Hoa Gạo Còn Gọi Là Hoa Gì?

0
4759

Bao giờ cho đến tháng 3

Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn

Cứ mỗi khi hoa gạo điểm lửa trên bầu trời là báo hiệu những ngày rét của mùa đông chuẩn bị kết thúc. Loài hoa đặc trưng của tháng ba này còn có tên gọi khác vô cùng giản dị là Mộc Miên, và ở vùng Tây Nguyên, hoa còn được gọi là Pơ Lang – loài hoa giấu trong mình cả suối nguồn câu chuyện. 

Cùng Wecheckin khám phá loài hoa đặc trưng của tháng 3 trên đất nước Việt Nam xanh đẹp này nhé.

I. Hoa gạo còn gọi là hoa gì?

hoa gạo còn gọi là hoa gì
Hoa gạo – đặc trưng của nhiều miền quê Bắc Bộ Việt Nam (st)

Có nhiều sổ sách ghi chép cây hoa gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau này du nhập sang nhiều nước khác trong châu Á trong đó có Việt Nam và được trồng nhiều ở các vùng quê Bắc Bộ, trở thành một miền ký ức đỏ thắm của nhiều người. 

Tên gọi Mộc Miên có lẽ xuất phát từ chính bản thân loài hoa – rất đỗi giản dị, mộc mạc. Nhiều người cũng hay gọi là Hồng Miên.

Hoa gạo còn là nguồn cảm hứng cho các nhạc sỹ khi sáng tác về vẻ đẹp của các cô gái vùng cao: “Anh ơi, em sẽ là Pơ Lang hoa đẹp nhất thứ hoa buôn làng quý”.

Còn một tên gọi khác mà ít người biết đến đó là Anh Hùng Thụ – do thân cây cao, mọc thẳng hướng lên bầu trời.

II. Loài hoa giấu trong mình câu truyện

hoa gạo còn gọi là hoa gì
Hoa Gạo – Biểu tượng của tình yêu son sắt, thuỷ chung (st)

Có nhiều sự tích về loài hoa tháng 3 này, những câu chuyện được mọi người lưu truyền nhiều nhất là về tình yêu thủy chung son sắc của người con gái:

Tại một bản nọ, có đôi nam nữ yêu nhau tha thiết và khoảng thời gian ấy trời cũng mưa nắng rất thất thường. Có dạo, trời mưa như trút, cuốn trôi mọi đồ đạc và của cải của người dân khiến cuộc sống của người dân dưới trần thế vô cùng khốn khó. Chàng trai tốt bụng vô cùng căm giận liền tìm cách đi tìm Ngọc Hoàng để kêu thay cho dân làng. Trước khi đi, chàng trai buộc vào tay cô gái một dây vải màu đỏ, có tua năm cánh ở mỗi đầu như tín vật của tình yêu thủy chung. 

Ngọc Hoàng rất ưng bụng chàng trai trẻ tốt bụng và có khí chất liền giữ lại làm thần quản lý chuyện mưa nắng ở trần gian. Còn về người con gái vẫn một lòng chờ đợi người thương, sau khi biết được chuyện, Ngọc Hoàng ban cho nàng một điều ước. Và người con gái ước biến thành một cây cao thẳng, có nét đẹp mộc mạc quyến rũ và năm cánh hoa khỏe khoắn đỏ thắm như màu tín vật tình yêu ngày nào để chàng có thể dễ dàng nhận ra người yêu.

Hoa gạo còn gọi là hoa gì
Hoa gạo với 5 cánh đỏ tươi

Điều đặc biệt, mặc dù vòng đời của hoa gạo chỉ ngắn ngủi có vài ngày nhưng khi rụng xuống, hoa sẽ rụng nguyên bôngvẫn giữ nguyên màu sắc đỏ tươi tô điểm cho nền đất chứ không héo tàn như những loài hoa khác. Chính vì vậy, đám trẻ con hay những người yêu hoa sẽ không phạm phải tội “hái hoa bẻ cành” mà vẫn được ngắm nghía, chơi đùa cùng những bông hoa gạo đỏ thắm.

Hoa gạo có thể được tìm thấy rất nhiều ở khu vực miền Bắc, hãy theo chân Wecheckin điểm danh những vùng quê này nhé.

III. Mùa hoa gạo ở Hà Nội

3.1. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Nghiêng đỏ nét cổ xưa

Sắc đỏ của hoa gạo cùng nét cổ kính của Bảo Tàng lâu đời (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tạo nên một khung cảnh hài hòa ngẩn ngơ bao góc máy.

cây hoa gạo ở bảo tàng lịch sử quốc gia
Cây hoa gạo trong khuôn viên bảo tàng (st)

3.2. Ngã 3 Giải Phóng – Phương Mai: Người lướt qua nhau bớt vội

Đây là địa điểm chụp hoa gạo quen thuộc mỗi độ tháng 3 về. Những cây hoa gạo khiến ngã tư ồn ào tấp nập trở nên thơ hơn, dịu hơn, và lòng người cũng lướt qua nhau bớt vội.

cây hoa gạo ở giải phóng
Cây hoa gạo ở ngã ba Giải Phóng giao với Phương Mai (st)

3.3. Chùa Thầy: Tĩnh lặng một tiếng hoa rơi

Sẽ là thiếu sót nếu đầu năm không tranh thủ đi vãn cảnh chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) và nhìn ngắm cây hoa gạo lớn trong khuôn viên chùa. Nhìn một bông hoa gạo nhẹ nhàng buông mình xuống hồ nước phẳng lặng, lòng người sẽ trở nên thanh tịnh và an yên biết bao nhiêu.

cây hoa gạo ở chùa thầy
Cây hoa gạo trong sân chùa năm nào cũng đỏ rực mỗi độ tháng Ba về

3.4. Chùa Hương: Êm đềm xuôi theo sóng nước

Hít thở đầy lồng ngực khí tươi của bầu trời khi vừa ngồi trên thuyền êm đềm xuôi theo dòng suối Yên, vừa thưởng ngoạn cảnh xanh biếc hai bên bờ được điểm suýt bằng những cây gạo thẳng tắp đỏ au.

cây hoa gạo sông Hương
Những cây hoa gạo điểm tô sắc đỏ dọc bờ sông Hương (st)

3.5. Thôn Đoan Nữ: Không thể bỏ qua

Một địa điểm mà bạn sẽ không “được phép” bỏ qua trong checklist những địa danh chụp hoa Mộc Miên ở Hà Nội: thôn Đoan Nữ, xã Hương Sơn, Mỹ Đức. Đến đây bạn sẽ bắt gặp những hàng cây hoa gạo khỏe khoắn nhuộm đỏ cả các con đường nhỏ cong cong ở một miền quê Hà Nội. 

Lập loè cây gạo ra hoa

Nghe trong sâu thẳm cây đa, đình làng

Ẩn trong tiềm thức mơ màng

Một vùng quê, một mùa vàng bội thu”

Tác giả: Hồ Viết Bình

IV. Mùa Hoa Gạo Ở Các Vùng Quê Việt Nam

4.1. Hà Giang: Trập Trùng Non Nước

Du khách có thể ngắm hoa gạo Hà Giang trên đường đến Mèo Vạc, đường từ Cần Ty đến xã Đông Hà.

Hoa gạo mọc rải rác trên khắp các triền dốc, trên các con đường uốn lượn dẫn vào các bản làng.

4.2. Bắc Giang: Bập bùng sắc đỏ

Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều những cây hoa gạo dọc đường đến với Bắc Giang. Các bạn trẻ hay truyền tai nhau về những cây hoa gạo ở thôn Đông Loan, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng đỏ rực vào mỗi dịp này. 

4.3. Nam Định: Hiên ngang quật cường

Mùa này khi về thăm Nam Định, nếu bạn ghé thăm hồ Vị Xuyên, phố cổ Thành Nam, lang thang thăm thú Hải Hậu, hay đi dọc hít thở gió bên bờ sông Ninh Cơ bạn đều dễ dàng bắt gặp những cây cổ thụ lâu đời. 

Với nhiều người dân nơi đây, hoa gạo được xem như là biểu tượng cho sự hiên ngang bất khuất của con người Nam Định.

V. Thơ về hoa gạo

Trong bài chia sẻ hôm nay về chủ đề: Hoa gạo còn gọi là hoa gì?, Wecheckin cũng chia sẻ một số những đoạn thơ về hoa gạo mà đội ngũ chúng mình yêu thích nhất nhé.

5.1 Nhớ về hoa gạo

Cơn gió chiều xuôi ta về dĩ vãng

Hẹn ước ngày nào năm tháng chia xa

Ta cô đơn trong bóng xế chiều tà

Bông gạo rụng, khiến lòng ta hoang vắng

Kỷ niệm xưa nay đã thành dĩ vãng

Chốn chờ trông càng trống vắng đìu hiu

Cơn gió chiều lay bóng ngả liêu siêu

Chân bước lạc với bao điều da diết

Ta cuồng say trong mơ màng tha thiết

Bông gạo ngày nào ta biết tìm đâu…

Đào Mạnh Thạnh

5.2 Tháng ba và hoa gạo

Anh có về thăm hoa gạo tháng ba

Để nhớ về một thời hoa đỏ

Cái thời em hay mơ màng nhìn qua khung cửa sổ

Và thả hồn mình vào những cánh buồm mây

Hoa gạo vương đầy trên lối cỏ chiều nay

Nghe rưng rức một triền đê ngập nắng

Hoa vẫn đỏ giữa khoảng trời trống vắng

Mỗi cánh hoa như tia lửa mặt trời

Trong âm thầm từng cánh hoa rơi

Có nỗi nhớ không tên vẫn còn đọng lại

Như nụ môi hồng một thời con gái

Hôn nồng nàn tháng ba

Anh có về thăm lại một mùa hoa ?

Phan Thu Hà

5.3 Khúc hồi tưởng tháng 3

Phải rồi ở chỗ này đây

Cổng làng thuở ấy có cây gạo già

Cồn cào cái cữ tháng ba

Lập lòe hoa vẫn như là lửa treo.

Tháng ba ngơ ngác trẻ nghèo

Chân chim đuôi mắt nhăn nheo thương bà

Gọi là gạo chỉ thấy hoa

Đẹp thì có đẹp nhưng mà đói cơm

Ra đồng gặp cỏ mật thơm

Thơm thì thơm chẳng thể đơm bát nào!

Trách chi tóc để trái đào

Khoai giun bánh khúc miếng vào miếng ra

Chỉ thương cây gạo đã già

Vẫn còn bung những chùm hoa rực hồng

Tiếc cho cỏ mật trên đồng

Thơm như tấm mía chín trong than vùi

Bây giờ miếng ngọt miếng bùi

Tìm bà đâu nữa ngậm ngùi tháng ba…

Nguyễn Văn Chương

5.4 Cảm xúc mùa hoa gạo

Lại mùa hoa gạo nở

Đỏ rực cả bến sông

Bỗng nhớ về ngày ấy

Thuở em chưa lấy chồng

Dắt nhau qua lối nhỏ

Kịp chuyến đò sang sông

Dáng em gầy bé nhỏ

Giữa mênh mang sông Hồng

Hai mươi năm có lẻ

Em về nơi phố đông

Cây gạo xưa còn đó

Vẫn sắc đỏ mặn nồng

Nước sông Hồng vẫn đỏ

Thầm lặng mãi xuôi dòng

Để một người lặng lẽ

Thương nhớ về mênh mông…

Bùi Huy Đức

Lời kết:

Hy vọng với bài viết “Hoa gạo còn gọi là hoa gì” mang tới cho các bạn những nguồn thông tin bổ ích về một mùa hoa đỏ thắm của Tháng Ba. 

Hãy tranh thủ làm cho mình một bộ ảnh kỉ niệm và nhanh tay share cùng Wecheckin để lan tỏa những yêu thương cho nhau nhé. 

Thân!

Có thể bạn quan tâm:

Đừng bỏ lỡ điều thú vị khi du lịch Hà Giang tháng 3

TẾT VILLAGE DAI LAI – Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng độc đáo ngay gần Hà Nội

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here