Ăn Gì Ở Tây Nguyên? – Độc Đáo Ẩm Thực Miền Đất Đỏ (Phần 2)

1
3124

Tiếp tục quay trở lại với chuyên mục Ăn Gì Ở Tây Nguyên? Hãy tiếp tục cùng wecheckin tìm hiểu nét độc đáo trong ẩm thực Tây Nguyên phần 2 nhé! Chắc chắn rằng có những món ăn lạ từ tên đến hương vị bạn sẽ chẳng thấy được ở đâu khác đâu.

7. Phở khô Gia Lai

Phở khô Gia Lai - Ẩm thực Tây Nguyên
Phở khô – Món ăn độc đáo nhất định bạn phải thử khi ghé thăm Gia Lai

Món ăn này đặc biệt bởi phần bánh phở và nước dùng tách riêng tùy theo sở thích của thực khách. Một phần phở khô bao gồm phở, nước dùng và nhiều loại rau ăn kèm. Bên cạnh các nguyên liệu chính giống nhau, hương vị phở khô ở mỗi vùng miền sẽ có hương vị đặc trưng tùy thuộc vào loại rau và bí quyết nấu nước dùng.

Về hình thức, sợi phở khô không giống như sợi phở truyền thống của miền Bắc mà giống sợi hủ tiếu. Chính vì đặc điểm này mà sợi phở khô săn và dai hơn món phở thông thường. Khi thực khách gọi món, người đầu bếp sẽ chần phở qua để món ăn không bị dai hay vón cục. Chần phở đúng cách cũng là yếu tố quyết định để có một tô phở ngon.

Phở khô Gia Lai - Ẩm thực Tây Nguyên
Vì phần phở và nước dùng để riêng nên món ăn này còn được gọi là “Phở hai tô”

Thịt gà và thịt bò là hai nguyên liệu chính của món phở khô. Món ăn sẽ thiếu đậm đà nếu thiếu hành khô, lạc và rau sống. Khi thưởng thức món ăn, thực khách sẽ cho thêm tương ớt, xì dầu, tương đen tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Nên lưu ý đừng bỏ qua gia vị tương đen khi ăn phở khô, tuy có chút ngọt nhưng vẫn giữ được vị mặn của nước tương. Mùi thơm của tương, vị cay của tương ớt, cộng thêm hương vị riêng biệt của ngò gai, húng quế, giá đỗ tạo nên một bát phở khô kích thích thị giác, khứu giác và cả vị giác của người ăn.

Phở khô Gia Lai - Ẩm thực Tây Nguyên
Ăn kèm với rau sống thanh mát, trộn đều lên là có thể thưởng thức món

Quan trọng không kém bánh phở là phần nước dùng. Bát phở ngon phải trong và có vị ngọt nhẹ từ nước hầm xương hay nước luộc thịt gà. Bí quyết để có nước dùng trong là người đầu bếp phải vớt bọt liên tục. Mỗi cửa hàng khác nhau sẽ có công thức nấu nước dùng riêng. Nồi nước dùng thành công phải đảm bảo không nhạt nhưng không mặn hay ngọt sắc. Người ăn có thể chan vào bánh phở hoặc để nguyên, vừa ăn phở vừa xì xụp nước dùng và tấm tắc khen.

Phở khô Gia Lai - Ẩm thực Tây Nguyên
Một phần phở khô đầy đủ

Vì phần phở và phần nước để riêng nên phở khô còn được mọi người gọi vui là món “phở khô hai tô”. Dù phổ biến và là đặc sản ẩm thực Tây Nguyên nhưng Pleiku, Gia Lai mới là “vùng đất tổ” của món phở khô đúng hương vị và hợp không gian nhất. Mỗi tô phở khô thường có giá 35 nghìn đồng.

