Ăn Gì Ở Tây Nguyên? – Độc Đáo Ẩm Thực Miền Đất Đỏ (Phần 1)

2
3029

Tây Nguyên – mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió, nổi tiếng bởi hình ảnh cồng chiêng và những ngôi nhà rông của người Ê Đê. Nói về ẩm thực thì mỗi một vùng miền lại có một đặc trưng riêng, vậy hãy cùng wecheckin tìm hiểu đặc trưng nền Ẩm thực Tây Nguyên thông qua những món ăn đặc biệt ở nơi đây nhé!

1. Gà nướng Bản Đôn

Gà Nướng Bản Đôn - Ẩm thực Tây Nguyên
Món gà nướng ở đâu cũng có nhưng món gà nướng Bản Đôn lại khiến người ta nhớ mãi

Gà nướng thì ở đâu cũng có, nhưng để món gà nướng Bản Đôn này trở thành một món ăn độc đáo của ẩm thực Tây Nguyên thì quan trọng nhất là thịt gà, rồi đến cách chế biến.

Điều khiến món gà nướng Bản Đôn trở nên đặc biệt

Gà được chọn phải là gà thả vườn chính hiệu, chủ yếu ăn thức ăn rơi vãi, côn trùng… Sau khi làm xong, người ta để nguyên con, có thể dần cho bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và ít mật ong rừng. Lưu ý một điều sả được giã nhỏ rồi chỉ lọc lấy nước. Nước sả càng nhiều thì thịt nướng càng thơm ngon. Con gà thường được kẹp vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than. Cứ vài phút xoay trở một lần cho đến khi thịt chuyển sang màu vàng, tươm mỡ bóng nhẫy. Thoạt nhìn cũng đủ cồn cào dạ dày.

Gà nướng Bản Đôn có màu vàng ruộm ngon mắt - Ẩm thực Tây Nguyên
Gà nướng Bản Đôn có màu vàng ruộm ngon mắt

Cách nướng gà này gần như giữ lại được trọn vẹn hương vị ngọt, bùi tự nhiên của thịt. Cùng với đó, gà được nuôi trên cao nguyên, thịt chắc và thơm, vô cùng kích thích.

Cách ăn món Gà nướng

Để ăn gà nướng Bản Đôn chuẩn vị thì phải chấm với muối ớt hoặc muối sả. Dù là loại muối nào cũng phải được giã với ớt rừng xanh. Loại ớt này ăn giòn thơm, rất hấp dẫn. Nếu ăn gà nướng kèm với những thanh cơm lam chín dẻo mềm thì lại càng ngon hơn.

Trong những buổi chiều se lạnh ở núi rừng, được quây quần bên bếp lửa giữa nhà sàn. Vừa nhẩn nha thưởng thức món gà nướng thơm ngon đậm đà, vừa uống chén rượu cần bên bếp lửa bập bùng – thực sự là mỹ vị trong cuộc sống bận rộn thường ngày.

2. Bánh ướt thịt nướng Buôn Mê Thuột

Bánh cuốn Buôn Mê không được cuốn sẵn giống bánh cuốn Thanh Trì ở Hà Nội hay bánh cuốn Huế. Muốn thưởng thức món bánh cuốn miền đất đỏ này, du khách phải tự cuốn bánh của mình.

Bánh ướt thịt nướng Buôn Mê Thuột - Ẩm thực Tây Nguyên
Bánh ướt thịt nướng Buôn Mê Thuột

Bột bánh là điều quan trọng trong món bánh này. Bột ngon thì bánh mới ngon. Sau khi lựa chọn gạo một cách kỹ lưỡng, gạo được say ra, ngâm chua. Người ta còn thêm một vài gia vị rồi tráng nóng khi có người ăn gọi.

