Tổng hợp 10+ món ăn nhất định phải thử khi đến Sapa – Wecheckin
Không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, văn hóa đặc sắc, Sapa còn được biết đến là thiên đường ẩm thực Tây Bắc – những món ăn độc và lạ của con người nơi đây. Đến Sapa, ngoài việc ngắm cảnh, các bạn nhất định phải thử các món ăn truyền thống tại đây để nếm hết hương vị của vùng đất này.
Trong các bài viết trước, Wecheckin đã tổng hợp khá chi tiết về thời gian, địa điểm, phương tiện và lịch trình du lịch Sapa tự túc rồi. Cùng điểm lại những thông tin hữu ích này nhé:
Trong bài viết này, wecheckin sẽ chia sẻ với các bạn 10+ món ăn nhất định phải thử khi đến Sapa. Cùng xem để đừng bỏ lỡ nhé. Sẽ tiếc lắm đó!
Nội dung chính của bài
1. Cơm lam
Khi du lịch đến Sapa nếu bạn bỏ qua đặc sản cơm lam tại đây thì thật là đã bỏ phí một món ăn vừa ngon lại vừa rẻ của núi rừng Sapa. Từ nhà hàng, Khách sạn, đến các quán ăn ven đường… đều phục vụ món ăn độc đáo này.
Ở Sa Pa, người ta thường ăn cơm lam chấm muối vừng (muối mè) vì vị bùi thơm của nếp hòa vị bùi thơm muối mè sẽ quyến luyến mọi du khách. Ngoài ra, cơm lam cũng có thể ăn với thịt xiên. Thịt xiên được làm từ thịt lợn (heo) cắp nách. Loại heo nặng chừng 8-10kg/con, thả rông trên núi đồi. Thịt cắt từng miếng vừa ăn, xăm đều trước khi ướp gia vị. Ướp đúng kỹ thuật, miếng thịt dậy mùi thơm. Sau đó xiên xen kẽ vừa thịt vừa cải mèo – một đặc sản của Sa Pa – qua chiếc que tre trước khi nướng trên bếp lửa. Ăn cơm lam với thịt xiên nướng cải mèo, ngoài vị ngọt bùi của nếp nướng còn có vị cay nồng của cải mèo hòa cùng vị ngọt thơm của thịt heo. Người ta còn ăn cơm lam với gà nương ướp nướng như thịt heo cắp nách nướng.
2. Lợn (heo) cắp nách
Như đã đề cập đến ở trên, lợn cắp nách không chỉ là 1 món ăn kèm với cơm lam, mà nó còn là 1 thứ đặc sản mang phong vị riêng của Sapa.
Có tên gọi là lợn cắp nách là vì người dân ở đây thường cắp vào nách một chú lợn con tầm 8-10 kg xuôi chợ bán và người mua lại cắp nách đem về làm thịt. Loại lợn này rất săn chắc và thịt rất thơm ngon, chúng được thả rông và tự kiếm ăn trên những sườn dốc núi. Khi làm thịt, người ta làm sạch sẽ rồi tẩm ướp cả con cho lên nướng hoặc quay.
Lợn cắp nách khi chín có màu vàng ươm, lớp bì giòn tan và thơm phức, phần thịt mềm và ngọt, săn chắc, chấm cùng với nước chấm pha chế rất đặc biệt ở đây thật tuyệt vời.
Giá lợn hơi của lợn cắp nách khoảng tầm 100.000 – 200.000 đồng/kg, đảm bảo chất lượng sạch và an toàn. Lợn được bày bán tại các phiên chợ Sapa như: Mường Hum, Sín Chéng, Bắc Hà… các nhà hàng kinh doanh ở Sapa thường xuống các chợ này để mua lợn về chế biến phục vụ khách du lịch.
3. Xôi bảy màu
Một món ăn khác mang đặc điểm riêng của xứ lạnh đó là xôi bảy màu. Xôi bảy màu là món ăn đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng ở Sapa. Để làm được món xôi này nhìn tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào, những người dân tộc Nùng đã phải đi vào tận sâu trong rừng để có thể tìm đủ các loại lá rừng.
Mỗi màu sắc trong món xôi là một loại lá, và mỗi màu sắc đó lại mang một ý nghĩ riêng như: Màu xanh của lá chuối non là màu đại diện cho mùa xuân, mùa của muôn hoa đua nở. Màu đỏ thẫm là màu của máu thể hiện sự hiên ngang, sự kiên cường của những người anh hùng đã anh dũng hi sinh trong chiến tranh. Màu vàng là màu biểu tượng cho sự đau thương, sự chia ly hay màu đỏ tươi là biểu tượng cho chiến thắng hào hùng của đồng bào Nùng…
Món xôi bảy màu mang đậm những nét văn hóa cổ truyền, xôi ngon nhất khi được ăn chấm với muối vừng đen và nếu có thêm món thịt rừng nướng ăn kèm thì ngon tuyệt.
Đây là món ăn không chỉ làm ngon miệng mà còn rất bổ dưỡng bởi nó chứa nhiều vị thuốc dân gian từ những lá cây rừng. Không biết từ bao giờ, món xôi này đã được coi là 1 món ăn đem lại may mắn, tốt lành và thường được ăn và bày vào những ngày lễ, ngày tết. Đẹp mắt, lạ miệng, dẻo thơm và an toàn là những điểm nổi bật khiến món ăn này in sâu trong tâm trí của khách du lịch Sapa.
4. Thắng cố
Được mệnh danh là thứ “đặc sản kinh dị” của Sapa, Thắng Cố được khá nhiều người yêu thích thậm chí là “nghiện” vì cái hương vị hôi nhưng bùi của nó.
Thắng cố là món ăn truyền thống và nổi tiếng của người Mông ở Sapa. Nguyên liệu chính cho món ăn này là từ thịt, xương, tiết và nội tạng (bao gồm lòng, mề, tim, phổi, dạ dày và tiết ngựa kết hợp với gần 20 loại thảo dược ( thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng, và nhiều loại gia vị đặc biệt khác của dân tộc Mông).
Nhiều người không ăn nổi món thắng cố Sapa, bởi mùi hôi và nồng của thắng cố nhưng khi ăn nhiều rồi thành ra nghiện thắng cố. Nghiện mùi hôi bùi mà lại có vị đắng của món ăn đó, một dư vị tuyệt vời của ẩm thực vùng cao.
Ăn thắng cố Sapa, bạn có thể ăn cùng với bánh ngô nướng và đặc biệt, đừng bỏ qua rượu ngô Bắc Hà hoặc rượu San Lùng, thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết tinh từ tinh hoa của núi rừng. Trong không khí se lạnh của Sapa, thực khách sẽ vừa xuýt xoa trước nồi lẩu thắng cố đậm tình dân tộc, vừa tận hưởng vị cay tê nơi đầu lưỡi của rượu vùng cao để mà thấy yêu hơn vùng núi rừng Tây Bắc thơ mộng này.
5. Thịt trâu gác bếp
Đến với Sapa, cũng đừng bỏ lỡ thịt gác bếp. Đây là món ăn đậm chất vùng cao Tây Bắc. Thịt trâu gác bếp Sapa nhìn bên ngoài sẽ có màu nâu sẫm nhưng khi xé ra bên trong có màu đỏ tự nhiên. Khi đưa lên miệng sẽ thấy dai dai, ngòn ngọt hòa quyện với chút cay nồng của tiêu gừng của mùi thơm của khói củi núi đá.
Trên thực tế cách làm thịt gác bếp không khó nhưng lại khá mất thời gian và công sức. Trước tiên để làm được món ăn này ngon, việc chọn nguyên liệu cũng rất quan trọng. Trong đó, cần chọn những mảng thịt to, tốt nhất là miếng thịt thăn hoặc ở bắp vai, lưng của con trâu. Sau đó đem tẩm ướp với gia vị bao gồm: lá mắc khén giã nhỏ, hạt chuối giã nhuyễn và bột ớt, muối hột; rồi sau đó đêm treo trên gác bếp đợi một thời gian khoảng 8 tháng đến 1 năm.
Đến Sapa, bạn có thể mua về làm quà cho những người thân món ăn này, rất sang trọng lịch sự và tiện lợi. Giá của một cân thịt trâu gác bếp Sapa khoảng từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
6. Cá suối Sapa
Đến Sapa, bạn cũng không nên bỏ qua món cá suối chiên hoặc nướng mà ít nơi nào có được.
Cá suối ở đây lớn cỡ 2-3 ngón tay. Cá thường có màu xanh để dễ ngụy trang khi lẫn vào những kẽ đá rong rêu. Cá suối có nhiều loại và điều đáng nói là không hề có vị tanh. Cá suốinhiều xương nên người vùng cao chỉ chiên giòn để ăn cả xương lẫn thịt chứ không nấu riêu hay kho, hấp…
Những con cá trong chảo mỡ, ngả sắc vàng ươm, tỏa hương thơm ngây ngất. Đầu cá bùi béo, giòn tan, lớp vảy mỏng sởn lên vì mỡ nóng, bên trong là lớp thịt thơm và ngọt, có thể nhai luôn cả phần xương cá giòn tan. Chấm cá trong mắm ngon pha chanh ớt, ăn với ngọn cải ngồng luộc chín tới và cơm nóng trong buổi tối Mường Hum lành lạnh, cảm giác thật tuyệt.
7. Cá hồi, cá tầm
Đến với Sa Pa, bạn còn có thể được thử món ăn đặc trưng mang hương vị riêng, đó là cá hồi và cá tầm.
Khi đến đây, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng và thích thú trước những con cá hồi. Đặc biệt với những du khách nước ngoài, nếu cảnh quan thiên nhiên và văn hóa các dân tộc luôn mang đến cho họ nhiều điều thú vị, thì với cá hồi, sự ngạc nhiên và thích thú còn ý nghĩa hơn thế. Họ không thể tưởng tượng ra được giữa một đất nước với đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa lại có thể được thưởng thức món ăn độc đáo của loài cá da trơn chỉ sống ở các nước ôn đới và hàn đới.
Ngoài cá hồi, giờ đây đến với Sapa du khách còn có cơ hội mục sở thị cá tầm. Sapa đang được kỳ vọng không chỉ là ngôi nhà lý tưởng của riêng cá hồi mà cá tầm cũng sẽ là một sản phẩm mới riêng có ở Sapa, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, thưởng thức của khách du lịch Sapa.
8. Khâu Nhục
Nghe tên món ăn khá lạ nhưng thực chất đây lại là món ăn khá quen thuộc với người miền xuôi vì Khâu Nhục ăn khá giống với vị thịt kho nhưng cách làm và hương vị lại mang nét đặc trưng khác hẳn các vùng miền khác.
Để có món Khâu nhục chuẩn, người ta phải nấu tới nửa ngày cho miếng thịt mềm, sao cho khi ăn như tan ra trong miệng. Món này có nguồn gốc từ người Hoa làm, xuất hiện ở hầu hết các vùng núi phía Bắc.
Nguyên liệu để làm món khau nhục gồm có: thịt lợn ba chỉ, húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu…Khi chế biến món này, phải dùng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, cắt thành miếng vuông, khổ 16x16cm, rửa sạch cho vào nồi luộc kỹ. Thịt chín vớt ra để nguội. Cạo sạch phần bì của miếng thịt, dùng vật nhọn châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc dấm bôi vào lớp da bì đó cho thấm đều. Tiếp theo cho thịt vào chảo mỡ nóng chao (rán) sao cho vàng đều mới vớt ra.
Thưởng thức khâu nhục cùng cơm trắng Sapa sẽ làm bạn thấy ấm lòng hơn giữa tiết trời xứ lạnh.
9. Rau cải mèo
Cùng với thịt lợn cắp nách, cơm lam, rượu táo mèo,… rau cải mèo ngày càng hấp dẫn du khách bởi sự bình dị nhưng thơm ngon của nó trong mỗi món ăn.
Cải mèo lá xoăn, màu xanh sẫm, giòn và ngọt hơn cải thường. Mỗi mâm cơm của người dân phố núi Sa Pa ngoài những món thịt thì không thể thiếu đĩa rau cải mèo xào với mỡ đông, thoảng chút cay nồng của gừng tươi.
Những sợi rau giòn, dai hơi đắng đầu lưỡi nhưng gần sẽ thấy vị ngọt khi kết hợp với món thịt bò tơ mềm có vị đậm đà rất riêng. Món rau cải mèo xào với thịt hun khói cũng vô cùng ngon miệng.
Dù chế biến món ăn gì thì người nội trợ cũng không được dùng dao để thái mà dùng tay để vặn rau thành từng đoạn như thế mới giữ được vị đậm đà của rau.
10. Đồ nướng Sapa
Trong tiết trời lạnh buốt của Sa Pa, những xiên đồ nướng đủ màu sắc tỏa hương thơm hấp dẫn sẽ nhanh chóng sưởi ấm cả cơ thể lẫn chiếc dạ dày đang sôi réo của bạn.
Là một thành phố du lịch, hiển nhiên ẩm thực của Sa Pa cũng vô cùng phong phú từ ẩm thực du nhập đến cả ẩm thực địa phương. Tới Sa Pa, bạn có thể thử nhiều món lạ, nhưng nhất định đừng quên thưởng thức đồ nướng tại đây.
Đồ nướng Sa Pa rất đa dạng với đủ thịt lợn bản xiên, ba chỉ nguyên miếng, cánh gà, lòng, bò cuốn cải mèo, bò cuốn nấm kim, chả cá hồi hay thanh đạm hơn là những xiên rau, nấm… Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là lấy một chiếc đĩa, chọn lấy những xiên que mình thích, đợi chủ quán nướng đều trên than hoa rồi thưởng thức thôi.
Đã ghé quán đồ nướng, hiếm ai lại không gọi cho mình một vài ống cơm lam hay quả trứng nướng để thưởng thức mùi thơm nhẹ của món ăn quen nay thành lạ bởi khói của than hoa.
Đồ nướng ở Sa Pa bán vào buổi tối, tập trung chủ yếu ở khu vực hồ Sa Pa, đường xuống chợ và dưới chợ. Mỗi xiên đồ nướng thường đồng giá 15k, cơm lam và trứng khoảng 8k. Tính ra chỉ với khoảng 100k là bạn đã có một bữa đồ nướng ngon lành cũng như có được những cảm nhận ẩm thực khó quên tại thị trấn du lịch này.