Ẩm thực Tây Bắc trước nay vẫn luôn nổi tiếng với những món ăn lạ độc đáo, được chế biến từ những nguyên liệu của chính vùng rừng núi hoang sơ này. Những món ăn này có thể khiến thực khách thích thú hoặc ngươc lại, chỉ nhìn thôi đã thấy ghê sợ. Vậy thì hôm nay hãy cùng wecheckin.vn khám phá Những món ăn độc đáo nghe tên đã sởn gai ốc của người dân vùng Tây Bắc nhé!
Nội dung chính của bài
1.Thịt thối (Kính Coong)
Thịt thối là món ăn đặc sản của người Khơ Mú, tỉnh Sơn La, thường được dùng trong các mâm cỗ hay khách quý đến chơi nhà. Thế nhưng đây thực sự không phải là món ăn dành cho những người “gan bé”. Theo tiếng Khơ Mú, Kính nghĩa là canh thập cẩm. Coong nghĩa là tên gọi tổng hợp của hầu hết các gia vị, rau củ quả,…nấu với thịt thối. Như vậy, Kính Coong trong tiếng Khơ Mú có nghĩa là canh thịt thối.
Bước vào nhà người Khơ Mú, một trong những thứ đầu tiên có thể đập vào mắt bạn chính là những miếng nội tạng của trâu, bò, lợn được treo trên gác bếp, đã ngả màu và có mùi hôi. Để tạo ra thịt thối, họ treo thịt lên gác bếp hàng tuần, rồi hàng ngày vẩy nước để tạo độ ẩm, thu hút ruồi nhặng bay đến đậu vào làm tổ, mang theo cả vi sinh vật. Thịt không được tẩm ướp muối, gia vị mà treo chờ phân hủy đến khi bốc mùi thì mang ra chế biến, thịt càng thối càng đạt tiêu chuẩn và đặc biệt càng có nhiều giòi người chế biến càng thích, món ăn càng ngon. Họ chỉ treo những phần thịt dễ bị thối nhất như nội tạng, thịt bụng…
Để nấu được món Kính Coong, người ta phải đổ nước hầm nát nhừ, rồi cho các loại rau củ quả, gia vị thêm một ít bột gạo cho sóng sánh. Trong số gia vị đó có đầy đủ tiêu rừng, tỏi, gừng, lá cây rừng, ớt, sả… giúp người ăn chữa bệnh dạ dày, gan, mật ổn định.
Trước đây, món Kính Coong lấy từ thành phẩm săn bắt của người Khơ Mú. Mọi thú vật săn bắt được vật như lợn, trâu, bò, hoẵng đều được đưa vào chế biến. Đặc biệt, chuột là món rất được ưa chuộng bởi dễ gây mùi thối nhất trong các loại thịt. Có những trường hợp lên rừng, gặp 1 con vật đã chết lâu, người Khơ Mú vẫn lấy thịt về dùng.
2. Nậm pịa
Nậm Pịa là món ăn của người Thái. Trong đó “Nậm” nghĩa là “canh”, còn “pịa” là từ dùng để gọi thứ dịch sền sệt trong ruột non của động vật ăn cỏ (hay còn gọi là “phân non”). Giờ thì bạn tưởng tượng ra được món ăn đó rồi chứ? Nguyên liệu làm món ăn này là tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim… Và đương nhiên, bao gồm cả pịa với dịch tiêu hóa và thức ăn chưa tiêu hóa hoàn toàn.
Đầu tiên người Thái chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa. Phần xương và lục phủ ngũ tạng của con vật được ninh lên để lấy nước, sau đó đổ pịa vào. Có nơi còn cho thêm chút mật bò vào pịa. Người ta thường ăn nậm pịa kèm với rau chuối và bạc hà.
Món nậm pịa được múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, ban đầu khi nếm thử ta sẽ thấy vị đắng kèm thêm mùi ngai ngái. Trông thế thôi, cái thứ nước sền sệt nặng mùi được cho là bổ dưỡng, đặc biệt có công dụng giải rượu. Tôi đã thấy nhiều mâm cơm đãi khách của người Thái, khi món nậm pịa được mang ra thì khách mời thì bịt mắt bịt mũi, còn dân bản thì chén ngon lành. Người ta bảo khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị, thì những miếng tiếp theo sẽ cảm nhận được vị ngọt nơi yết hầu và mùi thơm của mắc khén, sả, ớt… Người càng có tuổi càng nghiện nậm pịa, đến mức mâm cơm cứ phải có nó mới ngon miệng.