Các bạn có thể ghé qua địa chỉ Phở khô nổi tiếng ở Gia Lai là Phở khô Hồng – 22,24 Nguyễn Văn Trỗi, Hội Thương, Pleiku, Gia Lai (Giờ mở cửa: 05h00 – 14h00)

8. Heo rẫy nướng – ẩm thực Tây Nguyên

Sở dĩ gọi là heo rẫy bởi đây là loại heo được chăn thả tự nhiên trong rẫy, rừng chứ không nuôi nhốt như các loại heo khác. Cũng chính vì được chăn thả tự nhiên, vận động nhiều mà heo rẫy thường có lớp da mỏng và đặc biệt rất ít mỡ. Được thả tự nhiên, tự kiếm ăn nên thịt heo rẫy rất chắc và mềm ngọt, cũng chính vì thế đặc sản này luôn luôn hấp dẫn thực khác, và ai đến đến Kon Tum nếu biết, cũng đều muốn thưởng thức một lần.

Heo rẫy nướng nguyên con - Ẩm thực Tây Nguyên không thể bỏ lỡ!
Heo rẫy nướng nguyên con – Ẩm thực Tây Nguyên không thể bỏ lỡ!

Người dân ở Kon Tum thường chế biến heo rẫy thành hai món ăn thuộc hàng hảo hạng gồm có heo rẫy nướng muối ớt và heo rẫy nướng cao nguyên nức tiếng. Với món heo rẫy nướng cao nguyên thì thịt heo rẫy sẽ được làm sạch, chặt nhỏ để xiên qua các thanh tre sau đó đem nướng trên than hồng. Tất nhiên sẽ không thể thiếu công đoạn tẩm ướp cũng đòi hỏi sự cầu kỳ đến từng chi tiết. Muốn có món heo rẫy nướng ngon thì nguyên liệu để tẩm ướp cần khá nhiều loại gia vị gồm có củ nén, gốc mùi, ngò gai, ớt, sả,..

Heo rẫy nướng nguyên con - Ẩm thực Tây Nguyên không thể bỏ lỡ!
Lớp da heo bên ngoài khi quay vẫn giữ được màu vàng óng bắt mắt

Để lớp da heo bên ngoài khi quay vẫn giữ được màu vàng óng bắt mắt thì những người nướng heo rẫy thường phết lên một lớp hỗn hợp nước so-da cùng mạch nha, nước cốt chanh. Cuối cùng than hồng sẽ được đốt lên và tiếp hành nướng thịt heo rẫy. Khi chín, thịt heo rẫy tỏa mùi thơm béo đặc trưng quyện cùng mùi gia vị tẩm ướp trước đó, lớp mỡ mỏng sẽ cháy tan để lại lớp da chín giòn cùng lớp thịt nạc béo ngậy, ăn không ngán.

9. Bún đỏ Đăk Lăk

Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng bún đỏ với bún riêu hay canh bún ở miền Nam, nhưng bún đỏ Buôn Mê mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên.

Bún đỏ Đăk Lăk - nét độc đáo trong ẩm thực Tây Nguyên
Tô Bún Đỏ đầy đặn vô cùng bắt mắt

Nước dùng của bún được ninh từ xương với nước cua, tạo nên một vị ngọt thanh mát, đậm đà. Điểm nhấn quan trọng trong nồi nước dùng là gạch cua với thịt ba chỉ xay, hành củ băm nhỏ trộn với hạt tiêu được nặn thành từng bánh nhỏ nấu chung với nước dùng. Thêm vào đó là trứng cút đã bóc vỏ.

Bún dùng để nấu là loại bún sợi to như sợi bánh canh. Để tạo nên màu đẹp mắt, người ta dùng một nồi nước pha hạt điều rồi trụng bún khoảng vài phút là có sắc đỏ tự nhiên. Bát bún đỏ qua bàn tay khéo léo của người chế biến trở nên hấp dẫn với những sợi bún mềm, dai, màu nâu của riêu cua, màu hồng của những viên chả, màu trắng nõn nà của trứng chim cút… Rau ăn kèm không phải là rau, giá sống như những món bún khác mà là rau đã chần sơ gồm cải ngọt, giá, cần.

Bún đỏ Đăk Lăk - nét độc đáo trong ẩm thực Tây Nguyên
Sợi bún to được trụng qua nước hạt điều để có màu đỏ bắt mắt

Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị Tây Nguyên. Người dân ở đây đặt tên cho món ăn theo màu đỏ của sợi bún. Nhưng không chỉ có vậy, hương vị đậm đà hòa quyện cùng sợi bún dai đỏ mới là thứ gây lưu luyến dài lâu cho thực khách từng được thưởng thức món quà miền đất đỏ này.

Khắp phố phường Buôn Ma Thuột, đâu đâu cũng thấy quán bún đỏ. Món ăn vỉa hè hết sức bình dị thường không được bán sáng, các quán chỉ bắt đầu mở hàng từ tầm chiều về khuya để phục vụ thú ăn vui, ăn vặt của những người lao động bình dân nơi phố thị. Bún đỏ rất rẻ, chỉ khoảng 15.000 – 20.000 đồng là đủ phủ phê, thỏa mãn.

Bún đỏ Đăk Lăk - nét độc đáo trong ẩm thực Tây Nguyên
Khó lòng cưỡng lại sự hấp dẫn từ tô bún đỏ Đăk Lăk

Khó ai có thể gọi tên được sự đặc biệt của bún đỏ, bởi lẽ món ăn ấy là sự biến tấu, pha trộn hài hòa của nhiều đặc sản quen thuộc khác, một chút dư vị bún riêu, thoảng bóng dáng bánh canh,…chỉ duy nhất sợi bún màu đỏ au là có đôi phần khâc lạ. Nhưng những hương vị vay mượn ấy đều là chắt lọc lấy cái tinh túy nhất, khiến món bún đỏ tự thân vẫn mang nét duyên thầm rất riêng mà khó lẫn.

Sợi bún dùng trong món bún đỏ rất lớn, tựa loại sợi dùng bánh canh, cỡ bằng chiếc đũa, vị giòn dai. Nguyên liệu làm bún không làm nên màu đỏ của  sợi bún mà phải qua công đoạn “nhuộm màu” hết sức độc đáo. Người ta nhúng bún vào nồi nước dùng được pha hạt điều, để màu nhuộm tự nhiên ấy ngấm đều vào từng sợi bún, tạo nên màu đỏ gạch đẹp mắt.

Địa chỉ bún đỏ ngon: Bún Đỏ Thu – Phan Đình Giót, Tự An, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk (Giờ mở cửa: 17h00 – 23h00)

10. Rau rừng Gia Lai – Ẩm thực Tây Nguyên

Rau rừng (hay còn gọi là rau lủi) là một đặc sản của vùng Gia Lai được nhiều người biết đến trong thời gian gần đây. Nó là một loại rau dân dã nhưng vị ngon rất đặc biệt, ngọt, mát, thơm, hấp dẫn vị giác.

Rau rừng (rau lủi) Gia Lai
Rau lụi luộc chấm mắm cua là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm người Gia Lai

Rau rừng vốn là đặc sản chỉ có ở vùng rừng Trà My (Quảng Nam), được sử dụng từ thời bộ đội Trường Sơn dùng làm thực phẩm chống đói. Rau rừng Gia Lai trồng khá rộng rãi nên ở đâu cũng có, mùa nào cũng có, nhưng ngon nhất vào đầu mùa mưa, khi cây nảy những đọt non xanh mướt, bóng lưỡng.

Rau rừng ngon ở độ giòn, dù có nấu quá lửa thì vẫn không bị nát. Cách chế biến ngon nhất là luộc hoặc xào tỏi, chấm với mắm cua (mắm làm từ cua đồng giã nát, lọc xác vắt lấy nước rồi phơi nắng) màu nâu đất ánh sắc vàng gạch, mặn mòi.

Món rau rừng từng được mang ra “thí nghiệm” với tất cả các loại nước chấm, kể cả muối tiêu chanh, nhưng không có loại nào vượt qua được mắm cua. Người Gia Lai xa quê lên cơn nghiền rau rừng vẫn phải nhờ người quen để gửi vài bó rau theo đường hàng không để ăn cho đỡ thèm.

Rau rừng (rau lủi) Gia Lai
Rau rừng xào tỏi – Ẩm thực Tây Nguyên

Rau rừng đã có mặt cả trong các siêu thị ở Pleiku, được bán với giá khoảng hơn 30.000 đồng/kg. Riêng mắm cua thì không dễ kiếm, lại khó mang theo nên được thay bằng nước mắm kho quẹt kiểu Nam bộ, tuy không đúng chất rừng nhưng cũng chấp nhận được.

