Nội dung chính của bài
1. Thác Bản Giốc
Nơi chắc chắn phải đặt chân đến đầu tiên ở Cao Bằng chính là đây – thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Viêt – Trung thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.
Sở dĩ ai cũng nói: Cao Bằng đẹp nhất vào khoảng tháng 8-9 và tháng 11-12 đều có lý do cả. Tháng 8 Cao Bằng hút khách du lịch nhất vì đó là thời điểm nước đổ về thác nhiều nhất.
Từ phía xa cách mấy trăm mét đã nghe thấy tiếng thác đổ ào ào dũng mãnh. Khi đến gần lại mãn nhãn với sự hùng vĩ nhưng cũng mềm mại tuyệt đẹp. Nước từ trên cao chảy xuống như những dải lụa trắng mượt mà, cứ xuôi theo ghềnh đá rồi đổ xuống, tung bọt trắng xóa.
Phía bên dưới dòng sông nước trong vắt tạo cảm giác vô cùng thư giãn cho du khách.
Phải trực tiếp trải nghiệm, trực tiếp ngắm nhìn con thác lớn này bạn mới hiểu những giây phút đầu tiên mình chỉ có thể đứng ngây ngốc mà ngắm nhìn vẻ đẹp ấy – Một vẻ đẹp vừa hoang sơ mà lại vừa hoàn mỹ đến lạ lùng!
À quên, giá vé cho một lần chiêm ngưỡng kiệt tác của thiên nhiên dành tặng Cao Bằng này cũng “hạt rẻ” lắm: 20.000 đồng cho người lớn và 10.000 đồng cho trẻ em thôi.
2. Động Ngườm Ngao
Cách thác Bản Giốc 3km, nằm sâu trong một ngọn núi thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.
Đây cũng là một kiệt tác của thiên nhiên khi được hình thành nhờ sự phong hóa của đá vôi qua hàng triệu năm. Động có chiều dài 2144 mét gồm 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn; được đánh giá là một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam.
Vào trong hang cảm nhận đầu tiên là mát, mát lạnh. Thi thoảng vọng lại từ những góc khuất có tiếng nước nhỏ tí tách từ những nhũ đá xuống chỗ nước đọng. Những ai thích khám phá về địa chất và lịch sử hẳn sẽ không thể bỏ qua hang động này.
Giá vé tham quan Động Ngườm Ngao là 30.000 đồng/người lớn và 15.000 đồng/trẻ em.
3. Khu du lịch sinh thái – di tích lịch sử Pác Bó
“Pác Bó hùng vĩ
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là,
Đây suối Lê nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.”
Chắc hẳn ai cũng biết Pác Bó là nơi đầu tiên mà vị chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân trở về sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đây cũng là nơi gắn bó với lịch sử kháng chiến của quân đội Nhân dân Việt Nam.
Không chỉ là vị trí địa chiến lược quan trọng, Pác Bó còn là nơi có cảnh sắc đặc biệt hữu tình. Nơi đây là một thiên đường xanh: xanh của núi Lê nin, suối Các mác,… Ai nghĩ đây từng là nơi ẩn náu bàn việc nước của những người anh hùng vĩ đại? Cảnh sắc ở Pác Bó như thể là chốn an yên vỗ về những tâm hồn nhiều suy tư.
Dạo qua một vòng, nhà tưởng niệm Bác Hồ, hang Cốc Bó – nơi Bác Hồ đã sống và làm việc. Rồi hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài, hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, lán Khuổi Nặm. Đến núi Các Mác, suối Nậm, bàn đá nơi diễn ra những cuộc bàn bạc cách mạng,… Phải đi hết mới cảm thấy tự hào về một bản hùng ca lịch sử của đất nước ta.
Đến đây rồi, ta mới cảm được hết những vần thơ Bác viết trong thời kỳ ở Pác Bó:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời Cách Mạng thật là sang.”
Một thời gian khổ, khó khăn nhưng dường như chẳng là gì cũng một phần do sự an ủi từ vẻ đẹp của núi sông.
4. Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục là điểm dừng chân đầu tiên của tuyến du lịch cụm phía đông Công viên địa chất Non nước Cao Bằng gồm các huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa. Nằm trên tuyến Quốc lộ 3 thuộc xã Quốc Toản (Trà Lĩnh), con đèo này nổi tiếng với sự hiểm trở và cảnh đẹp hiếm nơi nào sánh bằng.
Để đi qua con đèo này bạn phải là một phượt thủ giàu kinh nghiệm. Đèo Mã Phục chính là sự thách thức đối với những người đam mê chinh phục tự nhiên với 7 khúc cua hiểm trở uốn lượn theo triền núi. Một bên đèo là vách đá vôi dựng thẳng đứng. Bên còn lại là vực sâu với những khe núi hẹp.
Cái tên Mã Phục gắn liền với một truyền thuyết vẫn hay được người dân Cao Bằng truyền từ đời này qua đời khác. Vào khoảng giữa thế kỷ XI, thủ lĩnh của người Tày là Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân địa phương chống quân Tống xâm lược. Trong một lần tuần tra biên giới trở về qua địa phận xã Quốc Toản thì gặp con đèo quanh co. Ngựa của Nùng Trí Cao khi ấy đã thấm mệt không thể bước tiếp được nữa đã ngã khuỵu. Từ đó, dãy núi được đặt tên là án Lại và đèo được đặt tên là Mã Phục (ngựa quỳ).
Từ trên đèo nhìn xuống thấy những dãy núi san sát nhau. Gió khẽ chạm vào da mặt, qua lưng, qua kẽ tóc rồi sà xuống lung lay những tàu lá chuối phía chân đèo. Non nước hữu tình từ đây có thể cảm nhận rõ.
5. Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen thuộc huyện Trà Lĩnh, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 50km. Nơi đây được mệnh danh là “Tuyệt Tình Cốc” của Cao Bằng.
Thang Hen trong tiếng Tày có nghĩa là “đuôi ong”. Nhìn từ xa mới thấy hồ có hình dáng giống như đuôi một con ong vậy nên người dân nơi đây đặt tên cho hồ là “Thang Hen”.
Điều làm khách du lịch say đắm ở đây là nước hồ trong, phẳng như gương và xanh tự nhiên màu ngọc bích. Xung quanh hồ bao phủ một màu xanh của lá cây rừng, của cành liễu điệu đà ngày ngày rủ mình soi bóng.
Nơi đây thích hợp cho những chuyến dã ngoại cùng gia đình, bạn bè. Bạn có thể mang đồ ăn nhẹ, ngồi bên hồ, vừa thưởng thức đồ ăn vừa thưởng thức cảnh đẹp. Ngoài ra vì nằm ở vị trí tách biệt nên đây còn là nơi nghỉ ngơi cực kỳ yên tĩnh. Mặt hồ phẳng lặng, gió thổi nhè nhẹ và từ xa vẳng lại tiếng leng keng từ những chiếc chuông trên cổ mấy chú trâu đi làm đồng.
Tháng 8-9 Cao Bằng đến thời kỳ đẹp nhất. Còn chần chừ gì nữa mà không “xách ba lô lên” và đi tiễn mùa hè ngay bây giờ? Những địa điểm check in in tuyệt đẹp tại Cao Bằng đã sẵn sàng để chào đón bạn!
Có thể bạn quan tâm:
Khám phá Châu Đốc -Mảnh đất yêu thương của miền Tây Tổ Quốc, miền đất đi là để nhớ !
The Local House – giữa mảnh đất hoa vàng trên cỏ xanh có một homestay xinh xắn và bình yên
S:House homestay Nha Trang S là Sea, là Sun, là smile, là simple… LÀ NHÀ !
Tháng 8 mùa thu chạm ngõ – Hàng Phong đầu tiên của đường phố Hà Nội đang chuyển màu lá đỏ !
[…] và cảnh sắc. Đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm góc Đà Lạt mini này khi có dịp du lịch Cao Bằng […]