Bánh ướt thịt nướng Buôn Mê Thuột - Ẩm thực Tây Nguyên
Muốn ăn món bánh cuốn này bạn phải tự mình cuốn bánh
Bánh ướt thịt nướng Buôn Mê Thuột - Ẩm thực Tây Nguyên

Thưởng thức bánh cuốn Buôn Mê

Tiếp đến là công đoạn tự mình gói ghém và xoay vần với miếng bánh. Gắp một chút dưa leo, một chút xoài, một miếng dưa chua và rau thơm. Đừng quên thứ quan trọng nhất là miếng thịt nướng đã ngay ngắn trên miếng bánh trắng tinh nhé! Cứ thế tùy theo sự khéo tay, thực khách sẽ có một miếng bánh tròn trịa xinh xắn hay chỉ gói tạm để kịp thỏa mãn cơn thèm đã đến đầu môi. Tất cả vị chua, giòn, thơm, bùi và cay cay khiến cho món ăn không ngán mà rất vừa miệng.

Bánh ướt thịt nướng Buôn Mê Thuột - Ẩm thực Tây Nguyên

Nước chấm có thể là mắm nêm hoặc nước mắm chua ngọt tùy vào khẩu vị của mỗi người. Thưởng thức đến đâu gọi thêm bánh ướt mới tráng nóng hổi đến đấy, tạo nên cảm giác thòm thèm.

3. Nhộng sâu muồng Tây Nguyên

Nhộng sâu Muồng là ấu trùng của loài sâu trên cây muồng, có màu xanh như lá cây nên bạn phải nhìn kỹ mới phân biệt được. Loài cây này thường được trồng để cây tiêu bám vào. Còn loài sâu này chỉ ăn lá muồng nên nông dân không phun thuốc trừ sâu, chờ đến khi chúng đóng kén thì thu hoạch. Vạch một lá muồng, dễ dàng bắt được 5-7 con nhộng múp míp.

Nhộng sâu muồng chỉ có 1 mùa/năm - Ẩm thực Tây Nguyên
Nhộng sâu muồng chỉ có 1 mùa/năm

Chế biến những con nhộng sâu Muồng

Cũng giống như nhộng tằm, bạn có thể chiên, xào, lăn bột, luộc hay thậm chí ăn sống. Chúng có vị bùi béo đặc trưng của các loại ấu trùng sâu. Nên chế biến khéo léo, cho gia vị hoặc rau thơm vì món này rất dễ gây ngấy. Trước đây, chỉ người địa phương mới biết đến nhộng sâu muồng. Sau đó, vì số lượng quá nhiều nên họ đã phân phối đi nhiều nơi để tiêu thụ. Đầu mùa, giá 1 kg khoảng 20.000 đồng. Cuối mùa tăng lên thành 50.000 đồng/kg nếu bạn mua ở Tây Nguyên. Tuy nhiên khi về đến các quán nhậu ở Hà Nội hay Sài Gòn thì một đĩa nhộng có giá tầm 180.000 đồng/kg.

Sâu muồng xào lá chanh - món ăn dân dã nổi tiếng ở Đăk Lăk (Ẩm thực Tây Nguyên)
Sâu muồng xào lá chanh – món ăn dân dã nổi tiếng ở Đăk Lăk

Ngoài ra, người ta còn bắt cả sâu muồng về chiên giòn làm món nhắm hay món ăn chơi. Nhộng sâu muồng có nhiều nhất ở Đăk Lăk, chỉ xuất hiện khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, thời tiết thuận lợi để sâu đóng kén. Tháng 6 vào hè, chúng sẽ phá kén trở thành bướm. Vì vậy, đây là thời điểm lý tưởng để thử thách với món ăn độc đáo này.

4. Cá lăng sông Sêrêpốk

Con sông Sêrêpôk ở Đắk Nông đóng góp khá nhiều cho nền ẩm thực Tây Nguyên. Ở đó có một loại cá lăng không chỉ quý hiếm mà khi được chế biến lại có mùi vị thơm ngon, hấp dẫn. Cá lăng không phải một loại cá hiếm. Nhưng đi dọc Việt Nam vẫn không thể nào tìm ra được hương vị khác lạ, thanh khiết như món cá lăng nơi đây.

