[ẨM THỰC CAO BẰNG] – NHỮNG MÓN NGON KHÔNG THỂ BỎ LỠ KHI ĐẾN CAO BẰNG!!

Bạn có tự tin mình đã trải nghiệm và khám phá hết vẻ đẹp ở Cao Bằng? Vẻ đẹp của thiên nhiên chỉ là một phần. Bên cạnh đó là vẻ đẹp của văn hóa, của con người và cả ẩm thực làm nên vẻ đẹp chung cho vùng đất Đông Bắc này! Hãy cùng wecheckin khám phá ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc ở Cao Bằng nhé :)

0
1962

1. Phở chua Cao Bằng
Nhắc đến đặc sản Cao Bằng chắc chắn không thể bỏ qua món phở chua này rồi. Đây là một món ăn mang đặc trưng rất riêng của Cao Bằng, góp phần làm phong phú cho ẩm thực của các dân tộc miền núi phía Bắc.

Phở chua Cao Bằng. Ảnh: sưu tầm.

Thoạt nhìn thì phở chua trông gần giống như những bát phở trộn ở Hà Nội. Thế nhưng gia vị và nguyên liệu mà người Cao Bằng sử dụng lại đa dạng hơn nhiều. Nó mang đậm nét đặc trưng của quê hương vùng núi.



Nếu đã từng ăn món ăn này, chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi cái vị ngọt mà béo ngậy, lại thêm chút chua cay của nước dùng. Nghe nói rằng người Cao Bằng lấy thứ nước chảy ra bên trong bụng con vịt sau khi quay xong, thêm hành tỏi phi thơm, một chút giấm, đường, tỏi, ớt, mắm và bột báng. Nước dùng nhờ đó có được độ sánh mịn, thơm ngon đậm đà. Sợi phở cũng dày hơn, dẻo và thơm hơn sợi phở truyền thống của Hà Nội.

Ảnh: sưu tầm.

Ăn một miếng phở, húp sùm sụp thứ nước dùng thơm ngon mới là cách thưởng thức phở chua Cao Bằng. Kèm thêm đó là vị ngọt của thịt ba chỉ và khoai tàu (loại khoai củ to, thơm và ngọt chỉ có ở Cao Bằng và Bắc Kạn) thái sợi rán vàng cạnh. Thêm vị tanh đặc trưng của gan lợn cắt mỏng, vị giòn sần sật từ dạ dày lợn rán sau khi đã được làm sạch. Cuối cùng là vị bùi của lạc, mùi thơm mát đặc trưng từ vài ba cọng húng và mùi, thêm vài lát dưa chuột thái mỏng…

Tất cả hương vị và nguyên liệu của Cao Bằng như thể gói gọn hết trong món ăn này.

Phở chua ăn kèm với rau sống. Ảnh: sưu tầm.

Giá cho một bát phở chua dao động từ 20-40.000 đồng. Bạn có thể tìm thấy món ăn này ở bất cứ quán ăn bình dân hay nhà hàng nào ở Cao Bằng.

2. Vịt Quay Trùng Khánh

Cao Bằng nổi tiếng với món vịt quay 7 vị có hương vị đặc trưng khác biệt hoàn toàn với những loại vịt quay khác.

Vịt quay Cao Bằng. Ảnh: sưu tầm.

Vẫn là những chú vịt được tẩm ướp gia vị, da căng bóng vàng ruộm màu cánh gián và thơm ngào ngạt mùi khói than lẫn cùng mùi lá móc mật. Thịt vịt ăn chắc, ngọt, rất mềm nhưng lại không bị bở và dai. Cắn một miếng ngập chân răng, người ta có thể cảm nhận được vị ngọt từ mật ong rừng cùng bị béo ngậy của mỡ vịt.

Nghe nói rằng, món vịt quay 7 vị nức tiếng được làm bằng tất cả tâm huyết của người đầu bếp. Ngay từ khâu chọn vịt đã không đơn giản. Những con vịt được chọn phải là những con to vừa phải, chắc thịt, sáng lông. Sau rất nhiều công đoạn sơ chế, khử mùi hôi mới bắt đầu được đem đi quay.

Đặc biệt nhất ở đây chính là gia vị ướp vịt. Sở dĩ được gọi là vịt quay 7 vị vì người dùng đến 7 loại gia vị đặc trưng ở rừng núi Cao Bằng để ướp vịt. Món vịt quay sau đấy có mùi ngai ngái đặc trưng và chút đắng nhẹ đủ để kích thích vị giác của thực khách.

Đĩa vịt quay rắc thêm hạt vừng. Ảnh: sưu tầm.

Món vịt quay này bạn có thể tìm ở bất cứ nhà hàng vịt nào ở Cao Bằng, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là vịt quay Trùng Khánh. Hãy thử đến một cửa hàng bình dị, gọi một nửa con gà, tay cầm cốc bia và trước mắt là khung cảnh núi non hùng vĩ. Còn gì tuyệt vời hơn?

3. Bánh cuốn Cao Bằng

Gần giống với bánh cuốn bình thường nhưng bánh cuốn Cao Bằng có màu trăng đục chứ không phải trắng tinh. Bánh được làm từ lại gạo “Đoàn Kết”, ăn dẻo và mướt hơn hẳn bánh cuốn vẫn hay ăn ở Hà Nội.

