Ẩm thực miền Tây

Không Chỉ Nhiều Gái Đẹp, Cần Thơ Cũng Nhiều Món “Ngon” Chẳng Kém!

Nằm ở vùng miền Tây sông nước, không chỉ nổi tiếng là mảnh đất sinh ra nhiều người con gái đẹp mà Cần Thơ còn có những món ăn “ngon” rất đáng để thử. Vậy thì đến Cân

1. Bánh Cống – Ẩm thực Cần Thơ

Bánh Cống là thức quà dân dã, bình dị đặc trưng của ẩm thực Cần Thơ. Người Cần Thơ coi Bánh Cống như một món ăn vặt để thỏa mãn cơn đói tầm chiều tối. 

Sở dĩ có tên Cống là do người ta dùng cái cống để tạo ra món ăn này. Cống là một vật dụng bằng nhôm nhỏ và sâu lòng, có hình dạng gần giống phin cà phê, lại được gắn thêm tay cầm dài như muôi múc canh. 

Đặc sản bánh cống Cần Thơ

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh và tôm. Bột được pha theo công thức: ba phần gạo, một phần nếp, ngâm một đêm rồi xay mịn. Sau khi lọc bột gạo nếp trong một túi vải cho ráo nước, người ta lại pha vào bột gạo nếp này một phần ba bột mì loại ngon, thêm nước, hành lá cắt nhỏ và gia vị. Hỗn hợp bột này không được lỏng như bột đổ bánh xèo. Để tăng độ thơm ngon, có thể cho thêm vào bột vài quả trứng gà.

Nhìn bánh cống có thể nghĩ đây là một món ăn chơi đơn giản nhưng để bánh cống ngon cũng rất cầu kỳ. Đậu xanh đãi vỏ cho sạch, nấu chín mà không nát. Thịt heo băm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Sau cùng cho vào chút muối, chút bột nêm. Tôm tươi rửa sạch, để ráo, cắt bớt chân và râu. Chờ cho dầu sôi, người ta cho ít bột vào cống, sau đó cho vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh. Đổ thêm trên nhân bánh một lớp bột. Sau cùng để lên đó một vài con tôm. Nhúng cống ngập trong dầu đang sôi riu riu trong chảo. Lửa nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vào trong. Chờ bánh chín vàng rồi mới nhấc cống ra, khéo léo đổ bánh ra đĩa. 

Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế… Chỉ nhìn đĩa bánh vàng ươm và rổ rau tươi xanh là đã muốn thưởng thức. Mùi đậu xanh, mùi thịt, mùi tôm chiên trộn lẫn vào nhau thơm nức mũi, bát nước mắm lấm tấm hạt ớt, tép chanh, trong veo mấy cọng dưa chua đu đủ. Đúng là một món ăn phong phú về cả mùi vị và màu sắc.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy bánh cống ở mọi nơi vì đây là món ăn vặt phổ biến. Nhưng có một địa chỉ nổi tiếng nhất định phải ghé qua:

Bánh Cống Cô Út – 86/38 Lý Tự Trọng, An Cư, Ninh Kiều, Cần Thơ

Giờ mở cửa: 09:00 – 21:30

Giá: 10.000 – 30.000 đồng.

2. Bánh Tét lá cẩm

Trong tâm thức văn hóa của người miền Tây, bánh tét là món không thể thiếu trong đời sống ẩm thực cũng như tinh thần. Người miền Tây nói chung và người miền Nam nói riêng không thể thiếu bánh tét ngày Tết. Khi đời sống càng ngày càng phát triển, nhu cầu tăng cao thì bánh tét không chỉ được làm trong mỗi dịp Tết nữa mà len lỏi vào tận đời sống thường nhật. Bánh tét để ăn sáng, để đãi đám giỗ, để dành khi có khách… 

Bánh Tét lá cẩm với màu tím đặc trưng

Bánh tét truyền thống gồm: lá chuối, nếp, đậu xanh và mỡ heo. Tuy nhiên, từ gần nửa thế kỷ nay, bánh tét truyền thống đã được hóa thân thành một món ăn hấp dẫn hơn, màu sắc hơn và đặc biệt hơn với nhiều cách khác nhau. Nổi bật hơn cả là bánh tét lá cẩm Cần Thơ.