Con cá lăng khổng lồ mà ngư dân đánh bắt được ở sông Sêrêpốk - Ẩm thực Tây Nguyên
Con cá lăng khổng lồ mà ngư dân đánh bắt được ở sông Sêrêpốk.

Cứ độ vào đầu mùa mưa, người dân nơi đây cùng nhau đẩy thuyền độc mộc ra sông để kéo lưới bắt cá. Bạn không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy những con cá lăng to lớn nặng khoảng ba bốn chục cân hai ba người khiêng mới xuể. Những con cá ấy được người dân bán cho thương lái, phần cá con còn lại thì đem đi chế biến thành những món ăn ngon, nếm thử rồi là “nhớ đời” luôn đấy nhé!

Lẩu cá lăng - Ẩm thực Tây Nguyên
Lẩu cá lăng

Một số món ăn từ cá Lăng

Một số món ăn nổi tiếng được chế biến từ cá lăng tại Đắk Nông như: cá lăng hấp xì dầu, cá lăng nướng, lẩu cá lăng hay cá lăng om chuối… Ngoài ra còn rất nhiều món ngon không tài nào có thể liệt kê ra cùng một lúc được. Điều đặc biệt trong bất kỳ món ăn nào thì cái vị ngon ngọt, beo béo và thanh khiết ở thịt cá lăng cũng đều được giữ lại chứ không bao giờ mất đi.

Cá Lăng om chuối - Ẩm thực Tây Nguyên
Cá Lăng om chuối
Cá Lăng nướng - Ẩm thực Tây Nguyên
Cá Lăng nướng

Nhiều du khách khi đã thưởng thức qua các món ăn được làm từ thịt cá lăng luôn tỏ vẻ yêu thích và trầm trồ ngợi khen. Khi đặt chân đến nơi này, nhất định trên bàn nhậu phải có mồi từ món cá lăng thì cuộc vui mới trọn vẹn. Một số người dân cho biết “cá lăng tuy quý thật nhưng nó không hiếm, vì muốn ăn có thể ra sông Sêrêpôk để bắt về“. Đúng như lời nói ấy, đi dạo một vòng quanh con sông lúc nào cũng xuất hiện những hình bóng của lồng cá được giăng khắp nơi như một trận đồ bát quái, cho ta nhiều xúc cảm đặc biệt.

5. Gỏi lá Kon Tum

Trong khi tìm hiểu thông tin hành trình cũng như những món ăn đặc trưng của ẩm thực Tây Nguyên đầy nắng gió, tôi thấy có rất nhiều người nói rằng: “Vào Tây Nguyên, nhất định phải tới Kon Tum, mà đã tới Kon Tum thì chắc chắn phải ăn món gỏi lá…”. Đúng như tên gọi, thành phần chính của món gỏi lá chỉ toàn lá và lá. Thời điểm nhiều nhất vào khoảng tháng 4 âm lịch khi có tới hơn 56 loại lá khác nhau trên trên đĩa.

Mâm gỏi lá xanh mướt - Ẩm thực Tây Nguyên
Mâm gỏi lá xanh mướt

Một số loại lá khá quen thuộc và có thể tìm thấy ở cả ba miền như lá mơ, đinh lăng, cải, sung, tía tô, kinh giới, húng quế, rau má, hành lá, diếp cá… Nhưng cũng có nhiều loại lá đặc trưng gần như chỉ tìm thấy trên mảnh đất Tây Nguyên là tram, mật gấu, tơ-nuy, lá bửa, hồng ngọc… Các loại lá này kết hợp với nhau tạo nên ba vị chính của món ăn là vị chua, chát và đắng, riêng vị cay là do quả ớt xanh tạo nên. Ngoài ra còn có hạt tiêu đen ăn kèm nếu ai thích vị nồng. Hay một đĩa muối trắng để hạn chế vị chát cho những ai chưa quen ăn.

Gỏi lá Kon Tum - Ẩm thực Tây Nguyên

Công dụng không ngờ của những loại lá

Ngoài việc là một món ăn độc đáo thì gỏi lá rừng còn có tác dụng trong y học như: trị đau đầu, ra mồ hôi trộm, đau lưng, đau bụng, huyết áp cao… Dĩ nhiên, nhiều loại lá chưa phải là điểm độc đáo duy nhất của món ăn. Hương vị của gỏi lá còn được quyết định bởi nước chấm. Nếu chỉ nhìn qua, nước chấm gỏi giống như đậu phụ tươi đánh nhuyễn và có màu vàng nghệ. Nhưng phải nếm mới cảm nhận hết được hương vị không thể lẫn được. Đó là sự kết hợp của gạo nếp, giấm, bỗng rượu, thịt nạc, tôm tươi, trứng, mắm tôm… Tất cả được chưng lên. Thường thì đầu bếp sẽ dựa vào mùi và màu của nước chấm chứ chẳng cần nếm.

Gỏi lá Kon Tum - Ẩm thực Tây Nguyên

Cách ăn món gỏi lá

Ăn kèm với các loại lá và nước chấm là thịt ba chỉ, tôm luộc và bì cắt nhỏ trộn thính. Tất nhiên, món gỏi lá không dành cho người vội vã bởi bạn phải ăn theo đúng quy trình để cảm nhận được hết hương vị. Lá cải quấn ngoài cùng, rồi tới lá mơ, sau đó cho thêm các loại lá có vị chua và các loại lá khác theo sở thích của người ăn, tất cả tạo thành một cái phễu. Sau đó, lấy một thìa nước chấm cho vào giữa phễu, để lên đó là một miếng thịt ba chỉ luộc, một con tôm đã bóc vỏ, một nhúm bì trộn thính, ớt xanh, hạt tiêu hoặc muối trắng. Thực khách cũng có thể tùy thích chọn các loại lá để cuốn cho hợp khẩu vị.

Gỏi lá Kon Tum - Ẩm thực Tây Nguyên

Đất trời Tây Nguyên mùa này xanh ngắt, những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu tới, rừng cây trụi lá sau một mùa khô dài đang bắt đầu đâm chồi xanh tươi cũng là lúc món gỏi lá của đất Kon Tum đủ đầy nhất. Nhớ nhé, tới Kon Tum ngoài việc tới thăm nhà thờ gỗ tuyệt đẹp, cầu treo Kon Klor thơ mộng thì cũng đừng quên thưởng thức món gỏi lá có một không hai này.

6. Măng nướng xào vếch bò Đăk Lăk

Nhắc đến măng, bạn thường hay nghĩ đến măng khô, măng chua và nhiều món ăn khác. Thế nhưng, món măng nướng xào vếch bò ở Đắk Lắk đủ khiến bạn tò mò tìm ngay đến. Thưởng thức rồi sẽ ghiền lúc nào không hay. Món măng nướng xào vếch bò có nguồn gốc ở xã Ea Sol, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk. Món ăn có vẻ lạ với những vị khách du lịch phương xa nhưng lại là đặc trưng của đồng bào dân tộc Ê Đê xã Ea Sol nói riêng và ẩm thực Tây Nguyên nói chung.

Măng nướng xào vếch bò Đăk Lăk -  Ẩm thực Tây Nguyên
Măng nướng xào vếch bò Đăk Lăk

Cách làm món măng nướng xào Vếch bò Đăk Lăk

Vếch – phần ruột non lòng của bò, kết hợp với măng rừng nướng nên. Đối với một số người lần đầu nếm thử thì món ăn này có thể hơi khó ăn. Tuy nhiên, với đồng bào người Ê Đê, cái nồng nàn, hơi đăng đắng, bùi bùi, béo và dai của vếch bò mà ăn kèm với vị cay của ớt xanh, vị thơm, hơi the của măng. Pha trộn với các loại gia vị lại là điểm nhấn của món ăn, làm cho món ăn ngon hơn và đặc biệt hơn gấp nhiều lần.