Bánh cuốn Cao Bằng. Ảnh: sưu tầm.

Điểm đặc biệt của món bánh cuốn này nằm ở nước dùng. Bình thường chúng ta vẫn quen ăn bánh cuốn cùng nước mắm nóng, thêm chút giấm và vài ba lát ớt cay. Nhưng người Cao Bằng lại dùng bánh cuốn cùng với nước xương ninh. Vì vậy món ăn này còn được gọi là “bánh cuốn canh”. Nước xương được ninh trong vài giờ đồng hồ và phải đảm bảo là trong không một chút váng mỡ. Người ta thêm vào nước đó hành mùi và một miếng giò lụa là bắt miệng những kẻ sành ăn.

Bánh cuốn canh ăn kèm măng chua. Ảnh: sưu tầm.

Cách thưởng thức món bánh cuốn Cao Bằng là phải ăn nhanh khi cả bánh và nước dùng đều đang bốc hơi nóng nghi ngút và thơm nức. Vừa ăn lại vừa xuýt xoa vì cái vị ngọt của nước hầm xương chẳng có loại mì chính và bột ngọt nào sánh bằng.

4. Bánh trứng kiến

Không biết có ai là tín đồ của những món ăn làm từ côn trùng không? Nếu có thì chắc chắn không thể bỏ lỡ món ăn này khi đến Cao Bằng rồi.

Bánh trứng kiến (tiếng địa phương gọi là Pẻng Rày) được làm từ nếp dẻo giống như bánh dầy với phần nhân là trừng kiến béo ngậy. Bên ngoài chiếc bánh người ta lót một lớp lá vả non để dễ cầm nắm. Thực khách có thể ăn luôn cả lá vả the mát để tránh bị ngấy khi ăn bánh.

Bánh trứng kiến. Ảnh: sưu tầm.

Nếu bạn đang thắc mắc rằng người Cao Bằng làm thế nào để lấy trứng kiến thì câu trả lời là đây. Để có được trứng kiến non, người ta phải lên rừng tìm ổ những loại kiến lành như kiến đen thân nhỏ, đuôi nhọn thường làm tổ trên các loại cây như vầu, nứa hay găng. Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn. Sau khi được rửa sạch, chúng được bắc lên chảo phi với hành khô.

Trứng kiến đen đuôi nhọn. Ảnh: sưu tầm.

Muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang rã nhỏ và một ít kiệu trộn thêm. Phần củ kiệu cũng thái nhỏ, phi chảo thơm rồi cho trứng kiến vào đảo cùng cho đến khi chín.

Bánh trứng kiến lót lá vả non. Ảnh: sưu tầm.

Bánh được bán với giá dao động từ 5000-10.000 đồng/cái tùy từng kích cỡ.

5. Áp chao

Áp chao Cao Bằng. Ảnh: sưu tầm.

Người Cao Bằng nghiện áp chao vào mùa lạnh, cũng giống như người dân thủ đô không thể kiềm lòng trước mùi bỏng mỗi độ đông về.

Bánh với phần vỏ là bột được nhào kỹ với tương, chiên trong chảo ngập dầu cho đến khi ngả màu vàng ruộm. Phần nhân bánh làm từ thịt vịt lọc xương được tẩm gia vị giống như vịt quay rồi cắt nhỏ. Khi ăn bánh nóng hổi, vỏ ngoài giòn và nhân thì bánh béo ngậy mùi vịt.

Áp chao chiên trong chảo ngập dầu. Ảnh: sưu tầm.

Bánh được ăn cùng với nước mắm chua ngọt kèm rau thơm, thêm cả đu đủ bào sợi càng tăng thêm vị đậm đà. Thật là một thứ quà vặt khó cưỡng những ngày mà người ta cứ không ngừng xuýt xoa vì cái lạnh.

Áp chao ăn kèm mắm chua ngọt và đu đủ nạo. Ảnh: sưu tầm.

Trên đây chỉ là một phần rất ít trong số những món ăn làm nên sự phong phú cho ẩm thực của Cao Bằng. Ngoài ra đến với Cao Bằng bạn sẽ thấy trong mâm cơm không bao giờ vắng mặt đĩa rau rừng: rau dạ hến, rêu đá, rau chuối rừng, hoa ban,… Bạn cũng có thể mua rất nhiều đặc sản như lạp xưởng hun khói, miến dong đen, bánh khảo, hạt dẻ Trùng Khánh,… về làm quà cho bạn bè và người thân của mình nữa! Hy vọng các bạn có thể khám phá hết ẩm thực của Cao Bằng nhé!

Có thể bạn quan tâm:

“CHÁY MÁY” VỚI NHỮNG ĐỊA ĐIỂM CHECK IN Ở CAO BẰNG ĐẸP HÚT HỒN DU KHÁCH

“CHÁY MÁY” VỚI NHỮNG ĐỊA ĐIỂM CHECK IN Ở CAO BẰNG ĐẸP HÚT HỒN DU KHÁCH

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here