc tại mặt phía Đông và mặt phía Tây. Muốn từ cấp 2 lên cấp 3 cũng phải leo 18 bậc ở hai cửa hướng Đông và Tây. Cấp thứ 3 có 4 cửa là Đông, Tây, Nam, Bắc, từ cạnh dưới lên tới cạnh trên sẽ phải qua 14 bậc cầu thang.

Đoan Môn

 Đoan Môn là cửa chính phía Nam dẫn vào khu Cấm thành. Dựa vào vật liệu xây dựng và phong cách kiến trúc hiện tại của di tích, có thể khẳng định Đoan Môn được xây dựng vào thời Lê và được tu bổ sửa sang vào thời Nguyễn.

Đoan Môn
Đoan Môn

Đoan Môn nằm ở hướng Nam của điện Kính Thiên, thẳng trục với Cột cờ Hà Nội. Đoan Môn có 5 cổng thành kiểu vòm cuốn bằng đá cân xứng qua trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long.

Cửa giữa lớn nhất, cao 4 mét, rộng 2,7 mét, dành riêng cho nhà vua. Các cửa còn lại cao 3,8 mét rộng 2,5 mét dùng để các quan, hoàng thân quốc thích ra vào cung mỗi khi có lệnh hoặc tham dự các nghi lễ lớn tại điện Kinh Thiên.

Điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.

Điện Kính Thiên

Ngày nay, không gian nơi này đã trở thành một di tích “kép” cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam- di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam.

Nhà D76

Nhà D67 được xây dựng năm 1967, là tòa nhà một tầng có diện tích 604,41m2. Tường và mái bằng bê tông cốt thép nguyên khối mác 400.

Di tích Nhà D67 gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi đây từ tháng 9/1968 đến 30/4/1975,  bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam( từ 1976 là Đảng cộng sản Việt Nam), Quân ủy trung ương và Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân đã tập trung trí tuệ, đề ra các chủ trương chính sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo đưa nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hu Lâu

Là một tòa lầu xây phía sau cụm kiến trúc điện Kính Thiên là hành cung của thành cổ Hà Nội, đây là nơi nghỉ ngơi của các cung nữ trong đoàn hộ tống vua Nguyễn ra ngự giá Bắc thành.

Hoàng Thành Thăng Long là khu di tích lịch sử của kinh thành Thăng Long
Di tích Hậu Lâu

4. Một số lưu ý khi đến Hoàng Thành Thăng Long

  • Thực hiện theo sơ đồ chỉ dẫn tham quan trong khu di tích.
  • Không mang vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy, chất độc hại và những chất có mùi hôi tanh vào khu di tích.
  • Trang phục gọn gàng, lịch sự. Không có những hành vi thiếu văn hóa như : nói tục, chửi bậy, viết vẽ lên tường, lên gốc cây, gây mất trật tự trong khu di tích. Các phương tiện ô tô, xe máy phải để đúng nơi quy định (tại 19C Hoàng Diệu).
  • Có ý thức bảo vệ di tích, di vật; giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Không tự ý trèo cây, bẻ cành, hái quả, dẫm lên thảm cỏ.
  • Đơn vị, tập thể có nhu cầu hướng dẫn tham quan, liên hệ với Phòng Hướng dẫn Thuyết minh để được phục vụ. Các cơ quan, cá nhân có nhu cầu quay phim, dựng phim phải có giấy giới thiệu và được sự đồng ý của lãnh đạo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.
  • Không sử dụng thiết bị bay siêu nhẹ (flycam) tại khu di sản.

Xem thêm:

3 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here