Bánh tét ngày nay có nhân trứng muối, đậu xanh và thịt ba rọi,…

Với thực khách, vị mằn mặn của trứng muối khi hòa quyện với độ dẻo của nếp tạo thành một hương vị đặc trưng không thể lẫn của bánh tét lá cẩm. Phần nhân này của bánh cũng có khác hơn bánh tét thông thường, là sử dụng nguyên liệu có tôm khô, thịt ba rọi không nhiều mỡ, nên ăn có vị mặn vừa phải, không ngán. 

…Khiến cho bánh có đủ độ bùi, béo mà không bị ngán!

Nổi tiếng nhất ở miền nước nổi vẫn là bánh tét họ Huỳnh trứ danh với 30 năm nấu bánh tét lá cẩm gia truyền. Địa chỉ: 70 Hai Bà Trưng, bến Ninh Kiều, Cần Thơ.

3. Nem Nướng Cái Răng

Với người miền Tây ăn nem phải biết thưởng thức, nhâm nhi, để có thể nhận biết đâu là nem vùng nào, đó mới là người sành ăn. Không chỉ nổi tiếng với chợ nổi Cái Răng, đừng ai bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món nem đã trở thành niềm tự hào trong văn hóa ẩm thực Cần Thơ. Vị ngọt, hương thơm, giòn mà lại dai, vừa béo lại vừa bùi…

Nem nướng – niềm tự hào trong văn hóa ẩm thực Cần Thơ.

Nếu ai đã một lần thưởng thức hẳn không thể quên được mùi vị thơm ngon không lẫn vào đâu của loại nem này, ngoài những công thức thông thường phải kể đến những bí quyết gia truyền độc đáo.

Để có được món nem nướng hấp dẫn thực khách thịt lợn được “tuyển chọn” phải là loại vừa mới, thịt như hãy còn bốc hơi nóng và đem bỏ gân, thấm cho sạch máu.

Sau đó thịt lợn xắt thành lát mỏng rồi đem ướp với tỏi nướng vàng, tỏi tươi băm nhỏ, nước mắm ngon cô đặc, muối, bột nêm… Khi gia vị đã thấm đều thì thêm chút đường và tiêu xay rồi cho tất cả vào quết dẻo.

Món ăn hấp dẫn đối với bất kỳ du khách nào

Khi thịt quết đã dẻo, chuyển sang màu trắng thì được viên tròn lại. Những viên tròn được xâu qua thanh tre đã được chuốt nhỏ rồi nướng lên ngọn lửa than hồng cháy dịu. Nướng đến khi thịt chín vàng đều. Nem nướng có mùi thơm của thịt, của lửa và cả mùi khói than nồng đượm, làm nên một hương vị hấp dẫn đến khó quên.

Nem nướng Cái Răng được cuộn vào trong bánh tráng mỏng tang và thêm vào những nguyên liệu xanh mướt của rau thơm, khế, chuối chát, khóm (dứa), cuộn lại rồi chấm cùng với chén tương sền sệt rồi thưởng thức.

4. Ốc nướng tiêu

Ẩm thực Cần Thơ vốn nổi tiếng với nhiều món ăn bình dân nhưng luôn đậm đà hương vị khiến thực khách thử qua một lần là nhớ mãi. Trong số đó không thể không kể đến món ốc bươu nướng tiêu, một món ăn rất phổ biến của Cần Thơ.

Ốc bươu nướng tiêu xanh – cách nấu đặc biệt của người Cần Thơ

Để làm món ăn này, người ta thường luộc sơ qua ốc rồi nướng. Ốc được nướng trên bếp than củi để giữ được độ thơm và mùi vị tự nhiên của món ăn. Sau đó người ta cho thêm nước mắm đã pha sẵn các loại gia vị vừa ăn như: tiêu, tỏi, bột ngọt… nướng cho đến khi thấy nước bên trong sôi lên, hơi cạn xuống thì cho ra đĩa là dùng được. Khi nướng ốc, phải trở ốc đều tay và để mặt ốc úp xuống vỉ nướng, nếu không rất dễ bị cháy vỏ và thịt ốc.

Ốc vừa chín tới sẽ có vị ngọt đặc trưng hòa cùng các loại gia vị trong nước mắm. Vị cay cay của tiêu nơi đầu lưỡi cùng vị ngọt mặn vừa đủ sẽ làm bạn mê mẩn.

Đặc biệt, sự thành công của món ăn quyết định bởi nước mắm khi nướng. Nước mắm khi pha chế phải có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt vừa đủ. Nếu thiếu một vị coi như món ăn thất bại. Ốc bươu nướng tiêu thường ăn kèm với rau răm.

