“Hạ nhẹ nhàng đi, Thu khẽ khàng gõ cửa/ Hà Nội mùa vàng mơ mộng biết bao nhiêu.”
Hà Nội cuối cùng cũng bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Chính là mùa thu với nắng vàng, trời xanh và gió heo may nhè nhẹ. Mùa thu thổi tình vào cuộc sống xô bồ, vào tâm hồn vốn trước nay lắm bộn bề, vào cả những món ăn mộc mạc, dân dã. Vậy thì, nhân một ngày thu đẹp như vậy, tại sao bạn không ngồi xuống, cùng wecheckin nhâm nhi những món ngon mùa thu Hà Nội nhỉ!
Nội dung chính của bài
1. Cốm
Nhắc đến đặc sản mùa thu, đặc biệt là thu Hà Nội thì không thể không nhắc đến cốm. Một năm có đến 2 – 3 mùa lúa, nhưng người ta vẫn không thể lý giải tại sao mùa cốm cuối tháng 9 lại đặc biệt ngon và dẻo đến vậy. Có lẽ bởi nó được kết tinh đúng vào cái tiết trời đẹp nhất trong năm. Khi bầu trời cao và trong xanh vời vợi, nắng vẫn còn nhưng chẳng gắt, và gió đem hương thổi vào từng hạt lúa non.
Lại nhớ đến những lời đầy hoa mỹ mà nhà văn Thạch Lam viết về cốm: “Cốm là thức quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam.” (Trích “Một thứ quà của lúa non: cốm” | Hà Nội băm sáu phố phường)
Để làm ra cốm xanh thượng hạng, nhất định phải thu hoạch lúa non, bấm ra sữa, đúng lúc đúng thì. Thêm nữa, công đoạn làm cốm tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Hạt lúa đem rang lên chảo nóng sao cho vừa nở chín mềm mà không quá lửa, vỏ trấu vừa tróc. Sau khi cốm nguội, công đoạn giã cốm bắt đầu. Không những giã để cốm tróc vỏ mà còn phải giã đến khi cốm dẻo dính mới đạt.
Cầm trên tay nắm cốm xanh được bọc trong lá sen thơm thanh khiết nhâm nhi, ấy chính là thú vui tao nhã của người Hà Thành mỗi độ thu về. Hương vị của cốm là hương vị mộc mạc mà quen thuộc vô cùng. Người bắc còn lấy chuối tiêu chấm cốm để ăn. Còn trong Nam, cốm thường được trộn cùng nước cốt dừa thơm béo ngậy, hay cơm dừa nạo sợi nặn thành những phần vừa ăn.
Ngoài ra cốm còn được chế biến thành vô vàn món ăn, thậm chí là thức uống khác nhau. Đến Hà Nội vào tháng 9, nhất định hãy thử chả cốm, cốm xào, bánh cốm và uống sữa dừa cốm xay nhé! Đảm bảo cốm thơm ngon và dẻo hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Địa chỉ cốm ngon nổi tiếng nhất Hà Nội là Cốm làng Vòng, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Giá tham khảo: 260.000 – 300.000 đồng/kg
2. Bánh đúc nóng – Món ngon mùa thu Hà Nội
Thời tiết Hà Nội vào thu đặc biệt được mong chờ nhất trong năm bởi những cơn gió se lạnh khiến con người ta cảm thấy dễ chịu. Mà cơ thể dễ chịu thì làm gì cũng thoải mái. Đến cả vị giác cũng sẽ được kích thích, khiến ta thèm những món ăn nóng thơm ngon. Chính vì thế, bánh đúc nóng chính là món ăn được ưa chuộng nhất vào thời gian này!
Bánh đúc nóng là một hình thức đặc biệt trong họ hàng nhà bánh đúc. Nhìn sơ qua thì có vẻ giống cháo bột trẻ em, thế nhưng bánh đúc không loãng, cũng không đặc hẳn. Nó keo lại thành một thể thống nhất, sền sệt và kết dính với nhau. Đến khi chan nước dùng ngọt thanh mà bánh vẫn không hề bị loãng.
Một bát bánh đúc nóng không thể thiếu thịt băm mộc nhĩ, hành khô và rau mùi. Vị ngậy từ bánh, ngọt từ thịt băm, mùi thơm của hành phi và rau mùi khiến bát bánh đúc đậm đà hơn bất kỳ. Tất cả hòa quyện tạo thành một hương vị khó cưỡng.