Người dân Gia Lai coi rau lủi là một loại rau quý. Bởi rau vừa tác dụng làm thực phẩm nhiều dinh dưỡng vừa có tác dụng như vị thuốc. Rau lủi có một vị đặc trưng, nó mang vị ngọt thanh mát của núi rừng, kích thích vị giác và đặc biệt tạo cảm giác thoải mái nơi cổ họng. Rau lủi có thể chế biến được nhiều loại món ăn như nấu canh với tôm, xào hoặc luộc đơn giản như nhiều loại rau thông thường khác.

11. Bún cua thối

Nghe tên của món này đã nói lên tất cả về nguyên liệu cũng như mùi hương của nó rồi. Nguyên liệu của món ăn là cua đồng, có điều cua sẽ không giã nấu tươi bình thường, mà sau khi khi giã, lọc lấy nước, người ta sẽ ủ trong 1 ngày đêm để hỗn hợp lên men và có mùi thì mới mang ra nấu. Và vì thế nước dùng của món bún này có màu đen vô cùng đặc trưng.

Bún cua thối - Ẩm thực Tây Nguyên
Bún cua thối – nghe thì ghê nhưng lại được rất nhiều thực khách ưa thích

Một tô bún cua thối đơn giản chỉ là một nắm bún nhỏ, ít măng, chan xâm xấp nước dùng cua, rồi thêm tóp mỡ hành phi, da heo khô. Dọn kèm bún sẽ là rau sống và trứng vịt om trong nồi nước dùng nếu bạn có nhu cầu. Ngoài ra chủ tiệm cũng thường dọn thêm chả ram, chả, nem chua để thực khách có thể ăn thêm. Các ăn bún cua thối nêm ớt, chanh rồi trộn rau sống thưởng thức. Nếu ăn kèm nhiều rau sống thấy nhạt, bạn có thể thêm mắm nêm vốn luôn để sẵn trên bàn.

Bún cua thối - Ẩm thực Tây Nguyên
Một phần bún cua đầy đủ ăn kèm với

Trộn một ít rau sống, vắt chanh, thêm ớt… đấy là cách thưởng thức bún cua thối đúng chuẩn. Nhờ sự hòa quyện của cái chua chua, cay the nồng nàn này mà tôn lên “mùi thơm” đặc trưng của món ăn. 

Nếu can đảm bỏ qua những nỗi nghi ngại về hình thức lẫn mùi vị, bạn sẽ nhận được một trải nghiệm vô cùng mới lạ. Điểm nhấn của món ăn nằm ở cái mằn mặn của nước dùng hòa lẫn trong miếng thịt béo béo hay chả dai giòn. Vừa cho vào miệng, mùi “thơm” đã vội xộc lên nhưng từ từ dung hòa bằng chút cay the tinh tế. Tuy món ăn gây nhiều tranh cãi vì độ nặng mùi nhưng phải công nhận bún cua thối đã góp phần tạo nên sự đặc sắc cho nền ẩm thực Tây Nguyên. 

Địa chỉ bún cua thối ở Gia Lai: Số 2 Phùng Hưng (Chợ nhỏ), Pleiku, Gia Lai.

Đi một vòng mới thấy ẩm thực Tây Nguyên có rất nhiều món ăn độc đáo đúng không? Nếu các bạn còn biết những món ăn độc lạ hơn hãy comment cho chúng mình ở phần bình luận nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Một ví dụ điển hình cho ẩm thực Pleiku chính là món Bún Cua Thối (Bún Cua Thúi). Món ăn mà nghe cái tên thôi đã khiến cho thực khách phải e dè. Nhưng trái ngược với cái tên có phần “đáng sợ” của nó, đây là đặc sản nổi tiếng của phố núi khiến cho nhiều người mê mẩn!!
Thật ra thì cách làm bánh mướt giống y sì chả khác gì bánh cuốn. Nhưng khi ăn bánh mướt Nghệ An lại nhận ra được một hương vị rất riêng không tìm thấy được ở bánh cuốn mà tôi gọi là “vị xứ Nghệ”. 
Cũng giống như người Hà Nội chuộng phở bò, người Hải Phòng yêu thích bánh đa cua, thì người Quảng coi món mỳ của họ như một món ăn không thể thiếu hàng ngày...

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here