Ngoài cách phổ biến ở trên, nhiều người thích nướng ốc tươi để giữ được vị ngọt tự nhiên. Khi nướng vẫn phải canh thời gian cho hợp lý rồi mới cho nước mắm tiêu vào. Chế biến theo cách này, thịt ốc sẽ ngọt, giòn hơn nhưng thực khách phải chờ đợi lâu hơn.

Ốc nướng tiêu ăn đúng điệu phải húp cả nước gia vị bên trong ốc. Vị mặn, hơi cay của nước ốc càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn và lạ miệng. Cũng có lẽ vì thế khi dùng món ăn này, người ta không cần thêm thứ nước chấm nào khác. Bạn có thể tìm ăn món này ở bất kỳ hàng quán nào ở Cần Thơ. Giá cho một đĩa trung bình 70.000 đồng.

5. Lẩu bần phù sa – Ẩm thực Cần Thơ

Cùng với lẩu mắm, lẩu bần đã trở thành món ăn quen thuộc trong ẩm thực Cần Thơ. Cả hai loại lẩu này đều mang hương vị rất dân dã của Cần Thơ sông nước. Tuy nhiên ở mỗi loại lại có những hương vị đặc trưng riêng của nó.Lẩu bần được chế biến chủ yếu từ trái bần – một loại trái đặc biệt của miền Tây. Trái bần có vị chua thanh vì thế khi cho vào nấu nước lẩu thì nước lẩu có vị chua thanh rất mát. Lẩu bần được chế biến cùng với rất nhiều loại cá khác nhau như: cá basa, cá diêu hồng, cá ngát và ăn cùng với rất nhiều loại ra là đặc trưng của người dân miền Tây như: bông súng, điên điển, so đũa, bắp chuối thái,… Lẩu bần với lẩu mắm đã góp phần làm phong phú thêm những món ăn ngon của Cần Thơ.

Lẩu bần đã trở thành món ăn quen thuộc trong ẩm thực Cần Thơ

Sự hấp dẫn của lẩu bần không chỉ nằm ở cái tên “trái bần” đồng quê dân dã mà chính là hương vị rất đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu. Tinh tế một chút khi thưởng thức lẩu bần, người ăn còn cảm nhận ra mùi thơm dịu nhẹ của hương bần, gợi thương, gợi nhớ về “hương đồng gió nội”.

Muốn nồi lẩu ngon phải dùng bần chín, bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Cũng có thể biến tấu các loại thực phẩm chính để nấu lẩu bần. Tùy theo mùa, đó có thể là các loại cá da trơn như cá tra, cá ba sa, cá ngát hoặc cá điêu hồng… Sang hơn có thể thưởng thức món lẩu bần nấu ba ba, cua đinh.

Tùy theo mùa, có thể dùng các loại cá da trơn như cá tra, cá ba sa, cá ngát hoặc cá điêu hồng…để nấu lẩu

Vào mùa nước nổi, rau ăn kèm với lẩu bần ngoài bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng và một số loại rau canh chua thông thường khác, khách còn được thưởng thức bông điên điển – một loại bông dân dã đặc sản miền Tây sông nước rất “hợp tình hợp cảnh”.

Đăc biệt, du khách đến khu du lịch Phù Sa có thể gọi món lẩu bần vào bất cứ mùa nào. Bởi dù đó là mùa không có bần chín, nhà bếp ở đây đã có cách chiết xuất nước cốt trái bần để phục vụ du khách quanh năm.

Rau ăn kèm với lẩu bần gồm: bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng và một số loại rau canh chua thông thường khác…

6. Bánh tầm bì – Ẩm thực Cần Thơ

Bánh Tầm Bì

Hương vị bánh tầm bì (hay bánh tằm bì) ở Cần Thơ rất đặc biệt: bánh được hấp trong cái xửng trên bếp than nên luôn nóng hổi. Những sợi bì óng ánh tươm mỡ, thơm ngon. Còn nước mắm thì vàng sóng sánh, trong vắt. Cái vị béo của nước cốt dừa luôn hoà quyện vào những sợi bánh tầm trắng phau đi cùng rau, giá, dưa chua còn nếu thêm chút xíu mỡ hành nữa thì quá lại tuyệt vời. Một món ăn sáng vừa rẻ tiền, lại vừa giản dị. Cho dù đi nơi đâu, hay là người Cần Thơ xa quê hương sẽ luôn nhớ về hương vị ấy.