Thưởng thức món Vếch bò xào măng đặc biệt

Để thưởng thức được đúng chuẩn vị độc đáo của món măng xào vếch bò, người dân ở đây phải đợi đến mùa mưa. Mùa mưa ở vùng đất này thường bắt đầu vào từ khoảng tháng 05 đến hết tháng 11 khi mà măng le rừng mọc mới, non tươi. Theo phong tục của người dân ở đây, trước đây món ăn này chỉ được nấu để dâng Yàng trong những lễ hội trọng đại của buôn làng. Sau lễ cúng giàng, làng mới cho phép bà con trong buôn làng chia ra để mọi người cùng thưởng thức.

Măng nướng xào vếch bò Đăk Lăk -  Ẩm thực Tây Nguyên

Nếu ăn thử món này, đầu tiên bạn sẽ cảm thấy được vị hơi đắng đắng ở đầu lưỡi của vếch bò. Sau đó là vị ngọt của thanh thanh của măng rừng. Cộng với một ít vị cay của ớt, của hạt tiêu và mùi thơm của các loại lá cây gia vị khác. Tất cả tạo ra thứ hương vị thiên nhiên hoang dã đúng đặc trưng của Ẩm thực Tây Nguyên. Chúng hòa quyện, đồng điệu lại với nhau tạo nên một mùi vị đặc trưng. Không giống như măng chua hay các loại măng khác, một khi đã một lần thưởng thức thì bạn phải thốt lên rằng “nó quá đặc biệt”.

Tới Tây Nguyên để thưởng thức nhiều món ăn ngon

Trên đây là những món ăn đặc trưng của Ẩm thực Tây Nguyên mà ai đặt chân đến mảnh đất đỏ này cũng nhất định phải thử! Và tất nhiên, đây chưa phải là tất cả nên hãy theo dõi Wecheckin để tìm hiểu những món ăn Tây Nguyên phần 2 nhé ^^

Có thể bạn quan tâm:

Những Đặc Sản Xứ Lạng Làm Nức Lòng Thực Khách!

5 quán ăn kiểu Hàn nổi tiếng đáng ghé nhất ở Hàn Quốc – Guest post

Ẩm Thực Tây Bắc – Những Đặc Sản Không Dành Cho Người Gan Nhỏ!

2 COMMENTS

  1. […] Ăn Gì Ở Tây Nguyên? – Độc Đáo Ẩm Thực Miền Đất Đỏ (Phần 1)Ăn Gì Ở Tây Nguyên? – Độc Đáo Ẩm Thực Miền Đất Đỏ (Phần 2)Lạ Lùng “Bún Cua Thối” – Đặc Sản Pleiku Nghe Thì “Bốc Mùi” Nhưng Đã Ăn Là NghiệnBảo tàng cà phê Buôn Ma Thuột – Địa điểm sống ảo đẹp mê ly khiến giới trẻ phát “sốt”Hãy tạm quên Đà Lạt đông đúc đi, Măng Đen mới là nơi bạn đêm lòng say mê var td_screen_width = window.innerWidth; if ( td_screen_width >= 1140 ) { /* large monitors */ document.write(''); (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({}); } if ( td_screen_width >= 1019 && td_screen_width < 1140 ) { /* landscape tablets */ document.write(''); (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({}); } if ( td_screen_width >= 768 && td_screen_width < 1019 ) { /* portrait tablets */ document.write(''); (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({}); } if ( td_screen_width < 768 ) { /* Phones */ document.write(''); (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({}); } […]

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here