3. Nòng nọc nấu rau rừng
Nhìn vào bề ngoài thì món “nòng nọc” trông đáng sợ không kém gì những món vừa kể trên. Bạn sẽ thấy trong bát canh có đủ loại rau rừng, những con ếch vừa mới sinh ra 4 chân co quắp ôm chặt cọng rau hay nhánh măng ngọt. Nòng nọc bắt về được mổ bỏ ruột rồi dùng muối rửa sạch, sau đó để ráo nước rồi mới đem đi chế biến thành món ăn. Nòng nọc là loại ếch con (hay còn gọi là ếch sữa) nên thịt và mùi vị khá tanh, không thơm ngon như ếch đồng.
Hơn nữa, món “nòng nọc” không được lột da nên đối với người lạ, chỉ cần đưa lưỡi chạm vào thôi đã là một thử thách “nổi da gà”. Tuy nhiên, theo những người dân tộc Thái bản địa thì món “nòng nọc” là sạch sẽ và nhiều dinh dưỡng nhất. Vì thế, phụ nữ Thái sau khi sinh thường được tẩm bổ bằng món “nòng nọc” này.
4. Bọ xít rừng
Đối với nhiều người, bọ xít là loài côn trùng hôi hám và đáng sợ nhưng với bà con dân tộc Thái tỉnh Sơn La thì đây lại là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon trứ danh. Trong đó nổi tiếng nhất là món bọ xít rang lá chanh. Vị giòn, nhai nghe rôm rốp của bọ xít hòa quyện với mùi thơm, cay nồng của lá chanh khiến món ăn này trở thành đặc sản, được nhiều người ưa chuộng. Đây không phải là món bọ xít thông thường mà là bọ xít rừng. Bọ xít rừng hôi hơn nhiều so với bọ xít nhà. Bọ xít rừng cũng hiếm hơn nên giá cả đắt đỏ nhưng ăn lại ngon và bổ hơn. Bọ xít rừng còn có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau.
Sau khi bắt về, để khử hết mùi hôi, bọ xít sẽ được ngâm vào nước muối loãng cho đến khi bọt khí từ bọ xít bốc lên phủ kín mặt nước. Lúc này đem vặt bỏ đầu, cánh, rút ruột rồi đem chiên với dầu hoặc mỡ. Để bọ xít giòn tan, phải chiên trên chảo dầu sôi, bếp lửa to và đảo đều tay. Trước khi bày ra đĩa cho thêm lá chanh thái chỉ và không cần cho thêm bất cứ loại gia vị nào vì bản thân con bọ xít đã mang trong mình những vị mặn, cay, ngọt. Tuy vậy, mùi của bọ xít rừng vẫn rất hôi, nên người ta phải ăn kèm với một loại lá thơm đặc trưng của vùng Mường La là “húng đá”.
Bọ xít rừng có thể chữa bệnh dạ dày và chảy máu dạ dày, đồng thời chữa được viêm họng và thúc đẩy tiêu hoá rất công hiệu. Đây là một món ăn khá hay ho nên nếu có cơ hội, các bạn hãy thử một lần nhé!
5. Chuột núi
Món cuối cùng xuất hiện trong danh sách Tứ đại đặc sản “thối, hôi, ghê, gớm” của người Thái mạn Mường La là thịt chuột núi (chuột rừng). Thật ra thịt chuột chẳng còn gì xa lạ với người miền xuôi, thậm chí nó còn là đặc sản của khá nhiều vùng. Thế nhưng thịt chuột núi không được chế biến như chuột đồng mà người miền xuôi hay làm.
Sau khi thui chuột trên than hồng cho da chuột vàng rộm người ta mới đem dao mổ bỏ phần ruột, chỉ giữ lại lá gan. Sau đó, những gia vị cần thiết được chế biến rất tỉ mỉ từ rau mùi, rau răm, thảo dược, đậu xanh… được giã nhuyễn và nhồi vào phía trong con chuột giống như đầu bếp nhồi thịt vào trong quả mướp đắng. Con chuột sau đó được nướng lại trên ngọn lửa cho đến khi gia vị và mỡ của nó quyện vào nhau, thấm vào từng miếng thịt. Thịt chuột rừng dai và bùi hơn nhiều so với chuột đồng. Phải gỡ bỏ được cái cảm giác ghê sợ thì mới cảm nhận được hương vị hoàn hảo của miếng thịt chuột.
Thịt chuột rừng sau đó mới đưa vào một nồi đất để đồ xôi, và người dân tộc Thái gọi đó là “xôi chuột”. Món xôi này cũng giống như xôi chim, tuy có phần lạ nhưng rất ngon và không đem lại cảm giác ngấy.
Những món ăn trên đúng là không phải ai cũng có gan để ăn thử đúng không? Còn bạn? Nếu có cơ hội thì bạn có có dám thử những “đặc sản” này của vùng núi Tây Bắc không?