Bánh được hấp trong cái xửng trên bếp than nên luôn nóng hổi

Là món ăn sáng dân dã, bánh tằm bì rất phổ biến ở Cần Thơ  bởi sự thơm ngon nhưng giá lại rất bình dân. Nhiều du khách cho rằng nếu đến Cần Thơ mà chưa ăn Bánh tầm bì thì chưa hiểu hết được con người nơi đây. Bánh tầm bì được bán ở rất nhiều nơi nhưng nhiều nhất là gần cầu Nhị Kiều vào hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Bánh Tầm bì xíu mại

7. Ba khía rang me

Ba khía là một loài còng biển, do trên mu có ba gạch (khía) nên được gọi là “ba khía”. Ba khía xuất hiện nhiều ở miền Tây, vì vậy ở đây các món ăn từ ba khía cũng rất đa dạng. Đặc biệt, ba khía rang me là món ăn được nhiều người yêu thích nhất. Vị chua ngọt của me, vị bùi bùi của đậu phộng, một cay cay hơi nồng của rau răm khiến cho từng thớ thịt của ba khía trở nên thật đậm đà hơn bao giờ hết.

Ba khía rang me là món ăn được nhiều người yêu thích nhất!

Sau khi được lựa chọn và làm sạch kỹ càng, ba khía được phi trên chảo mỡ cùng tỏi thơm. Sau đó người ta cho me và gia vị vừa ăn vào chảo cùng ba khía, đun dưới ngọn lửa riu riu, sơ đều cho tới khi nước me rút vào sền sệt là hoàn tất. Ra vườn hái vài nắm rau răm xếp sẵn ra đĩa, xúc ba khía để lên. Thêm vài nhúm đậu phộng rang đâm dập vào nữa là xong.

Món nhậu lai rai cực bắt miệng của đàn ông miền Tây

Bữa ăn đã sẵn sàng. Gắp càng ba khía cùng với rau răm đưa lên miệng nhai chậm rãi, chúng ta sẽ cảm nhận được vị chua, ngọt, béo, giòn của ba khía hòa lẫn vị cay cay, the the của rau răm lan tỏa khắp mọi giác quan, nếu cần thêm một cốc bia lạnh nữa là “đủ bộ”.

Có dịp đến TP Cần Thơ, các bạn có thể tìm đến đường Đinh Tiên Hoàng, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ để thưởng thức nhiều món ngon độc đáo từ ba khía như: ba khía hấp bia, luộc, rang me… Giá cả cho 1 đía ba khía tương hợp lý với túi tiền: từ 30.000-50.000 đồng/đĩa cho bốn người ăn. Con đường Đinh Tiên Hoàng cứ đến tầm chiều tối là lại tấp nập khách nhờ món ăn nổi tiếng này. Chính vì vậy nó còn được người dân địa phương gọi với một tên dí dỏm khác: “Đường Ba Khía”!

8. Gỏi xoài khô cá sặc

Món ăn đơn giản chỉ gồm cá sặc nướng và xoài xanh thái chỉ nhưng làm không ít thực khách phương xa phải nhớ mãi. Là món ăn nổi tiếng trong ẩm thực Cần Thơ, gỏi xoài khô cá sặc được người dân Nam Bộ ưa chuộng thuộc loại nhất nhì trong những bữa ăn giản dị hằng ngày. Lý do là chúng dễ kiếm, dễ làm, lại chẳng cầu kỳ chuyện củi lửa.

Gỏi xoài khô cá sặc được người dân Nam Bộ ưa chuộng thuộc loại nhất nhì trong những bữa ăn giản dị hằng ngày

Khô cá sặc rất dễ ăn, có thể nướng và chấm muối ớt hay chiên vàng, chặt ra nhâm nhi cùng mắm me, nhắm bia. Hương vị món này đậm đà nhờ muối, xen lẫn vị ngọt thịt cá tự nhiên nên khi trộn cùng gỏi xoài xanh chua ngọt, chúng cũng được coi là món nhậu được ưa thích của đấng mày râu.

Nguyên liệu chính gồm xoài xanh, cà rốt, cá sặc khô, hành tím, chanh, tỏi, ớt, nước mắm, đường và rau răm.

Khô cá sặc nướng trên lửa than tới khi dậy mùi thơm là có thể xé nhỏ, làm thật kỹ để loại bỏ hết xương cá. Xoài tượng chua tươi rói thường được vặt ngoài vườn, sau đó gọt bớt phần vỏ ngoài, để nguyên trái, dùng dao mỏng băm dọc đều tay thành vệt dài trên mặt trái hoặc bào cho ra sợi.