Tùy từng hàng bánh đúc lại có một công thức “bí mật” cho món ăn của mình. Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào cũng không thể phủ nhận rằng bánh đúc nóng là món ăn sinh ra là để dành cho tiết trời dịu mát của thu Hà Nội.
Ở Hà Nội, bạn có thể tìm đến số 8/8B Lê Ngọc Hân, C4 tập thể Trung Tự, Phạm Ngọc Thạch, 296 Minh Khai hay 28 Hàng Bè,… để thưởng thức bánh đúc nóng ngon. Giá cho mỗi bát dao động từ 15.000 – 30.000 đồng
3. Bánh giò
Người anh em cực kỳ “hợp rơ” với bánh đúc nóng chính là bánh giò. Bộ đôi này mà ăn vào bữa xế chiều thu thì ăn ý khỏi bàn: ấm nóng mà nhẹ bụng.
Bánh giò có hình chóp. Gạo làm bánh là gạo tẻ, được khuấy và đánh thật mịn. Nhân bánh bao gồm thịt nạc vai băm nhỏ, xào với mộc nhĩ, hạt tiêu và hành tím thơm phức. Thế rồi người ta dùng lá chuối tây để gói bánh. Nhìn cấu tạo của chiếc bánh giò tưởng dễ nhưng để gói thành hình và đều tăm tắp thì cũng phải học và quen tay.
Ngày xưa, người ta chỉ cần bóc vỏ ra là có thể thưởng thức luôn món bánh giò nóng hổi. Bây giờ, để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, người ta còn cắt thêm xúc xích, giò lụa, thậm chí chả cốm,…rồi rưới thêm tương ớt tùy sở thích của từng người.
Tương tự, trước đây muốn bán bánh giò chỉ đơn giản bằng quang gánh mộc mạc, ngồi bên vỉa hè ăn 5 phút là xong cái bánh. Bây giờ có quá nhiều cửa hàng chuyên bán bánh giò ngon ở Hà Nội để bạn có thể đến thưởng thức. Các hàng bánh giò nổi tiếng ở Hà Nội phải kể đến phố chợ Nghĩa Tân, Thụy Khuê, Đông Các. Giá mỗi chiếc bánh khoảng 10.000 – 30.000 đồng.
4. Sấu chín dầm/lắc – Món ngon mùa thu Hà Nội
Hà Nội mùa này sấu chín chưa em?
Hàng me Sài Gòn đang vào mùa thay lá
Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá
Nhớ mùa sấu rụng phố Tràng Thi
Đầu thu Hà Nội, ra đường là bắt đầu thấy la liệt những gánh hàng rong bán sấu chín. Món từ sấu chín cũng chẳng đa dạng, tính ra cũng chỉ có mỗi… sấu chín dầm. Ai có sở thích độc lạ hơn thì ăn luôn sấu chín gọt vỏ thôi.
Sấu non, sấu xanh thì kéo dài cả một mùa. Người ta còn có thể ngâm sấu, giữ sấu xanh trong tủ để bảo quản. Nhưng sấu chín thì không thế. Sấu chín đủ độ là phải ăn ngay thì mới đúng vị, đúng cái chất chua ngọt nhẹ, thanh thanh của quả sấu gọi thu về.
Những quả sấu chín vàng, bên ngoài vỏ có rám màu nâu, nhìn thôi đã thấy hấp dẫn rồi. Cái vị chua gắt của quả sấu xanh biến mất, thay vào đó là vị chua nhẹ có xen lẫn chút ngọt. Khi ấy, người bán hàng sẽ dùng dao cạo sạch lớp vỏ, rồi khía một vòng tách hết phần ruột khỏi hạt, để lộ ra lớp thịt sấu dày dặn..
Sấu chín dễ ăn hơn nhiều. Lại cho thêm ít đường, ít muối, ít ớt bột…, xóc nhè nhẹ cho các gia vị ngấm đều, len lỏi vào từng miếng sấu nữa thì tuyệt vời. Cái hương vị chua dịu hoà quyện trong đường trong muối, ăn vẫn giòn giòn, lại có thêm vị mặn mặn, ngọt ngọt, cay cay kích thích vị giác, nghe thôi đã thèm chảy nướng miếng.
