Lào Cai – Mừng Quốc Khánh Giữa Đêm Văn Bàn

0
1273

Dịp đại lễ 2.9 nghỉ tận 4 ngày đang chưa biết làm gì cho có điểm “nhấn” thì bác hàng xóm cùng khu rủ đi hiking trên Văn Bàn Lào Cai. 

Vốn dĩ là đã có ý định ở lại Hà Nội mấy ngày này rồi vì sợ tắc đường nhưng ông bạn cùng phòng đang thích cái cờ nhíp gì mà Gái xinh vùng cao trổ tài uống rượu bản khiến anh em cực sốc nên nghe rủ rê liền ô kê liền. Thôi thì em cũng đành hùa theo… Ông bà dạy rồi: Đội chồng trên đầu trường sinh bất diệt đấy ạ. 

Chuyến đi kéo dài 3 ngày 2 đêm và em tự nhủ: Sau chuyến đi nhất định phải viết gì đó để lưu lại những khoảnh khoắc này và lan toả thêm về cái gọi là du lịch sinh thái, cái gọi là trở về với thiên nhiên…

Thôi em bắt đầu chủ đề chính ngay đây.

Nhắc đến Lào Cai ai cũng nghĩ ngay đến Sapa, Bắc Hà, Bát Xát, Y Tý, Kỳ Quan San… chứ ít ai nghe kể về Văn Bàn.

Không phải Văn Bàn không đẹp, không chất, mà Văn Bàn vẫn còn là viên ngọc ẩn mình ít người biết đến.

Lối vào Dần Thàng
Tạo hoá khéo xếp đặt hay do bàn tay người lao động tạo nên kỳ tích?
Văn Bàn Lào Cai
Non nước Văn Bàn hữu tình

I. Hành trang:

Quần áo: Các chị em cứ chọn quần áo sáng màu và sặc sỡ chút, lên ảnh auto đẹp. Vì lên vùng cao và cũng phải đi bộ nhiều nên ưu tiên những bộ đồ rộng rãi thoải mái. Số lượng thì tuỳ theo nhu cầu của thân chủ nhé. Đêm thứ 2 ngủ tại lán giữa đồng không mông quạnh nên mình cũng mang theo đồ dài tay và áo khoác mỏng đề phòng đêm lạnh

Túi ngủ hoặc chăn mỏng 

Một số đồ dùng cá nhân khác: thuốc xịt côn trùng, thuốc dị ứng, đau bụng, urgo, dầu gió…

Lên mạng search một số thông tin về Văn Bàn để đỡ bỡ ngỡ trước chuyến đi: 

Văn Bàn nằm giữa hai dãy núi lớn là dãy núi Hoàng Liên Sơn ở phía Tây Bắc và dãy núi Con Voi ở phía Đông Nam. Tới 90% diện tích là đồi núi cao còn lại 10% là địa hình thung lũng bồn địa.

Nơi cao nhất thuộc xã Nậm Chày, cao 2875m; thấp nhất thuộc vùng hạ lưu của suối Chàn, 85m.

  • Phía đông giáp huyện Văn Yên (Yên Bái)
  • Phía nam giáp huyện Mù Cang Chải (Yên Bái)
  • Phía tây giáp huyện Than Uyên và huyện Tân Uyên (Lai Châu)
  • Phía bắc giáp thị xã Sa Pa, huyện Bảo Thắng và huyện Bảo Yên (Lào Cai)

Văn Bàn gồm 12 dân tộc: Kinh, Tày, Mông, Dao, Giáy, Thái, Nùng, Mường, Hoa, Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì. Đông nhất là dân tộc Tày (chiếm hơn 50% dân số).

Vì trong đoàn có bác leader dày dặn kinh nghiệm địa phương nên các thành viên còn lại chỉ cần chuẩn bị khăn gói quả mướp và xuất phát đúng giờ. Còn lại đã có trưởng đoàn lo tất tần tật nơi ăn chốn ở cho rồi.

Giờ thì xuất phát…

II. Văn Bàn Say Ngủ

Ngày 1: Dần Thàng Bội Thu

Đoàn bắt đầu xuất phát từ Hà Nội lúc 9.15 phút và gần 5 tiếng di chuyển bằng ô tô để đến thị trấn Khánh Yên, Huyện Văn Bàn.

Ngày đầu tiên chúng tôi ăn nghỉ tại Nhà Khách UBND Huyện Văn Bàn. Nhà khách khá rộng rãi, sạch sẽ với giá cả vô cùng hợp lý: giá dao động từ 200k-400k tuỳ từng loại phòng và ngày lưu trú. 

Chúng tôi có ba bữa ăn tại nhà khách. Đồ ăn bản địa đặc sắc, tươi ngon, và vô cùng đầy đặn nhé. Món nào cũng đầy ú ụ.

Bạn tham khảo một số món mà đoàn mình đã order dưới đây: 

thực đơn ăn tối tại nhà khách ubnd huyện Văn Bàn
Đặc sản lẩu cầy bia lạ miệng và ngon đáo để (Thực đơn buổi tối cho đoàn 15 người lớn)
thực đơn ăn tối tại nhà khách ubnd huyện Văn Bàn
Món dê sốt vang ăn kèm bánh bao lần đầu tiên mình được thưởng thức (thực đơn buổi tối cho đoàn 10 người lớn)

Cá nhân mình thì vẫn mê mẩn với mấy món rau bản địa nơi đây: rau gai xào trứng, măng bói giòn ngọt, cà gai xào tỏi…

Liên hệ:

Sau khi ăn trưa, đoàn nghỉ ngơi một lúc và 3.30 bắt đầu di chuyển vào Dần Thàng để kịp ngắm hoàng hôn. 

Đường vào khá dễ đi, và cảnh vật hai bên xanh mướt với nào ngô, nào sắn. Mê mẩn nhất vẫn là những thửa ruộng bậc thang vàng óng và dòng suối, con đường uốn lượn quanh co như dải lụa. 

Những đồi sắn bạt ngàn xanh mượt trên đường vào Dần Thàng
Những đồi sắn bạt ngàn xanh mượt trên đường vào Dần Thàng

Ngẫm thấy Mẹ Thiên Nhiên thật có con mắt và bàn tay tạo hoá kì diệu. Đến những viên đá cuội đặt đúng nơi cũng toát lên cái hồn, cái thi vị thực sự.

Ruộng bậc thang Dần Thàng
Nhiều thửa ruộng bậc thang ở Dần Thàng đã được thu hoạch, và người dân đang đốt rơm rạ chuẩn bị cho vụ mới

Đoàn tìm một điểm nơi các ruộng bậc thang đã được gặt xong. Đám trẻ con thì tách thành một đội đi lội ruộng, thăm lán. Còn bậc phụ huynh thì set up một góc cà phê ngồi chill với nhau giữa lưng chừng đèo. 

Ruộng bậc thang đang gặt ở Dần Thàng
Một thửa ruộng đang được thu hoạch

Hạnh phúc nhất vẫn là đám trẻ con trong đoàn. Một lán nghỉ đơn sơ cũng đủ cho chúng có mục tiêu để chinh phục, băng qua các gốc rơm rạ và sình bùn.

nhấm nháp chút cà phê
Nhấm nháp chút cà phê đắng

Buổi tối đoàn về lại nhà khách ăn uống nghỉ ngơi. 

Văn Bàn về đêm yên tĩnh và trong lành. Ngay cạnh nhà khách có công viên xanh và hồ điều hoà, bạn có thể đi dạo hít thở không khí trong lành nơi đây và ngồi nhâm nhi cốc nước mát lạnh quanh hồ. 

Ngày 2: Nậm Chày Hương Sắc

Chia tay thị trấn Khánh Yên, đoàn khởi hành tới điểm đến chính của chuyến trải nghiệm lần này: Nậm Chày.

Nậm Chày đang mùa lúa chín. Hương sắc ngào ngạt. 

Nậm Chày
Cặp bố mẹ dũng cảm nhất đoàn

Đi qua những thửa ruộng lúa nếp, chúng tôi dừng lại hít thở căng lồng ngực hương thơm khó cưỡng này. Bất giác nhớ về Hà Nội. Mùa này ở Hà Nội cũng đang vào mùa Cốm.

Đoàn đi sâu vào trong các thửa ruộng bậc thang và dừng chân tại một lán ven suối. Anh chủ của lán tên Tiến, người dân tộc Dao nhiệt tình và hăng hái đón tiếp đoàn. Anh còn là tay lái lụa mà bất kì anh zai thành phố nào nhìn cách anh đánh võng trên con wave qua các thửa ruộng đều phải trầm trồ.

Số điện thoại a Tiến chủ lán: Đang cập nhật
lán trại cạnh suối
Một màu xanh xanh, một màu vàng vàng

Đến lúc này, không ai bảo ai, lũ trẻ con trong đoàn ùa xuống suối và hét hò hầm ĩ. 

Nước suối trong vắt, mát lạnh. Mới đặt chân xuống bất giác rùng mình, phải một lúc mới quen được. 

Vậy là đoàn lại tách làm hai đội.

Chúng tôi đã có những giây phút thư giãn, trải nghiệm với đúng nghĩa “trở về với thiên nhiên”. Xung quanh không ồn ả xô bồ. Chỉ có tự nhiên làm bạn.

Chân dung một cô giáo tạm thời rời xa thành phố
Nậm Chày
Hoàng hôn Nậm Chày vàng như mật

Đoàn đặt ăn tối tại nhà anh Phây – phó chủ tịch xã, cũng là người dân tộc Dao. Lúc đoàn đến, mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi. Ai cũng đói nên tắm vội và ngồi xuống “diệt mồi” ngon lành.

Các món ăn bản địa ngon khó cưỡng với nguyên liệu hầu hết đều do gia đình tự nuôi trồng.

Ăn tối
Ngon hết nước chấm luôn

Trước khi về, chúng tôi còn hẹn vợ anh một số gà và măng để mang về Hà Nội làm quà. Gà đồi tuy nhỏ nhưng được nuôi hoàn toàn tự nhiên nên thịt mềm thơm và ngọt. Măng bói cây nào cũng mập ú, xào hay luộc đều số dzách.

Số điện thoại chị: Đang cập nhật

Hơn 9h tối, đoàn di chuyển lại vào trong lán để nghỉ ngơi. Với hầu hết các thành viên trong đoàn thì đây là lần đầu tiên trải nghiệm ngủ đêm trên lán giữa những thửa ruộng bậc thang. Đám trẻ con còn kháo nhau: liệu tối nay có chó sói hay sư tử không nhỉ? Liệu lán có mát như phòng điều hoà không?

Lán đêm Nậm Chày
Chúng tôi gọi đùa nhau đây là ngọn đèn giữa trời đêm

Cả một ngày vận động không ngừng, các thành viên nhí vẫn hăng say nhảy nhót cho đến lúc ngủ gục trên ghế ngoài ruộng mới chịu vào lán đi ngủ. Lúc này các bậc phụ huynh mới có không gian thực sự giành cho mình. Quây quần quanh đống lửa, nhấm nháp chút bia, chút rượu, và cười hả hê quanh những câu chuyện không đầu không cuối.

Đêm tối Nậm Chày
Chất thêm chút bình yên – Gói lại bằng tình duyên (Đen)

Màn đêm Nậm Chày cứ thế dần qua. Các nương lúa say ngủ trong bản nhạc rỉ ra của lũ côn trùng. Dưới kia suối vẫn róc rách chảy nghe mát rượi. Cả đoàn đi ngủ và không cần đặt chuông báo thức như thường nhật.

Ngày 3: Nậm Chày Trong Trẻo

Tia nắng trong trẻo sáng sớm xuyên qua vách gỗ đánh thức mọi người dậy. Sáng nay, người lớn không phải vội vàng chuẩn bị bữa sáng và hô hoán bọn trẻ con dậy như mọi ngày. Sáng nay, lũ trẻ con không phải lo đến trường cho kịp giờ vào lớp. Sáng nay là một sáng kì lạ.

Trong ngần và thảnh thơi.

Người lớn nán lại thưởng thức chút cà phê sáng. Đám trẻ nhóm tranh thủ tắm suối lần nữa, nhóm đào đất làm bẫy rất hăng say.

Đến khoảng 10h, đoàn bắt đầu thu dọn đồ đạc và di chuyển ra ngoài để về thị trấn Khánh Yên. Kết thúc một chuyến trải nghiệm eco tuyệt vời.

Dẫu vẫn có những cuộc cải vã tranh giành của bọn trẻ. Dẫu vẫn có những bất đồng của người lớn. Dẫu vẫn có những xây xước da thịt… Nhưng trên hết chúng tôi đều có những tái tạo mới, kết nối mới, cuộc sống thêm một gam màu mới và hứa hẹn những chuyến đi mới.

Hành quân khi trời nhá nhem tối

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here