Công đoạn tiếp theo là ngâm xoài với nước mắm pha đường cùng tỏi ớt bằm 30-45 phút để làm giảm vị chua. Trong lúc đó, cà rốt cũng được thái sợi, rau răm băm nhỏ, hành tím bào mỏng để trộn gỏi. Khi xoài đã ngấm, đầu bếp mới vớt ra để trộn chung với các nguyên liệu chuẩn bị sẵn sàng, sau cùng mới rắc rau răm. Hương vị đậm đà của khô cá sặc lẫn mùi thơm của rau răm kết hợp cùng xoài chua và hành tím hăng thấm nước mắm đường đi cùng vị cà rốt ngọt thanh khiến món ăn đậm chất miền quê dân dã càng trở nên ấn tượng. Những hôm nhà có khách hay cần món nhậu lai rai cho ông xã, phụ nữ miền Tây rất rảnh tay với món không mấy cầu kỳ này.

Có dịp đến thăm người miền Tây Nam Bộ mùa nước nổi và được gia chủ thiết đãi gỏi xoài khô cá sặc, bạn sẽ thấy mình là người may mắn và phải xuýt xoa khen ngợi mãi. Nếu muốn mua về làm quà hoặc tự tay chế biến món này cho gia đình, bạn cũng sẽ dễ dàng mua ở hầu khắp các cửa hàng bán nông sản tại các tỉnh miền Nam. Giá khoảng hơn 300.000 đồng một ký khô cá sặc đóng gói.

9. Bánh hỏi – Heo quay Phong Điền

Bánh hỏi – heo quay – món ăn nhất định bạn phải thử khi đến Cần Thơ!

Đến vùng đất Cần Thơ, các bạn đừng quên ghé thăm Phong Điền với những vườn trái cây trĩu quả. Tại đây bạn có thể tham gia tour dã ngoại một ngày tập làm nông dân với các họat động như hái rau vườn, bơi thuyền và giăng lưới bắt cá. Cũng đừng quên khám phá ẩm thực Phong Điền mà nổi tiếng nhất là bánh hỏi – heo quay ngon tuyệt do chính nhà vườn làm ra. 

Bánh hỏi là món ăn được làm từ bột gạo, được ăn kèm với thịt heo quay, rau thơm và chấm nước mắm, nước tương chua cay ngọt. Người miền Nam ăn bánh hỏi có tẩm mỡ hành. Người dân miền Trung ăn bánh hỏi thoa dầu lạc hoặc dầu dừa, trộn với lá hẹ xắt nhỏ. 

Bánh hỏi thường được ăn với heo quay. Thịt heo được tẩm ướp vừa miệng đem quay trên lửa đến khi chuyển sang màu vàng cánh gián bắt mắt. Bì lợn giòn tan, thịt lợn mềm và vẫn giữ được độ ngọt và mọng nước ấy là chuẩn. Ăn kèm với những cuốn bánh hỏi trăng tinh, nhỏ xíu, thêm rau sống, heo quay nóng hổi rồi chấm nước mắm chua ngọt ăn thiệt dễ ghiền.

Có thể bạn quan tâm:

Linh Hoang

Recent Posts

Top những địa điểm chơi Noel thú vị ở Hà Nội

Noel lại sắp đến rồi Hà Nội lại đẹp lung linh lộng lẫy dưới những…

2 weeks ago

Đi chơi Noel ở Hà Nội – [Top 7+] quán cafe dành cho các cặp đôi vào đêm Giáng sinh

Không khí Giáng sinh đang ngập tràn khắp con phố ở Hà Nội. Vào ngày…

2 weeks ago

7+ ý tưởng tổ chức ngày 20/10 dành tặng những người phụ nữ thân yêu

Vào những dịp lễ đặc biệt, đôi khi chỉ cần những hành động nhỏ thể…

1 month ago

Những món quà tặng ý nghĩa ngày 20/10 dành cho “một nửa của thế giới”

Ngày 20/10 là tôn vinh Phụ nữ Việt Nam, đây là một dịp để bạn…

1 month ago

CHUẨN BỊ CHƠI TEAM BUILDING CẦN NHỮNG GÌ?

Để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi, đặc biệt nâng cao tinh thần tập…

1 month ago

Trải nghiệm ẩm thực dân tộc giữa núi rừng Đà Bắc

Tôi được thưởng thức ẩm thực Đà Bắc ngay khi đặt chân đến nơi đây…

1 month ago