5. Chả rươi
“Tháng 9 ăn rươi tháng 10 ăn nhộng”
Ở Hà Nội, mỗi khi thấy tiết trời se lạnh, những hàng bán hoa quả đi rong ngoài phố chở theo những quả quýt hôi thì thì có nghĩa, mùa rươi đã bắt đầu rồi, chứ chưa cần phải nghe rõ tận tai cái âm thanh của người bán rươi đi dọc phố: “Ai múa rưới ra múa”. Tiếng rao với những âm sắc địa phương không lẫn vào đâu được.
Thời điểm này, tính theo giá thị trường, giá rươi dao động từ 450.000-550.000 đồng/kg. Nghĩa là để có một đĩa rươi thì người nội trợ trong gia đình phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Từ rươi, người ta chế biến được khá nhiều món nào chả rươi, mắm rươi, kho, hấp, xào với củ niễng… Tuy nhiên, món ngon mùa thu Hà Nội được ưa chuộng nhất vẫn là chả rươi.
Cách làm chả rươi không có gì phức tạp cả. Rươi mua về rửa sạch rồi chần qua nước nóng già để rụng bớt chân rồi để ráo. Thịt nạc vai băm nhỏ, vài miếng vỏ quýt (phải là quýt hôi thì mới nhiều tinh dầu và thơm) thái sao cho thật nhỏ, trộn đều với thì là, hành hoa (nhiều nơi, chả rươi nhất định phải có lá gấc thái nhỏ) rồi đập thêm 1-2 quả trứng tùy theo sở thích của mỗi người mà lượng trứng nhiều hay ít. Tất cả những thứ đó đem trộn đều với rươi, trước khi rán đừng quên nêm chút nước mắm ngon, một ít hạt tiêu, một vài lát ớt tươi. Bắc chảo lên bếp, chờ mỡ già rồi để nhỏ lửa, múc từng thìa hỗn hợp trên đổ vào chảo rán. Cứ để lửa riu riu thế mà rán khi nào vàng đều hai mặt thì vớt ra ăn nóng.
Ở Hà Nội, khi mà trời không còn se lạnh mà bắt đầu chuyển sang rét ngọt, người ta lại rủ nhau đi ăn chả rươi ở Ô Quan Chưởng, Gia Ngư, Lò Đúc hay dốc Hòe Nhai. Nhớ ăn đúng mùa mới có thể cảm nhận được độ tươi ngon của rươi nha!
6. Hồng ngâm – Món ngon mùa thu Hà Nội
Nếu bạn để ý kỹ sẽ thấy, không mâm cỗ rằm tháng 8 nào của người miền Bắc lại thiếu hồng.
Sang tháng 9 âm, hồng vẫn còn được bày bán rất nhiều, trong đó không thể thiếu giống hồng ngâm, quả nhỏ nhỏ xinh xinh nhưng ăn vô cùng “chất”. Dường như sự ngọt ngào của những cái nắng vàng mua thu kết tinh trong trái quả ấy, để ai thưởng thức rồi cũng mê say.
Hiện nay, hồng ngâm có nhiều loại, tuy nhiên giống hồng ngâm loại quả nhỏ này có nguồn gốc từ Cao Bằng, Bắc Kạn và một số tỉnh phía Bắc. Hồng ngâm vào vụ bắt đầu khoảng tháng 8, tháng 9 và rộ nhất khoảng tháng 10 dương lịch. Hiện tại, đi bất cứ con phố, ngõ ngách nào của Hà Nội, bạn cũng sẽ bắt gặp những gáng hàng rong, những quầy hoa quả đều bán loại quả này. Cứ đến vụ thu hoạch, hồng được người ta hái xuống, ngâm với nhiều kỹ thuật, bí quyết riêng, cho ra những quả có thịt vàng ươm, giòn ngon, hấp dẫn.
Quả hồng ta ngâm thường nhỏ, mẫu mã không đẹp, núm quả có nhiều đốm đen. Khi bổ hồng ngâm phần núm cứng, sắc vàng cam, ăn có vị ngọt sắc. Bên ngoài quả có nhiều ngấn dọc từ thân quả xuống. Hồng ngâm ngon thường có hình tim.
Hồng ngâm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện thị lực, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Cùng với cốm, sấu chín và ổi xanh, hồng ngâm là một trong những món ngon mùa thu Hà Nội.
Có Thể Bạn Quan Tâm: