Hòa Bình nổi tiếng với phong cảnh núi rừng, thiên nhiên thơ mộng, nhiều địa danh đẹp. Trong đó, đặc sản Hòa Bình là một trong những dư vị đáng nhớ nhất khiến du khách mê mệt quên lối về. Hãy cùng wecheckin thưởng thức những món ăn đậm vị núi rừng nhé!
Nội dung chính của bài
1. Đặc sản Hòa Bình – Cơm lam
Món cơm lam có ở rất nhiều nơi từ người Mường, người Tày, người Thái,… đều có loại cơm này. Nhưng, Hòa Bình vẫn nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm ngon nổi tiếng.
Ống cơm lam của Hòa Bình nhỏ hơn ống cơm lam ở các tỉnh miền núi khác như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng,…Cơm lam Hòa Bình không có hạt lạc, có mùi thơm đặc trưng của dừa và nước cốt dừa.
Người Thái ở Mai Châu làm cơm lam bằng cách bỏ gạo nếp vào trong ống tre và nút lại bằng lá chuối khô. Đốt một đống lửa to, đợi có than rồi bắt đầu xếp ống cơm lên. Trong lúc nướng phải xoay ống thật đều để cơm được chín ngon. Cơm lam có thể ăn kèm với thịt gà, măng chua, thịt nướng,…nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng.
2. Thịt lợn muối chua
Món thịt lợn muối chua của người Mường ở Hòa Bình được dùng trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi, đãi khách quý trong nhà. Điều ấn tượng đầu tiên khi du khách thưởng thức món thịt muối chua này là người ăn phải dùng tay cuốn thịt với lá đi kèm để hương vị được hòa quyện. Có nhiều loại lá có thể ăn kèm, mỗi loại đều có tác dụng tốt cho sức khỏe như: trầu không, lá mít, lá quế,…
Người ta chọn miếng thịt ba chỉ ngon từ những con lợn choai, được nuôi thả rông. Thái miếng, ướp với muối và riềng khô được giã nhỏ, trộn với rượu nếp cáo và men lá rừng sao cho thật ngấm. Sau bóp với thính được làm từ gạo rang rồi giã nhỏ.
Tẩm ướp thịt xong thì đem đi ủ thịt. Người ta ủ thịt trong chiếc bồ lót lá chuối, xong treo bồ thịt lên bếp củi đun ủ một đến 2 tuần.
Thịt lợn muối chua khi ăn có vị ngậy của thịt, vị thơm của thính, vị chua của men rừng và vị mặn của muối. Nhiều người khi ăn miếng đầu tiên chưa quen vị lá rừng nhưng khi thưởng thức đến miếng thứ 2 lại muốn ăn thêm miếng nữa.
3. Đặc sản Hòa Bình – Thịt trâu lá lồm
Thịt trâu lá lồm là đặc sản của người Mường mà du khách nào đến đây cũng muốn thử một lần vị sự nổi tiếng của món ăn.
Thịt trâu lá lồm là món ăn đơn giản nhưng mang nét đặc sắc bởi lá lồm. Thịt trâu được cạo sạch, bung cho mềm, thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất cho chín rồi giã lá lồm, thêm một ít gạo tấm bỏ vào nồi hầm thịt trâu. Khi gạo tấm chín, nở thì cũng là lúc thịt trâu ngấm gia vị và vị chua của lá lồm. Khi ăn, vị chua của lá lồm đã đánh tan vị ngậy của thịt, miếng thịt chín nhừ quấn lấy gia vị thơm lừng, ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên được hương vị độc đáo của món đặc sản Hòa Bình này.
4. Xôi nếp nương Mai Châu
Xôi nếp là món ăn thay cơm khá phổ biến của vùng cao Tây Bắc, trong tiếng Thái gọi là “kháu càng nòi” – có nghĩa là gạo dẻo thơm. Đến Mai Châu, thưởng thức xôi nếp do chính bàn tay của người phụ nữ Thái làm mới cảm nhận được hết vị ngon.
Để nấu xôi được ngon, người Mai Châu phải chọn những loại giống nếp được trồng chính trên những thửa ruộng bậc thang của thung lũng và trải qua những công đoạn tỉ mỉ. Gạo sau khi được ngâm nhiều giờ, người ta sẽ cho lên đồ và đồ 2 lần. Lần thứ nhất đủ chín, đảo đều; lần thứ hai khiến xôi mềm và dẻo.
Thưởng thức món xôi nếp nương có thể ăn kèm cùng với gà nướng hay thịt lợn xiên que, cá nướng hay đơn giản hơn là với muối vừng là đã ngây ngất rồi.
Người dân thường nấu xôi vào mỗi dịp lễ Tết, hội Lồng Tồng hay các dịp đặc biệt khác.
5. Gà nấu măng chua
Món gà nấu măng chua là món ăn quen thuộc trong các gia đình ở Hòa Bình. Những củ măng sau khi được lấy từ rừng về sẽ thái nhỏ, ngâm với nước trong vòng một ngày để hết vị đắng, hăng. Sau đó, rửa sạch măng và ngâm với muối đến khi lên men, nước măng chuyển sang màu đục và có vị chua đặc trưng. Măng chua ở Hòa Bình được muối bằng nước suối nên có thể bảo quản được hàng năm mà không bị nổi váng.
Gà nấu măng là loại gà đồi nên thịt săn, chắc và thơm. Người ta làm sạch gà rồi chặt thành miếng nhỏ, ướp một chút gia vị và măng chua cho ngấm. Sau đó, phi hành thơm rồi cho thịt gà và măng chua vào đảo cho săn lại. Thêm chút nước ngập thịt gà, đun nhỏ lửa đến khi gà chín mềm, tỏa hương thơm. Điều tạo nên đặc trưng cho món ăn đó chính là hạt dổi với vị hăng, thơm làm cho món ăn càng trở nên hấp dẫn.
6. Chả cuốn lá bưởi
Chả cuốn lá bưởi là món ăn cổ truyền của người Mường. Món ăn có vị thơm đắng hơp với sở thích của người miền núi. Món ăn được sử dụng hàng ngày trong bữa ăn của gia đình, mùa đông thì tăng ấm; mùa hè thì tăng mát.
Để có được món ăn ngon, đẹp mắt, đòi hỏi người làm phải khéo léo, có kỹ thuật cao. Người nướng phải biết điều chỉnh nhiệt độ của than, củi sao cho hợp lí, làm sao để miếng chả có thể chín đều nhưng lá bưởi không bị cháy xém.
Khi ăn sẽ cảm thấy vị ngon, vị đắng nhặng của lá bưởi, vị béo của thịt. Nên ăn chả cuốn lá bưởi khi còn nóng, để nguội sẽ không được ngon nữa.
7. Đặc sản Hòa Bình – Rượu cần
Rượu cần là loại rượu không thể thiếu trong gia đình người Mường ở Hòa Bình. Loại rượu này dùng để tiếp khách, uống trong đám cưới, mừng nhà mới, lễ Tết,…
Rượu cần được lên men từ lá rừng nghiền nhỏ, rồi trộn với tinh bột để tạo men, sau đó cho vào vò, phủ một lớp trấu để ủ. Khi uống, đổ nước đun sôi để nguội vào bình. Khi uống, mọi người ngồi quây quần bên nhau để thưởng thức vị êm, nồng, dịu ngọt của rượu cần với những điệu hát thay lời chúc mừng khách quý đến bản Mường mạnh khỏe, hạnh phúc.
Hãy đến và tận hưởng những hương vị trong từng món ăn đặc sản Hòa Bình bạn nhé!