Hàng Mã – cái tên đã quá đỗi quen thuộc đối với những người dân thủ đô, năm nào cũng chễm chệ ở vị trí đầu danh sách những địa điểm NHẤT – ĐỊNH – PHẢI – GHÉ mỗi dịp trung thu về. Cứ đến thời điểm trăng rằm tháng tám, con phố Hàng Mã lại đắm chìm trong vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa rực rỡ khi dọc cả dãy phố ngợp trong những lồng đèn xanh đỏ.
Tôi – người đang viết bài đây – không phải một người Hà Nội. Tôi chỉ mới biết đến Hàng Mã hai năm về trước, khi mà tôi vừa mới chân ướt chân ráo lên thủ đô với khí thế hừng hực của một chú khờ mong muốn đi tìm con chữ. Tôi nhớ rất rõ vì đấy là trung thu đầu tiên xa nhà. Lạ một điều là tôi tuyệt nhiên chẳng nhớ nhung quê hương da diết như các bạn. Khi ấy chỉ đau đáu một lòng khao khát muốn khám phá, tìm hiểu, háo hức muốn xem trung thu ở nơi đất thủ đô nó ra làm sao, có khác gì so với ở nhà hay không… Cứ thế leo lên một chiếc xe bus, và điểm xuống của tôi chính là con phố cổ này.
Ấn tượng đầu tiên chắc là thể hiện hết ở tiếng “Òaa!” ngay khi tôi định hình hình được rằng mình đang lọt thỏm trong một biển đèn lồng đỏ rực và đống đồ chơi đủ các thể loại. Được nhìn ngắm đèn lồng là đầu óc lại rơi vào trạng thái đờ đẫn vô thức. Đèn lồng dường như có phép thôi miên đầy ma mị, kéo tôi trở về với những kỷ niệm về những đêm rằm tháng tám xưa tôi đã từng trải qua.
Trung thu trong tuổi thơ của tôi cảm nhận được rõ rệt từ trước hẳn một tháng, khi buổi sáng bước chân ra đường chỉ thấy những tia nắng mai yếu ớt và gió trời thì bắt đầu thổi se se lạnh. Ngoài đường, các sạp hàng và tiệm bánh đều rục rịch bày bán bánh trung thu từ sớm, còn tôi mỗi lần nhìn thấy lại tự hỏi không biết đến khi nào mới cúng xong để được cắt bánh ăn.
Trung thu là khi tôi bắt đầu liên tiếp nhận được những lời mời của cơ quan bố mẹ, của xóm đến vui buổi phá cỗ. Là khi mẹ chở tôi váy áo xúng xính, dặm thêm một chút son nhẹ đến tham gia tiết mục văn nghệ mừng trung thu ở trường. Là khi mẹ hào phóng bất thường bảo tôi chọn một món đồ chơi mới. Những món đồ chơi mà bất cứ đứa con nít nào cũng mê tít đôi khi là mặt nạ hình, đèn lồng, có lúc thì là chiếc trống con… Rồi mẹ sẽ chở tôi đi lòng vòng quanh phố trong cái háo hức rộn ràng, và sẽ dừng lại mua món bắp rang bơ thơm nức mũi mà ngày thường chẳng bao giờ tôi được phép động đến.
Những món đồ chơi hồi nhỏ đã từng mê hiện vẫn còn và được bày bán nhiều ở Hàng Mã. Tôi nhớ đèn lồng hồi đấy cũng đa dạng lắm nhưng toàn làm bằng giấy là nhiều chứ không phải đèn lồng nhựa có nhạc như bây giờ. Cho đến bây giờ tôi vẫn chỉ thích những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân bằng giấy truyền thống giản dị như vậy. Rồi thì những con tò he nhiều màu sắc, những chiếc mặt nạ thằng cuội, con khỉ, những đầu lân đủ cỡ,… Tất cả đều được làm thủ công và vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có.
Tôi cứ đi lòng vòng dưới những mái nhà cổ, và dưới đuôi của những chiếc đèn lồng. Chợt không để ý mà va vào một đứa trẻ tay phải đang tung tăng đèn lồng, tay còn lại đưa chiếc kẹo đang mút dở lên miệng. Lại bật cười vì thấy ôi sao giống mình hồi bé. Nhưng hồi đấy trung thu chẳng mấy khi lên phố. Cá nhân tôi thích những bữa cơm mẹ nấu mà cả nhà quây quần, bàn ăn lại nhiều món ăn ngon lạ hơn thường nhật. Rồi ăn xong sẽ chạy đi chạy lại lăng xăng vừa giúp mẹ bày biện mâm cúng hoa quả, vừa chuẩn bị đi phá cỗ khắp xóm làng.
Đúng là cái không khí ấy, khi mà nhà nhà nô nức dắt tay con nhỏ ra phố. Thích nhất cái hình ảnh những đứa bé với khuôn mặt háo hức được bố kiệu trên cổ. Thích nhìn cả những bàn tay bé xíu xiu cứ bám lấy vạt áo hay thắt lưng bố mẹ vì sợ lạc. Cả một con phố cứ rộn ràng, náo nức những tiếng người cười nói, tiếng trống lân và cả tiếng lá khẽ lay trong gió thu lành lạnh.
Cứ đi dọc con phố Hàng Mã mà cảm nhận được lòng mình lại vui như hồi còn bé. Vui vì được nhớ lại những kỷ niệm thuở bé, và vui hơn khi những nét đẹp truyền thống ngày rằm tháng tám vẫn được lưu giữ và tồn tại ở con phố nhỏ này.
(Hà Nội) Những quán café thú cưng làm đốn tim giới trẻ
Chè củ năng trái dừa – Món ăn độc đáo với trái dừa ít ai biết tới tại Hà Nội